Những người kết nối ý Đảng, lòng dân

5

baokontum.com.vn

Danh xưng này chúng tôi dành cho những người có uy tín ở tỉnh Kon Tum; bởi họ chứ không ai khác là những người đầu tiên và gần như là người cuối cùng truyền đạt những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân. Bài viết không thể đề cập hết được những cống hiến, những tấm gương về người có uy tín, xin được điểm tên một vài cá nhân tiêu biểu nhất trong một số lĩnh vực hoạt động tiêu biểu nhất của người có uy tín.

Những cánh chim đầu đàn, gương mẫu, nói dân tin, làm dân theo

Trong những ngày cuối tháng 9, tôi đến xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông để gặp gỡ người có uy tín. Cơn mưa dai dẳng, nặng hạt đã làm cho con đường đi đến xã như dài hơn, khó khăn hơn.

Người tôi gặp đầu tiên là chị Y Lôm, ở thôn Ngọc La. Nghe theo chủ trương của địa phương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, chị đã tích cực vận động được 40 hộ gia đình trong thôn chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây dược liệu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn.

Với cá nhân Y Lôm chị đã trồng được 400 cây sâm Ngọc Linh, 2,5 sào sâm dây… cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Chị nói với tôi “Muốn vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững thì mình phải làm trước, đi trước để đồng bào học tập làm theo”.

Nhiều người có uy tín tiêu biểu khác như Y Lên ở thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri đã chuyển đổi trồng 250 cây sâm Ngọc Linh, vận động được 65 hộ gia đình cùng trồng cây dược liệu; A Lang ở thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, trồng sâm dây cho thu nhập ổn định từ 40-50 triệu đồng/năm; vận động, hỗ trợ 4 hộ trong thôn cùng trồng sâm dây.

Người có uy tín, mục sư A Hùng, đạo Tin Lành ở thị trấn Đăk Glei nói với tôi rằng: “Trước đây trên địa bàn thị trấn còn nhiều những hủ tục, là người có uy tín và là mục sư, tôi đã thường xuyên tuyên truyền vận động tín đồ tôn giáo, đến nay các hủ tục, phong tục không phù hợp đã được xóa bỏ hoàn toàn”. Mục sư A Hùng là một trong những tấm gương sáng về sống “tốt đời, đẹp đạo” được chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư ghi nhận đánh giá cao.

Nhiều tấm gương người có uy tín như A Dát ở xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy; Đinh Thị Khiêm ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi… luôn âm thầm, cần mẫn khéo léo vận động, giúp đồng bào DTTS nhận thức xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp ra khỏi đời sống xã hội.

Từ trái qua phải: Chủ tịch xã Mô Rai Trần Quang Thắng, người có uy tín A Xin và người có uy tín A Ngớc. Ảnh: VKC

 

Tôi đến xã Mô Rai, huyện Sa Thầy nghe được câu chuyện từ cuối năm 2021; thời điểm này, tỉnh có chủ trương thu hồi đất trong nhân dân để xây dựng Nhà máy chế biến sữa TH. Ban đầu người dân chưa đồng thuận vì lo ngại việc “mất” đất sản xuất sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của bà con.

Chính quyền địa phương cùng với những người có uy tín A Xin ở làng KĐin; A Ngớc, A Blong ở làng Le; ông A Pdel ở làng Xộp phối hợp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động riêng lẻ, vận động số đông, vận động từ người già đến trẻ” và trong khoản thời gian ngắn, họ đã phối hợp vận động được 106 hộ và 1 tổ chức thu hồi 376 ha đất và tài sản trên đất trị giá khoảng 56 tỷ đồng để triển khai dự án; đồng thời, vận động 125 hộ và 1 tổ chức thu hồi 37 ha đất và tài sản trên đất trị giá khoảng 9,8 tỷ đồng để triển khai dự án giãn dân làng Xộp.

Điểm tựa của hệ thống chính trị cơ sở      

Có thể nhận thấy rõ nhất, trong mỗi chủ trương, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành triển khai đến nhân dân đều có phần nhiệm vụ của người có uy tín.

Công tác dân vận thông qua người có uy tín để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận đồng quần chúng tham gia vào các tổ chức chính trị – xã hội; tham gia và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Công tác dân tộc, tôn giáo thông qua người có uy tín để nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào DTTS, người có đạo; việc triển khai thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

093821%C3%94ng%20A%20Ml%C3%ADu%20

Ông A Mlíu – người có uy tín ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum trò chuyện với người dân. Ảnh: VKC

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thông qua người có uy tín để triển khai thực hiện các phong trào thi đua, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lực lượng vũ trang thông qua người có uy tín để nắm tình hình cơ sở, phát động và triển khai các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Có thể khẳng đinh, người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò đặc biệt góp phần quan trọng giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

Người có uy tín đúng như xã hội đã kỳ vọng, giữ nhịp cầu kết nối giữa ý Đảng và lòng dân.

Võ Kim Cương                                                                                 


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/nhung-nguoi-ket-noi-y-dang-long-dan-43053.html