Phó Thủ tướng khen ngợi việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng

102

laodong.vn

Tham gia Hội nghị còn có ông Nguyễn Quốc Trị – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

Phó Thủ tướng cũng dành lời khen ngợi cho công tác ứng dụng công nghệ để bào vệ rừng tại vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Huyền NgaPhó Thủ tướng khen ngợi công tác ứng dụng công nghệ để bảo vệ rừng tại vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Huyền Nga

Tại Hội nghị trực tuyến, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định, tình hình trong 4 tháng vừa qua cơ bản ổn định, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ vi phạm, số vụ cháy và cả về diện tích cháy. Nhiều địa phương có sự quan tâm về công tác PCCCR, ý thức của người dân chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là việc các vụ cháy lớn thì chúng ta chỉ can thiệp ở bước đầu, khi bùng lên nhiều hecta thì chỉ mới cố gắng hạn chế.

Phó Thủ tướng khen ngợi việc ứng dụng công nghệ vào việc bảo vệ rừng tại vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). “Anh em đã biết ứng dụng flycam trong công tác bảo vệ và phát hiện cháy rừng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng đều cài một phần mềm trong điện thoại di động để xác định đi đủ 120 km/tháng. Có đồng chí một tháng đã đi đến 370 km”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho hay, năm 2023, cả nước đã xảy ra 310 vụ cháy rừng, với diện tích bị ảnh hưởng 674,5ha, trong đó: diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 487,5ha (do cháy lướt, cháy thực bì, không ảnh hưởng đến rừng), diện tích rừng khó có khả năng tự phục hồi khoảng 187ha. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498ha chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023. Cùng với sự thiệt hại về rừng trong quá trình tham gia chữa cháy đã làm 12 người bị tử vong và làm 6 người bị thương.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc trung Bộ, như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế… Nhìn chung số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-khen-ngoi-viec-ung-dung-cong-nghe-trong-bao-ve-rung-1336154.ldo