Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS

16

baokontum.com.vn

23/03/2024 15:11

Ngày 22/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc ký ban hành văn bản số 959/UBND-KGVX về triển khai Kết luận số 1364-KL/TU ngày 12/01/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sơ kết Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 6/5/2021 về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS.

143606Quan%20t%C3%A2m%20ch%C4%83m%20lo%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20th%E1%BB%83%20ch%E1%BA%A5t%20h%E1%BB%8Dc%20sinh%20v%C3%B9ng%20DTTS

Quan tâm chăm lo phát triển thể chất học sinh vùng DTTS. Ảnh: HL

 

Văn bản nêu rõ: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, có giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại Kết luận số 1364-KL/TU. Tiếp tục cập nhật nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI để xây dựng Kế hoạch thực hiện hằng năm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.

Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho giáo dục từ các chương trình MTQG, lồng ghép các cơ chế, chính sách có cùng mục tiêu, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn lực cho địa bàn có đông học sinh DTTS tại thành phố Kon Tum.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học vùng DTTS, đáp ứng nhu cầu dạy học, đáp ứng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Triển khai có hiệu quả lộ trình nâng cao trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên. Chủ động nguồn giáo viên để tuyển dụng đối với các xã vùng sâu, vùng xa; trong đó, ưu tiên đào tạo, tuyển dụng giáo viên là người DTTS tại chỗ nhằm đảm bảo sự gắn bó, ổn định lâu dài.

Chủ động nguồn giáo viên để tuyển dụng đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Ảnh: HL

 

Đổi mới căn bản các hoạt động giáo dục theo hướng phù hợp với học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục bền vững; tăng cường bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh DTTS, nhất là trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học, trung cấp; tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục đặc thù, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong trường học.

Có giải pháp đột phá giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em; tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS; đa dạng hóa các mô hình học tập suốt đời ở vùng DTTS. Rèn luyện kỹ năng sống, phát triển năng lực cho học sinh DTTS; nâng cao hiểu biết của đội ngũ nhà giáo về các vấn đề dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ địa phương.

Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh DTTS sau tốt nghiệp THCS; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

Nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương như: Miễn giảm học phí cho học sinh DTTS không thuộc diện được miễn học phí theo quy định của Chính phủ; hỗ trợ bán trú tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ, khuyến khích học sinh, sinh viên người DTTS tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, nhất là các nghề về y tế, giáo dục.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tăng cường vận động tổ chức chính trị – xã hội các cấp, các tầng lớp nhân dân ủng hộ vật chất, tinh thần chăm lo phát triển giáo dục vùng DTTS.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/nang-cao-chat-luong-giao-duc-doi-voi-hoc-sinh-dtts-39942.html