“Phải vừa có đức vừa có tài, trong đó, đức là gốc”

13

baokontum.com.vn

19/03/2024 06:39

Mỗi kỳ Đại hội Đảng, có 2 nội dung quan trọng: Thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo, tức là cấp ủy (còn gọi là công tác nhân sự). Chính vì vậy, thời điểm hiện nay, cùng với việc tích cực chuẩn bị các văn kiện, một nhiệm vụ hết sức quan trọng đang được cả hệ thống chính trị chuẩn bị chu đáo là công tác nhân sự (còn gọi là công tác cấp ủy, công tác cán bộ) – cơ quan lãnh đạo của Đảng ở mỗi cấp giữa hai kỳ đại hội – trong nhiệm kỳ mới 2025-2030.

Cấp ủy là cơ quan lãnh đạo tập thể của Đảng ở mỗi cấp; là cơ quan lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu; nghị quyết của đảng bộ, nghị quyết chỉ thị của cấp trên; là đại biểu tiêu biểu cho việc thực hiện nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Cấp ủy còn giữ vai trò là mắt xích trung tâm chỉ đạo công tác xây dựng nội bộ đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Cấp ủy còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị – xã hội và các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, huyện, xã.

Nói như vậy để thấy, chất lượng lãnh đạo của cấp ủy đảng là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi cấp bộ đảng. Và chất lượng lãnh đạo của cấp ủy đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, điều quan trọng trước hết là từng cấp ủy viên phải có đủ tiêu chuẩn, phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất của đảng bộ.

193028%C4%90%C3%A0o%20t%E1%BA%A1o,%20b%E1%BB%93i%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng%20n%C3%A2ng%20cao%20ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20%C4%91%E1%BB%99i%20ng%C5%A9%20c%C3%A1n%20b%E1%BB%99

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh: NP

 

“Thực tiễn đời sống chính trị cho thấy, trong cấu trúc của hệ thống quyền lực, người và tổ chức chính trị càng cao, tác động tích cực hoặc tiêu cực tới bậc thấp hơn càng mạnh mẽ, tác động lan tỏa càng rộng lớn. Bởi vậy, công tác nhân sự trong đại hội đảng các cấp có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phát biểu chủ trì phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng vào ngày 13/3 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:  “Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ: “Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc; phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Phát biểu chân tình, thẳng thắn, trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng đã nhận được quan tâm, đồng tình, tâm huyết của đông đảo cán bộ, đảng viên trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cán bộ “phải vừa có đức vừa có tài, trong đó, đức là gốc” và không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có 1 trong 6 khuyết điểm được chỉ rõ.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Ảnh: N.P

 

Công tác nhân sự, công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Thực tế ở trên địa bàn tỉnh cho thấy, ở bất kỳ một tổ chức cơ sở đảng nào, một địa phương, đơn vị nào nếu người bí thư, cấp ủy hay người đứng đầu cơ quan, đơn vị đưa ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời thì tổ chức cơ sở đảng đó trong sạch vững mạnh, địa phương, đơn vị đó ngày càng phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào tháng 8/2023 đã yêu cầu tỉnh Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa. Địa phương phải giữ vững quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, dân tộc, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 43 dân tộc trong tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu ấy, phải xây dựng đội ngũ cán bộ đức – tài, lựa chọn cán bộ tham gia các cấp ủy đảng thật sự kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất. “Phải vừa có đức vừa có tài, trong đó, đức là gốc” mà Tổng Bí thư đã nêu chính là những yêu cầu, tiêu chuẩn cơ bản chung nhất của người cán bộ cách mạng trong tất cả các thời kỳ, ở tất cả các cấp, tất cả các địa bàn. Từ những yêu cầu này, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh có thể vận dụng để đề ra tiêu chuẩn cụ thể, qua đó có sự chuẩn bị công tác nhân sự (cấp ủy) cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng đảm bảo các yêu cầu và thực tiễn công tác đang đề ra.

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/phai-vua-co-duc-vua-co-tai-trong-do-duc-la-goc-38880.html