Phát huy giá trị quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh

11

baokontum.com.vn

Quyền con người là khát vọng chung gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại. Kế thừa truyền thống dân tộc và các giá trị to lớn của văn minh nhân loại, đặc biệt là học thuyết mácxít, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp lý luận và thực tiễn cho đấu tranh bảo vệ và phát huy quyền con người.

Động lực to lớn nhất để người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước đó là lòng yêu nước, tình yêu thương con người, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức bóc lột, đưa con người vươn đến cuộc sống “tự do, bình đẳng, bác ái”.

Sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đi qua gần 30 quốc gia (3 đại dương, 4 châu lục), Người trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, Người đã sớm nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và quyền con người. Người cho rằng, một dân tộc bị nô lệ thì người dân ở đó không thể có bất cứ quyền con người và tự do nào.

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng (từ 13-28/8/1945), 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

145742%E1%BA%A2nh%20t%C6%B0%20li%E1%BB%87u

Ảnh tư liệu

 

Ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Trong Tuyên ngôn độc lập, Người nhấn mạnh lại rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Theo Người, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia gắn liền với quyền con người và là điều kiện tiên quyết, cơ bản để hiện thực hóa các quyền con người ở Việt Nam. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Và “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Từ hoạt động thực tiễn và qua nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới, Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Nhận thức sâu sắc về quyền con người, Người luôn chỉ rõ: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ”, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người đã đóng góp to lớn vào giá trị chung của nhân loại về quyền con người. Đồng thời là những định hướng chính trị cơ bản cho toàn bộ hoạt động của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người.

Bằng chứng là ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề quyền con người, thể hiện trong Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, quyền con người, quyền công dân tiếp tục được khẳng định và mở rộng tại các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động và tích cực tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người. Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, tư tưởng, quan điểm về quyền con người của Việt Nam không ngừng được phát triển, bổ sung phù hợp với thời đại.

145801B%C3%A0%20con%20%C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20c%C3%A1c%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20Kon%20Tum%20lu%C3%B4n%20n%E1%BB%97%20l%E1%BB%B1c%20h%E1%BB%8Dc%20t%E1%BA%ADp%20v%C3%A0%20l%C3%A0m%20theo%20t%C6%B0%20t%C6%B0%E1%BB%9Fng,%20%C4%91%E1%BA%A1o%20%C4%91%E1%BB%A9c,%20phong%20c%C3%A1ch%20H%E1%BB%93%20Ch%C3%AD%20Minh

Bà con đồng bào các dân tộc Kon Tum luôn nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: S.C

 

Tại Đại hội VII của Đảng (1991), lần đầu tiên khái niệm quyền con người chính thức được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước  trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đó là: “Nhà nước ta định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người”.

Đại hội VIII của Đảng (1996) nhấn mạnh: “Ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ưu tiên xây dựng các  luật về kinh tế, về các quyền công dân (…), nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện”.

Đại hội IX của Đảng (2001), lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện các cam kết quốc  tế về quyền con người: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”.

Đại hội X của Đảng (2006) tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội: Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người”.

Đại hội XI của Đảng (2011) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) có nhiều quan điểm về tôn trọng, bảo vệ quyền con người: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Đại hội XII của Đảng (2016) tiếp tục nhấn mạnh: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013… hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”.

Tại Đại hội XIII của Đảng (2021), tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức về quyền con người trong thời kỳ mới của đất nước: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Mọi quyết sách đều xuất phát từ con người; mọi thành quả phát triển đều hướng vào bảo đảm tốt nhất quyền con người.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống.

Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cả nước là 1.586.336;  tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%. Việt Nam là quốc gia đạt kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời. Hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Từ năm 1990 đến năm 2022, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng gần 50%, thuộc nhóm quốc gia tăng cao nhất thế giới.

Từ năm 2019 đến nay, Quốc hội nước ta đã thông qua 44 luật, trong đó nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Những thành tựu đó đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Minh chứng rõ nhất là Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014 – 2016).

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng ta về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, đưa các nội dung bảo vệ, bảo đảm quyền con người vào thực tiễn chính là trực tiếp góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam.

Đó cũng là thực hiện lời căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Người với mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.                

Sông Côn


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/phat-huy-gia-tri-quyen-con-nguoi-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-42617.html