Sức trẻ lan tỏa những điều dung dị

54

vnca.cand.com.vn

– Động lực nào thôi thúc bạn lên ý tưởng thực hiện “Gương mặt Việt Nam”?

+ Sau chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa năm 2023, tôi đã đặt bút viết những dòng đầu tiên về format chương trình. Gần 10 ngày đêm đi qua các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn của Tổ quốc…, tôi may mắn được gặp gỡ rất nhiều con người Việt Nam. Mỗi người mang trong mình một câu chuyện, một hành trình của trách nhiệm với non sông nhưng chẳng mấy ai biết mặt biết tên. Đó là người lính xa gia đình, đứng gác ở đảo Đá Thị và chưa một lần được nhìn thấy đứa con đã chào đời của mình. Đó là người chiến sĩ cố nuốt ngược giọt nước mắt vào trong khi hay tin mẹ mất để tiếp tục làm nhiệm vụ tại bệnh xá của xã đảo Song Tử Tây. Đó là những trẻ em trên đảo, có em chưa biết mặt chữ nhưng đã thuộc lòng bài vè về Trường Sa… Tất cả là nguồn cảm hứng để “Gương mặt Việt Nam” ra đời.

1 guong mat vn.jpg -0
Lan Nhi (trái) trong chương trình “Gương mặt Việt Nam”.

– Mùa một quy tụ 11 nhân vật như nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư; Anh hùng LLVTND – Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh, thành viên đoàn cứu hộ quốc tế Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ; ca sĩ Phương Mỹ Chi; đạo diễn Hoàng Nhật Nam… Bạn gửi gắm thông điệp gì khi lựa chọn những nhân vật này?

+ 11 “Gương mặt Việt Nam” mùa đầu tiên là 11 mảnh ghép được gắn kết chặt chẽ với nhau theo dòng chảy của thời gian, của tình yêu nước được nuôi dưỡng, hun đúc và bừng lên trong hiện tại. Họ có thể là chính trị gia, lực lượng vũ trang, giới trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người trẻ/nhóm trẻ… Điểm chung để kết nối những câu chuyện này lại với nhau chính là sự “dung dị”. Hành trình cống hiến cho quê hương ấy dù là một năm, 20 năm hay gần một thế kỷ… đều xuất phát từ ý niệm đơn sơ ban đầu là vì một ai đó và vì hai tiếng Việt Nam.

Là tác giả, nhà sản xuất và là biên tập phụ trách chương trình giao lưu nghệ thuật truyền cảm hứng “Gương mặt Việt Nam”, tôi đã có quá trình tìm hiểu và đồng hành cùng từng nhân vật. Chuyến đi Trường Sa là cơ hội để tôi kể lại hành trình “Lên rừng, xuống biển”, “Cõng chữ ra đảo, đưa cháu về bờ” của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính và Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”.

Là một người trẻ, tôi nể phục khối óc và tinh thần lao động không mệt mỏi của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư với những công trình lịch sử, địa chí vĩ đại. Một quốc gia muốn hội nhập và thịnh vượng thì không thể thiếu đội ngũ trí thức, doanh nhân và văn nghệ sĩ. Họ đã và đang tạo ra những xung lực để đưa hai tiếng Việt Nam vang danh trên thế giới. Với những giá trị, tình yêu nước mà thế hệ cha ông đã tạo ra, giữ gìn đến ngày hôm nay thì hành động của người trẻ như nhóm “Sài Gòn Xanh”, “Vẽ hạnh phúc” chính là tiếng nói của sự kế thừa và phát huy.

– “Gương mặt Việt Nam” là chương trình truyền hình hiếm hoi được công chiếu trên màn ảnh rộng. Không chỉ vậy, ekip tận dụng mọi nguồn kênh như nền tảng chiếu phim trực tuyến, mạng xã hội… để phát hành. Quả thật từ nội dung đến cách thức vận hành là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ với một ekip đa số là gương mặt trẻ như bạn?

+ “Trẻ” chính là từ có thể khái quát được những khó khăn và thuận lợi mà ekip gặp phải khi thực hiện chương trình. “Trẻ” là thách thức rất lớn khi vận hành một dự án quá lớn như “Gương mặt Việt Nam”. Kiến thức, kinh nghiệm chắc chắn sẽ phần nào là hạn chế của đội ngũ sản xuất. Song sự “trẻ”, sự mới của một dự án trình làng là rào cản lớn hơn nhiều.

