petrotimes.vn
Thời nay khi mạng xã hội phát triển, ngôn ngữ tiếng Việt cũng có nhiều thay đổi, trong giao tiếp và “đối thoại” trên zalo, facebook, instagram… Trong sự vui mừng vì độ phong phú, đa dạng của tiếng Việt, ta lại không ít băn khoăn, rằng tiếng nói, chữ viết đang bị biến dạng. Thậm chí có nhà nghiên cứu cho rằng, tiếng Việt đang bị vỡ nát.
Bấy lâu nay, cái hay, cái đẹp của tiếng Việt đã được nói tới rất nhiều. Tiếng Việt du dương, lấp lánh trong ca dao, dân ca, trong kho tàng văn hóa dân gian, trong các tác phẩm văn học từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát… cho đến văn học đương đại. Tiếng Việt hay và đẹp, ngữ pháp lại điệp trùng, sai một dấu phẩy hỏng cả câu văn, câu chuyện. Trong bài thơ “Tiếng Việt”, nhà thơ Lưu Quang Vũ viết: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Lúc đầu ông viết trong bản thảo: “Ôi tiếng Việt như bùn, như lụa”. Người biên tập đề nghị sửa thành “như đất cày” cho đỡ… bị suy diễn. Và cuộc tranh luận dùng “bùn” hay “đất cày” hay hơn còn kéo dài đến tận hôm nay.
Đời Đường ở Trung Quốc có câu chuyện “thôi – xao”, nói đến hai chữ trong bài thơ của Giả Đảo. “Thôi” là đẩy, “xao” là gõ, vậy nhà sư nên đẩy cửa hay gõ cửa dưới trăng? Nhà thơ băn khoăn mãi, nghĩ đến nát óc, dùng từ nào cho hay và cuối cùng chọn từ “xao”. Sau này người ta thường nhắc đến “thôi – xao” để nhắc lao động chữ nghĩa trong sáng tạo tác phẩm văn học, báo chí phải vô cùng cẩn trọng. Ở ta, Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều lần nhắc nhở phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bác nói, Bác không phải là nhà thơ, nhưng thỉnh thoảng có đôi vần ghi lại cảnh non nước hữu tình. Thế nhưng, đọc thơ Hồ Chí Minh, đến câu này thì thấy tuyệt đỉnh thi sĩ: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya). Người nhìn nghệ thuật hồn nhiên, trong trẻo như thiên nhiên vậy. Lại nhớ câu thơ tả tiếng đàn trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời” (có bản in là “đục như tiếng suối”). Người yêu tiếng Việt nào mà không nhớ những câu thơ đẹp nao lòng như thế!
Ngày còn đi học, thầy giáo dạy văn của chúng tôi thường bắt đầu từ dấu phẩy (,) để nói chuyện chữ và nghĩa. Thầy thường ví dụ câu này: “Đêm hôm qua, cầu gãy” và “Đêm hôm, qua cầu gãy” – một dấu phẩy đặt khác đi sẽ dẫn đến hai tình huống khác nhau. Rồi thầy bảo: Các em thử ngẫm câu này: “Ngựa đá chứ không phải ngựa đá”, “Năm con mèo đến là năm con mèo đến chứ không phải năm con mèo đến”… Ở đây chẳng có dấu phẩy nào hết nhưng tự câu văn đã giải thích rõ ràng, tiếng tuy giống nhau nhưng nghĩa thì khác nhau. Vì thế học trò phải đọc cho “vỡ” chữ.
Cha ông ta và các chuyên gia nước ngoài đã từng lặn lội công phu học tiếng nói để sáng tạo ra chữ viết. Khoảng giữa thế kỷ XIX, các vị linh mục người Pháp đã băng rừng xẻ núi lên Kon Tum (Tây Nguyên) và sống cùng dân, học tiếng nói của người Ba Na, Jơ Rai, Xê Đăng… Họ đã dần dần tạo ra chữ viết hệ Latinh cho khoảng chục ngôn ngữ tại Tây Nguyên.
Bây giờ, sắp sang năm thứ 24 thế kỷ XXI, đọc lại văn của “các cụ” ngày xưa nhiều lúc vẫn sững sờ vì nó không hề cũ, mà rất hiện đại. Nam Cao viết “Chí Phèo”, tả tàu lá chuối trong vườn “giãy lên đành đạch như là hứng tình” khi có cơn gió lay. Rồi cái bóng anh Chí say “xệch xạc trên đường trăng nhễ nhại”. Câu văn như vừa viết xong và Nam Cao đang ghé vào một quán Internet ven đường.
