antg.cand.com.vn
Mưa quả giữa nhành xanh
Những tiếng rào rào trút xuống như mưa rơi vào từng tầng lá, đọng lại trên những chiếc bạt phủ trùm một khoảnh rộng dưới những gốc cây hồ tiêu đang mùa hái quả. Từng đôi bàn tay thoăn thoắt ngắt những chùm quả chín xen lẫn những chùm xanh đã đạt độ thu hoạch. Bên cạnh cao su, cà phê, điều thì hồ tiêu cũng là một trong số những loài cây chủ lực mang lại nguồn thu chính cho người dân miền cao nguyên. Mùa thu hái hồ tiêu cũng rộn ràng những thanh âm như thế bao năm qua trên miền đất cao nguyên này. Hiện, giá hồ tiêu đang tăng (hơn 90.000 đồng/kg) khiến bà con nông dân phấn khởi. Trên nương rẫy, nhiều người cùng nhau bắc thang, kéo bạt thu hoạch hồ tiêu.
Những trụ hồ tiêu phủ kín, cao chót vót trở thành nơi mưu sinh của người lao động.
Trong vườn hồ tiêu ở Chư Sê (Gia Lai), đứng trên chiếc thang cao hơn 6m, Y Miên (sinh năm 1977, trú Sa Thầy, Kon Tum) lau nhanh mấy giọt mồ hôi trên mặt dưới cái nắng cao nguyên, hơn 2 tuần nay anh đi hái hồ tiêu thuê từ Kon Tum rồi sang Gia Lai. Một ngày làm việc của anh khoảng 8 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Trong suốt thời gian đó, anh chỉ việc ngồi vắt vẻo trên những cành cây hoặc đứng trên chiếc thang cao chót vót để hái tiêu. Với nước da ngăm, khuôn mặt càng trở nên vất vả vì thời tiết nắng nóng gay gắt. Người đàn ông Ba Na dáng nhỏ nhắn nhưng xốc vác cứ đều đặn hơn chục năm nay đi làm thuê cho những gia đình trồng hồ tiêu. Là lao động chính trong nhà nên phần lớn thời gian trong năm người đàn ông này lang bạt khắp nơi để tìm kế sinh nhai, mong sao có đủ tiền để cho cha mẹ và con cái ở nhà không chịu cảnh thiếu thốn.
Khắp vùng bazan từ Kon Tum tới Đăk Lắk, từ Đăk Nông tới Bình Phước đang vào mùa thu hái hồ tiêu. Năm nay lượng nhân công từ miền Trung, miền Tây đổ về cao nguyên khá đông, nhưng không ít khu vực ở Đăk Nông, Gia Lai vẫn khan hiếm nhân công thu hái hồ tiêu. Những dòng người đổ về Tây Nguyên mùa thu hái vẫn đều đặn hằng năm như thế, những thời điểm cuối năm sẽ là mùa thu hoạch cà phê, còn đầu năm sẽ là mùa thu hái hồ tiêu. Lượng lao động thời vụ này nhiều năm qua đã đúc kết được những kinh nghiệm chuyên nghiệp cho công việc của mình. Và, gần như mỗi người đều có dăm ba mối thuê hái cả cà phê lẫn hồ tiêu.
Những ngày đầu tháng 3/2024, dưới cái nắng oi ả của mùa khô Tây Nguyên, các vùng trồng hồ tiêu của nhiều địa phương như Đăk Lắk, Gia Lai, Đăk Nông đang vào mùa thu hoạch. Dưới những tán cây cao vút, bà con í ới gọi nhau, rôm rả chuyện trò. Người trải bạt, người dựng thang, có người vắt vẻo trên những chiếc thang cao vài mét để hái những chùm tiêu đỏ rực. Vì hoàn cảnh khó khăn, bà Huỳnh Thị Lành (56 tuổi, quê Quảng Ngãi) cũng theo chân người trong làng lên Gia Lai, Đăk Lắk làm nghề hái tiêu thuê được gần một tháng nay. Vào mùa hái hồ tiêu thuê, các nhân công cùng với mọi người trong gia đình chủ vườn vừa làm, vừa ăn ở tại nhà chủ vườn. Mỗi ngày, nhân công trèo hái khoảng 20-25 trụ, được trả công vài trăm ngàn đồng, bà Linh chia sẻ.
