Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Rà soát mạng lưới trường lớp để huy động nguồn lực kiên cố hóa

0

baotintuc.vnChú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp.

33.000 tỷ đồng xây phòng học, nhà công vụ từ nguồn xã hội hoá

Báo cáo tổng kết giai đoạn 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, với tổng số 553.181 phòng học. Trong đó, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non với tỷ lệ rất thấp chỉ đạt 47,7%, cấp học Tiểu học và Trung học Cơ sở tỷ lệ này lần lượt là 61,6% và 80,5%.

Đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên 628.571 phòng, trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. Cụ thể, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, Tiểu học đạt 83,2%, và Trung học Cơ sở đạt 94,9%. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học như sau: cấp học mầm non có 56,9% trường, cấp Tiểu học có 62,8% trường; cấp Trung học Cơ sở có 72,3% trường; cấp Trung học Phổ thông có 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường.

Giai đoạn 2013-2023, nhờ vào sự hỗ trợ từ xã hội hóa, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghệ bưu chính viễn thông Quân đội – Viettel, các ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank); các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đoàn thể và nhiều doanh nghiệp khác đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Các lực lượng vũ trang như công an, quân đội tại các tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An… đã không chỉ huy động xã hội hoá để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học kiên cố, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định cuộc sống cho người dân tại các khu vực khó khăn.

Các hộ gia đình và cá nhân cũng đã tích cực quyên góp kinh phí, đồng thời hiến tặng hàng trăm hecta đất để mở rộng trường lớp, cả ở khu vực đô thị và miền núi. Tiêu biểu như gia đình bác sĩ Trương Minh Tuyết và thầy Trần Đình Chiến đã tài trợ 86 tỷ đồng để xây dựng Trường Trung học Cơ sở Trương Minh Bạch (Long An); hộ gia đình ông Trần Văn Dần, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng và mua sắm thiết bị dạy học Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Việt Hương…

Kết quả này đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, nhờ đó, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn.

Ráo riết thực hiện mục tiêu “trường ra trường, lớp ra lớp”

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp trong công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố. Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó, Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng chia sẻ: Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào. Nó thể hiện ở nhiều yếu tố như: số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo… Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học, cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chúng ta sao có thể an lòng sinh hoạt trong ngôi nhà chắc chắn, ấm áp của mình, trong khi còn hàng nghìn trẻ em các tỉnh vùng núi phía Bắc băng hàng chục km đường rừng núi để tới trường và ngồi học trong những căn phòng học tạm, gió lạnh thổi qua. Chúng ta sao thể an lòng làm việc trong những văn phòng tiện nghi chắc chắn, thậm chí là lộng lẫy, khi mà cả nước còn hàng chục nghìn phòng học, nhà công vụ vẫn trong tình trạng tạm bợ, có cũng như không có.

Hiện nay, số trường học chưa kiên cố hóa chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn (khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam Bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh mới chỉ trên 40% ( Đăk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu…). Đáng chú ý, những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và Tiểu học, trong khi các em nhỏ tuổi nhất cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Vì vậy, mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa. Việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Đề xuất các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp trong công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long biểu dương, đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, đồng lòng từ các cấp chính quyền và toàn xã hội trong việc tiếp tục cải thiện, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất giáo dục trên cả nước. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ những lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn sự thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm công tác kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn, trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số. Đảm bảo ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Đồng thời, giám sát, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-le-thanh-long-ra-soat-mang-luoi-truong-lop-de-huy-dong-nguon-luc-kien-co-hoa-20241025132341383.htm