Sập bẫy lừa, dân mất gần trăm sổ đỏ, phải bớt tham để tự bảo vệ mình

24

laodong.vnSập bẫy lừa, dân mất gần trăm sổ đỏ,  phải bớt tham để tự bảo vệ mìnhĐối tượng Phạm Thị Vân (51 tuổi, huyện Lắk, tỉnh Đăk Lắk) làm việc với Công an. Ảnh: Sỹ Đức

Điều tra của Công an tỉnh Đăk Lắk cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Phạm Thị Vân (51 tuổi, huyện Lắk) cho khoảng 40 người vay 6,3 tỉ đồng, lãi suất là 3.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương 109,5%/năm. Khi người vay mất khả năng trả nợ, Vân yêu cầu sang nhượng quyền sử dụng đất ở, đất ruộng hoặc bán nông sản cho Vân để cấn trừ. Công an thu giữ 75 sổ đỏ các loại từ Vân, nhưng nhiều người đã mất nhà, mất đất, lâm cảnh khốn cùng.

Thời điểm này, người dân ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cũng đã báo công an vì bị lừa, mất sổ đỏ. Từ năm 2009 Công ty CP Đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân “mời” dân liên kết phát triển dự án trồng rừng bằng cách góp sổ đỏ. Hơn 40 hộ dân đã tham gia vào dự án và bị mất sổ.

Chiêu thức lừa đảo rất đơn giản và không mới, song lừa đến đâu thì dân sập bẫy đến đó. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản rất quan trọng đối với nông dân. Không chỉ là tài sản mà còn là phương tiện sản xuất, kế sinh nhai. Đặc biệt ở vùng chuyên canh nông nghiệp như các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng dân lại mang đi góp, cho mượn, cầm cố vay… để rồi bị lừa đảo, bị mất. Hệ lụy xã hội rất nặng nề ngoài những thua thiệt trực tiếp của từng hộ dân.

Vì sao chuyện lừa đảo công khai lại dễ dàng như vậy?

Tại diễn đàn bàn về lừa đảo qua mạng nhân kỷ niệm 3 năm thành lập dự án chống lừa đảo, các chuyên gia của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, công bố của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA), năm 2023 cả thế giới bị lừa đảo qua mạng mất 53 tỉ USD. Trong đó người Việt mất gần 1/3, tức gần 16 tỉ USD.

Việt Nam đã có đến 80% dân số sử dụng Internet. Quy mô nền kinh tế Internet đạt hàng chục tỉ USD mối năm. Doanh thu bán lẻ hàng hoá trực tuyến của Việt Nam dự kiến lên đến 32 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, nói Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng là chưa đúng lắm.

Số tiền bị mất vì lừa đảo quá khủng khiếp. Có rất nhiều các nạn nhân là người tri thức, cán bộ, thị dân, là người sành về công nghệ, sử dụng mạng… chứ không chỉ nông dân hay đồng bào dân tộc thiểu số như trường hợp bị mất sổ đỏ ở Tây Nguyên. Nhưng bị sập bẫy lừa, dù trực tiếp hay qua mạng một cách dễ dàng như vậy là phần lớn lỗi từ nạn nhân.

Ham rẻ, tham lợi nhuận, thích sự dễ dàng, thuận tiện trong giao dịch là điều kiện đầu tiên dẫn đến bẫy lừa đảo. Ngoài ra, còn do các nạn nhân quá… “ngây thơ”.

Nhưng nếu chỉ vì “ngây thơ”, thiếu hiểu biết mà không tham thì không đến nỗi bị sập bẫy lừa một cách dễ dàng, phổ biến đến vậy.

Cơ quan chức năng sẽ điều tra, xử lý, pháp luật sẽ trừng trị kẻ lừa đảo, nhưng các nạn nhân khi “được vạ thì má đã sưng”.

Lừa đảo phần lớn đánh vào các điểm yếu của con người, đó là lòng tham về vật chất, giá trị kinh tế, niềm tin ngây thơ và tình cảm. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh lừa đảo, tự bảo vệ mình trước, bằng cách… chậm lại trước những thông tin mời chào hấp dẫn về vật chất, về những cuộc tình cho không biếu không. Phải bớt tham.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sap-bay-lua-dan-mat-gan-tram-so-do-phai-bot-tham-de-tu-bao-ve-minh-1291306.ldo