Còn tiếng nói, chữ viết của những người đương thời thì nhiều chuyện đáng bàn. Ta tiếp thu tiếng nước ngoài là cần thiết nhưng chớ nên lạm dụng. Từ Hán Việt chiếm hơn 60% lượng tiếng Việt nhưng sử dụng lâu mà nhiều từ trở thành thuần Việt. Cố nhiên, từ gì tiếng Việt có thì không nên vay mượn, trừ khi phải trích dẫn các điển cố, trừ khi phải dùng trong một văn cảnh phù hợp với với từ Hán Việt. Đã dùng “đồng bằng”, thì thôi “châu thổ”; đã “cố gắng” rồi thì thôi “nỗ lực”; đã “hầu hết” rồi thì thôi “đa số”, đã “bạn đọc” thì thôi “độc giả”… Sau chữ Hán Việt là đến tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng nước ngoài đan xen lẫn lộn trong khẩu ngữ và trên văn bản. Đọc nhiều tờ báo cứ phải mở từ điển ra để tra vì không phải từ nào mình cũng biết. Rất nhiều từ mới tràn vào báo chí Việt trong mấy năm qua: “bắt trend” (theo xu hướng), “cú hat trick” (cú ăn ba), “nhóm antifan” (nhóm tẩy chay, chống đối), “KOL” (người có sức ảnh hưởng)… Chao ôi là mệt! Tại sao lại tìm cách làm phức tạp những cái đơn giản? Hay người viết cho rằng không dùng từ tiếng Anh là không theo kịp xu hướng hiện đại?
“Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”cái
Cũng cần nói tới một điều, rằng chính những người làm báo chí, văn nghệ đôi khi cũng “thích đùa”. Họ cố tình viết sai chính tả trên facebook. Quấy lộn nhào những r, d, gi, z; những x, s; những y, i… Một buổi sớm, nhà văn X ở một thành phố phía Nam viết trên facebook: “Đề nghị biên tập viên VTV nói chuẩn là “mưa rào rải rác”, chứ không nói “mưa dào dải dác”. Nếu ghi những lời bình luận cuối lời đề nghị này ta sẽ được một bài “trao đổi ý kiến dài” và bổ ích. Rồi cô giáo nọ “nghịch” một tí: “Thưa bạn làng phây, tên em là Nê Thị Thúi (Thúy) làm ở Viện Rinh Rưỡng”. Ông văn phòng nọ rao: “Ai mua củy (củi) không? Lò đang thiếu củy”(!). Ôi, thật là “đại đa số” chuyện cười ra nước mắt.
Tếu táo một tí thôi, thuốc chữa trầm cảm đấy, đời quá nhiều áp lực. Một bạn nói, hai bạn nói, nhiều bạn nói, thế là “cái vô lý giăng hàng có thật”, tiếng ta cứ thế mà “vỡ” dần. Cần phải bắt tay sửa ngay. Mừng là cơ quan có trách nhiệm cao như Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng. Sau vụ “thu giá” và “thu phí” ngày nào, đại biểu Quốc hội dùng từ ngữ xem chừng khá chuẩn mực (nhưng cũng đừng vì thế mà cứ cầm giấy đọc tràn, phải có lúc nói vo mới biết tay anh hùng chứ).
Từ ngày lập nước Việt Nam mới, năm 1945, Nhà nước đã ra Sắc lệnh số 20 về việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc. Sắc lệnh quan trọng này đã đưa chữ Quốc ngữ trở thành hệ chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Năm 2022 (tháng 8), Chính phủ đã ra Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”. Đến ở nước ngoài mà chúng ta còn quan tâm như thế, vậy thì trong nước càng phải riết róng hơn. Xin đừng thả nổi cách nói, cách viết. Chúng ta đã bàn nhiều đến đổi mới nội dung sách giáo khoa, nhưng bàn thật sâu về chính tả tiếng Việt thì chưa nhiều và chưa đủ độ.
Cần kíp lắm và hy vọng nhiều!
Bây giờ, sắp sang năm thứ 24 thế kỷ XXI, đọc lại văn của “các cụ” ngày xưa nhiều lúc vẫn sững sờ vì nó không hề cũ, mà rất hiện đại.
Nguồn bài viết:
https://petrotimes.vn/oi-tieng-viet-nhu-dat-cay-nhu-lua-704918.html