Mùa thu hoạch hồ tiêu trở thành mùa vất vả, hiểm nguy nhất trong năm nhưng cũng mang lại thu nhập cho nhiều người.
Nhọc nhằn cơm áo lấm mồ hôi
Hồ tiêu một thời được gọi là “vàng đen” vì giá trị rất cao. Nghề hái “vàng đen” nhìn đơn giản nhưng tai nạn lao động luôn rình rập, có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bởi, người hái hồ tiêu phải đứng và đu mình hàng giờ trên chiếc thang cao, cộng với thời tiết nắng nóng, công việc hái hồ tiêu khá vất vả nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng. Mùa thu hoạch hồ tiêu cũng là mùa gió chướng trên vùng đất Tây Nguyên nên việc trèo cao khá nguy hiểm. Công việc thu hái tiêu buộc phải trèo lên thang ở độ cao từ 3-10 m, trong khi đó ở nhiều vị trí đồi dốc rất khó tìm được mặt phẳng an toàn để bắc thang, nếu lơ là hoặc bất cẩn thì sẽ bị rơi khỏi thang hoặc cả người và thang cùng rơi xuống đất lúc nào chẳng biết.
Mỗi mùa hồ tiêu, nhiều vụ tai nạn trong quá trình thu hoạch đã xảy ra. Những thương tích thường xảy ra sau khi bị té ngã là gãy tay, gãy chân, thậm chí gãy cổ, gãy cột sống. Nếu không được cấp cứu, phẫu thuật, điều trị kịp thời thì sẽ bị liệt tứ chi, để lại những thương tích rất nặng nề và có thể tử vong thời gian ngắn sau đó. Một nguyên nhân được nhiều người chia sẻ, hái tiêu thường rơi vào thời điểm nắng nóng, nhiều người bị hoa mắt, chóng mặt… dẫn đến tai nạn khi trèo cao. Với những thân cây cao đến chục mét, người thợ phải leo lên những chiếc thang chênh vênh để thu hoạch hồ tiêu. Giữa ánh nắng như thiêu như đốt, họ vẫn phải vất vả mưu sinh, bất chấp hiểm nguy rình rập.
Vì nguy hiểm luôn rình rập nên nhiều người lao động phải đối mặt với những thương tích, trong khi đó nhiều chủ vườn tiêu cũng khó tìm được nhân công thu hái dù tiền công đã tăng từ 300.000 lên 450.000 đồng/ngày. Bà Huỳnh Thị Thảo (một chủ vườn tiêu ở huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho hay, nhiều nhà phải mất nhiều ngày mới tìm được người hái tiêu. Nhiều người hái thuê cũng tìm đến những vườn, những vùng có trụ tiêu thấp, khoảng 3-4 m để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động. Thu hồ tiêu phải hái lần lượt từ trên cao xuống, mỗi trụ mất khoảng 30-45 phút thu hoạch tùy vào năng suất, trong đó phần lớn thời gian phải đứng trên thang để hái.
Ngoài việc gió thổi, đổ thang, say nắng… thì người hái tiêu còn phải đối mặt với nguy hiểm khác, đó là những loài côn trùng như rắn, rết, kiến lửa, ong…
Ngoài việc gió thổi, đổ thang, say nắng… thì người hái tiêu còn phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm khác, đó là những loài côn trùng như rắn, rết, kiến lửa, ong… tấn công, hoặc nhiều người giật mình sợ hãi mà ngã khỏi thang. Nhiều người hái hồ tiêu có kinh nghiệm, trước khi lên cây bao giờ cũng cẩn thận quan sát, kiểm tra, vừa leo lên, vừa đánh động để xua đuổi rắn, rết hay côn trùng đi chỗ khác. Nhiều trường hợp đi hái hồ tiêu bị ngã, mang thương tật vĩnh viễn như chị Lê Thị Ngọc (42 tuổi, thôn 8, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, Đăk Lắk) đã mất khả năng lao động từ 10 năm nay sau một lần đi hái tiêu thuê bị ngã từ độ cao 6 m.