Tuy vậy, chúng tôi trẻ nên quyết liệt và dám đi đến cùng với ước mơ của mình. Chúng tôi trẻ nên nhận được rất nhiều sự ủng hộ, trợ lực từ các bậc tiền bối để tự tin tiến bước. Đó là ban cố vấn luôn đồng hành từ lúc xây dựng format chương trình đến khi triển khai thực hiện gồm: Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông – nguyên Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh; Thượng tá – nhà văn Nguyễn Hồng Lam, nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài…

Công tác trong lĩnh vực truyền hình, tôi hiểu sức sống của một chương trình có thể bền bỉ hơn nếu chúng ta biết tận dụng những nền tảng phát hành và nắm bắt nhu cầu của khán giả trong thời đại số. Ở mỗi nền tảng, người làm công tác tổ chức sản xuất sẽ cân đo đong đếm, vận hành theo cách thức khác nhau để vừa làm sao phù hợp với mỗi nền tảng, vừa giữ được cái “chất” của mình.

– Ở những mùa tới, điều gì bạn và ekip muốn cải tiến để “Gương mặt Việt Nam” hấp dẫn hơn?

+ Dưới góc độ một nhà sản xuất, thay vì là “hấp dẫn”, tôi thật sự mong muốn “Gương mặt Việt Nam” lan tỏa nhiều hơn. Nếu chỉ để làm một chương trình giải trí đơn thuần, tôi và ekip đã không chọn đề tài khó và lớn như vậy. Mỗi ngày, một câu chuyện đẹp được chia sẻ; một hành trình truyền cảm hứng của người Việt mình được đồng bào trong và ngoài nước biết đến; một nỗ lực, thành tựu của con người Việt Nam được thế giới công nhận, vinh danh… Nghe những điều đó, thấy những điều đó, cảm được hành trình đó, chúng ta và cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp lên. Ở mùa hai, ekip sẽ mang đến nhiều hoạt động cộng đồng để tăng sự tương tác với khán giả và chia sẻ nhiều hơn câu chuyện đẹp.

2 dung tu bo.jpeg -1
Dự án từ thiện “Đừng từ bỏ” của Lan Nhi mang những món quà ý nghĩa đến trẻ em Kon Tum.

– Được biết thời sinh viên, phim ngắn “Đền một giấc mơ” do bạn viết kịch bản và sản xuất đã giành giải nhất cuộc thi “321 Action” và vinh dự đại diện Việt Nam góp mặt ở Liên hoan phim Cannes 2019. Đó có lẽ là kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện “Gương mặt Việt Nam” sau này.

+ Là biên kịch và tổ chức sản xuất cho một dự án mà bản thân chưa từng có kinh nghiệm là điều “điên rồ” với tôi. Khi đó, tôi và các anh em đã gom hết số tiền mà những cô cậu sinh viên tiết kiệm được để tham gia cuộc thi “321 Action” với mong muốn xem thử mình làm được tới đâu ở lĩnh vực này. Chúng mình kể câu chuyện thời trang qua góc nhìn của một stylist bị bệnh mù màu và cô phải trả giá rất nhiều để có thể chạm đến ước mơ của mình. Sẽ không dám chắc được tương lai, nhưng nếu có cơ hội mình và các cộng sự sẽ quay trở lại với lĩnh vực này.

– Dễ hiểu vì sao “Gương mặt Việt Nam” tạo được sự đồng cảm và hưởng ứng của khán giả bởi bản thân bạn cũng là người tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Ở tuổi 22, bạn đã đăng ký hiến tạng. Ngoài ra, dự án từ thiện “Đừng từ bỏ” của bạn cũng dần trở nên thân thuộc với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn?

+ “Đừng từ bỏ” là điều tôi luôn tự nhủ với bản thân mình và rồi nó trở thành một dự án cá nhân. Tôi trưởng thành từ một tỉnh lẻ miền núi, đã thấy rất nhiều đứa trẻ lớn lên thiếu ăn, thiếu mặc; thấy những bữa ăn đựng trong cà mèn lên lớp chỉ có cơm và muối; thấy được đôi chân bé xíu, đen nhẻm của các em ngày ngày lội bộ hơn 10 cây số đến trường… Vào TP Hồ Chí Minh học tập và lập nghiệp, tôi thấy những đứa trẻ ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác nhưng môi vẫn nở nụ cười mỗi khi được đến lớp học tình thương… Là con người, ai cũng có trái tim. Tôi đã rung cảm rất nhiều trước những hình ảnh ấy. Sáu năm thực hiện dự án “Đừng từ bỏ”, gửi trao những phần quà, suất học bổng, xe đạp, quần áo, sách vở… là sáu năm mình nhận lại rất nhiều hạnh phúc. Còn việc đăng ký hiến tạng, tôi quan niệm cơ thể của mình là ba mẹ cho. Giữ gìn cơ thể là trách nhiệm của mình. Nếu như một ngày, mình không còn tồn tại trong cơ thể ấy, mình mong muốn những gì còn lại sẽ được ai đó tiếp tục giữ gìn.

– Cảm ơn Lan Nhi về cuộc trò chuyện!


Nguồn bài viết:
https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/suc-tre-lan-toa-nhung-dieu-dung-di-i726607/