Tây Nguyên 'gồng mình' chống hạn

73

vnexpress.net

Nắng nóng kéo dài, hồ đập, sông suối trơ đáy, nông dân Kon Tum, Đăk Nông… chắt chiu nguồn nước ít ỏi, nhiễm phèn cứu cây trồng.

Đầu tháng 4, Tây Nguyên đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo hạn hán năm nay khốc liệt hơn mọi năm. Mực nước và lưu lượng trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Hàng nghìn hecta cây trồng héo rũ vì thiếu nước.

Ở huyện Đăk Hà, “thủ phủ” cà phê của tỉnh Kon Tum với hơn 12.000 ha, tuyến kênh dẫn nước vào xã Hà Mòn cạn trơ đáy, bên cạnh là những rẫy cà phê vàng úa, cháy lá. Đặc biệt hồ chứa C3 dung tích 370.000 m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha cây trồng trên địa bàn thôn Bình Minh chỉ còn đọng lại vũng nhỏ, phía đầu nguồn đất đai nứt nẻ, khô khốc.

Lòng hồ thủy lợi C3 khô cạn nhiều tháng qua. Ảnh: Trần Hóa

Lòng hồ thủy lợi C3 khô cạn nhiều tháng qua. Ảnh: Trần Hóa

Giữa trưa, hàng chục máy ống hút cắm xuống lòng hồ, tiếng máy bơm công suất lớn nổ vang khắp vùng. Nước theo đường ống dẫn lên các vườn cà phê, hoa màu cách đó hàng trăm mét. Chị Vũ Thị Ngà, 45 tuổi, đang cùng con trai tưới 1.400 gốc cà phê bằng nước hút lên từ lòng hồ.

“Dòng nước đục ngầu, nhiễm phèn sẽ khiến cây trồng bị cháy lá, hư quả, song không còn lựa chọn nào khác bởi hơn 300 gốc cà phê tái canh của gia đình đã c h ế t vì thiếu nước”, chị Ngà nói và cho biết, những mùa khô trước gia đình chỉ tưới cà phê trong 3-4 đợt. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài khiến chị phải tưới thêm đợt thứ 5, thậm chí thứ 6.

Rẫy cà phê của chị Ngà cách lòng hồ thủy lợi C3 khoảng 800 m, đường ống dẫn nước được chôn ngầm dưới đất. Mỗi đợt tưới kéo dài hai ngày, chị tốn khoảng 1,2 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, đối với chị Ngà đây chỉ là giải pháp cứu vãn tạm thời, nếu tình trạng hạn hán kéo dài thêm 1-2 tháng nữa, toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình sẽ c h ế t khô.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, địa phương có 80 hồ chứa thủy lợi. Do vào cao điểm mùa khô, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, mực nước ở các hồ chứa, các công trình thủy lợi đang xuống thấp, đạt khoảng 60% công suất thiết kế.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cảnh báo, trong tháng 4, 5, thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Glei có nguy cơ cao thiếu nước trên diện rộng. Sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP Kon Tum lưu lượng nước thấp hơn từ 40-65%, mực nước thấp hơn các năm 0,2-1,2 m.

Chi Ngà cùng con trai tưới vườn cà phê mới tái canh. Ảnh: Trần Hóa

Chi Ngà cùng con trai tưới vườn cà phê mới tái canh. Ảnh: Trần Hóa

Tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước trên 1.700 ha.

Cách tỉnh Kon Tum hơn 300 km về phía nam, nông dân huyện Đăk Mil, Krông Nô và Cư Jut (tỉnh Đăk Nông) cũng đang chắt chiu, chia sẻ nguồn nước ít ỏi từ các ao, hồ để bơm tưới, cứu những diện tích cà phê bị khô cháy.

Dưới cái nắng 37 độ, vợ chồng ông Đinh Phú Hải, ở thị trấn Đăk Mil hì hục nối thêm 3 m nối ống cắm điểm sâu nhất của hố nước giữa lòng hồ Đăk Ken. Hố này được những người dân góp tiền múc khi lòng hồ trơ đáy. Cạnh đó, gần 20 máy bơm nằm chờ sẵn, nhưng chỉ còn một máy hoạt động, chắt những giọt nước cuối cùng để tưới cho vườn cây.

Chờ đến khi hồ được bơm chuyền nước, ông Hải khởi động máy tưới cho 1.000 cây cà phê đang “khát”. Rẫy ông Hải cách vị trí đặt bơm khoảng một km, khu vườn đã tưới đợt 3 cách đây hơn 20 ngày. “Cả tuần nay vợ chồng tôi canh ở đây để khi nào đập bơm nước trung chuyển sẽ tưới ngay cho vườn của mình”, ông Hải nói.

Trên địa bàn Đăk Nông có trên 300 công trình thủy lợi, tổng dung tích khoảng 172 triệu m3, song đến nay lượng nước chỉ còn gần 75 triệu m3; 29 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt.

Lòng hồ Đăk Ken trơ đáy, người dân chật vật tìm nguồn nước tưới. Ảnh: Lập Phương

Lòng hồ Đăk Ken trơ đáy, người dân chật vật tìm nguồn nước tưới. Ảnh: Lập Phương

Toàn huyện Đăk Mil có hơn 21.200 hecta cà phê. Để chủ động chống hạn cho cây trồng, chính quyền đã tuyên truyền nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Các đơn vị chức năng cũng kiểm tra, cập nhật, đánh giá cụ thể nguồn nước các suối, hồ, đập,… Khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thường xuyên hạn và diện tích cây trồng không đủ nước.

“Cuối tháng 3, nhiều khu vực xuất hiện cơn mưa đầu mùa giải nhiệt, song chưa giải quyết được vấn đề thiếu nước”, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Nông nói, cho biết theo dự báo trong những ngày tới nền nhiệt tăng cao lên 37-38 độ C, nguy cơ thiếu nước cho 8.600 ha cây trồng.

Tại tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai theo thống kê của cơ quan chức năng cũng có hàng trăm hecta cây trồng, lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới. Trong khi đó, ở Lâm Đồng hạn hán mức độ thấp hơn, nhưng một số địa phương cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, dự báo trong các tháng đầu mùa mưa tháng 5,6 và 7 khu vực Tây Nguyên có mưa nhưng có thể gián đoạn, nên khả năng cao vẫn thiếu nước.

Lập Phương – Trần Hóa


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/tay-nguyen-gong-minh-chong-han-4730392.html