Hay, trường hợp ông Dương Thành (thôn 1A, xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lắk) cũng bị tai nạn khi đang hái tiêu khiến ông ngã gãy xương cổ, liệt tứ chi, chấn thương tủy. Sau nhiều đợt phẫu thuật, hiện ông Thành tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đăk Lắk để phục hồi các chức năng vận động. Trường hợp ông Nguyễn Đình Đức (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đăk Lắk) bị ngã từ độ cao 4 m trong khi đang hái tiêu xuống đất. Ông được mọi nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu và được đội ngũ y, bác sĩ điều trị tích cực, mổ kịp thời.
Ở nhiều địa phương, vào mỗi mùa thu hoạch hồ tiêu, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra và hướng dẫn người hái hồ tiêu những vấn đề an toàn. Những yêu cầu tối thiểu như phải đặt thang ở vị trí bằng phẳng, chắc chắn, tránh bị trượt, tránh bị lật khi gặp gió mạnh, hay việc kiểm tra độ chắc chắn của thang lẫn trụ tiêu trước khi trèo lên, bởi trụ tiêu ngoài việc được đúc bằng bê tông thì cũng sử dụng nhiều loại cây thân thẳng để dựng, qua thời gian sẽ hư hỏng, mối mọt rất dễ gãy đổ.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm đi hái tiêu thuê, chị Ksor Liễu (34 tuổi, Chư Pưh, Gia Lai) cho hay, để tránh những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra, người hái tiêu cần xem kỹ hướng gió, phải tìm cách đặt thang cẩn thận, đúng vị trí cân bằng và xem kỹ từng bậc thang, tránh thang bị mối mọt, gãy nứt. Khi hái phải chịu khó xoay thang xung quanh trụ tiêu nhiều lần để tránh hái với tay, có thể gây mất thăng bằng. Đặc biệt, khi có gió to, phải dùng dây thừng buộc thang vào trụ tiêu, tránh bị gió thổi nghiêng người ra khỏi thang, rất dễ ngã xuống đất.
Dẫu phải đối mặt với hiểm nguy, với nỗi nhọc nhằn nhưng nhiều người vẫn chấp nhận để có được những đồng tiền công xứng đáng.
Bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thông tin, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, khoa đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân gặp tai nạn thương tích do thu hoạch hồ tiêu. Theo bác sĩ Đồng, hầu hết các vụ tai nạn trên do người dân chủ quan khi kê thang không chắc chắn, đứng không vững, khi gặp gió mạnh dẫn đến ngã đổ. Người dân cũng nên mua bảo hiểm y tế để khi không may bị tai nạn, vào bệnh viện điều trị sẽ đỡ tốn kém. Vì chi phí của mỗi ca phẫu thuật cột sống lên đến vài chục triệu đồng.
Cứ đến tháng 2, tháng 3 hằng năm, hàng nghìn lao động từ khắp nơi đổ về cao nguyên để làm nghề hái tiêu thuê. Những trụ hồ tiêu phủ kín, cao chót vót trở thành nơi mưu sinh của người lao động. Mùa thu hoạch hồ tiêu trở thành mùa vất vả, hiểm nguy nhưng cũng mang lại thu nhập cho nhiều người. Dẫu phải đối mặt với hiểm nguy, với nỗi nhọc nhằn nhưng nhiều người vẫn chấp nhận để có được những đồng tiền công xứng đáng có thể lo cho gia đình ở quê nhà.
Nguồn bài viết:
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/nhoc-nhan-tren-nhung-ngon-ho-tieu-i726360/