laodong.vnTrường Cao đẳng Giao thông Huế. Ảnh: Phúc Đạt
Báo Lao Động thông tin, TAND thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum vừa có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường Cao đẳng Giao thông Huế về việc phối hợp làm việc liên quan đến nghi vấn một người không biết chữ nhưng lại được Trường Cao đẳng Giao thông Huế cấp chứng chỉ lái xe ôtô hạng B2.
Theo văn bản của TAND TP Kon Tum, ông Trần Văn N (SN 1973, trú TP Kon Tum) là nguyên đơn của một vụ án dân sự được TAND TP Kon Tum thụ lý. Quá trình giải quyết vụ án, anh Trần Văn N trình bày rằng mình không biết chữ.
Tuy nhiên, quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ của TAND TP Kon Tum thể hiện ông N được Trường Cao đẳng Giao thông Huế cấp chứng chỉ sơ cấp hoàn thành chương trình đào tạo lái xe ôtô hạng B2, số hiệu 31399, số vào sổ cấp chứng chỉ 463/17.
Nếu kết quả xác minh giữa các bên cho thấy ông N không biết chữ là thật và giấy phép lái xe của ông do Trường Cao đẳng Giao thông Huế cấp là thật, thì đây sẽ là một chuyện thật như đùa và chưa có tiền lệ.
Bởi theo quy định, người học lái xe ôtô hạng B2 phải biết đọc, biết viết tiếng Việt. Và một người mù chữ thì tất nhiên không thể nào vượt qua được kỳ sát hạch về lý thuyết.
Còn nhớ hồi đầu năm 2023, dư luận cũng một phen ngã ngửa với một chuyện mù chữ khác khi cơ quan chức năng phát hiện Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D tại huyện Nhà Bè (TPHCM) chỉ học đến lớp 3 và không biết chữ.
Tuy vậy, việc một người không biết chữ làm giám đốc thì chưa gây c h ế t ai và cũng không “dự bị” nguy cơ gây c h ế t người. Nhưng một người mù chữ, đồng nghĩa với việc mù hoặc lơ mơ về luật giao thông mà lại được phép lái ôtô tham gia giao thông thì nguy cơ gây họa cho mình, cho người đi đường luôn thường trực.
Và lúc này, không chỉ công tác đào tạo lái xe ôtô tại Trường Cao đẳng Giao thông Huế phải được cơ quan chức năng thanh kiểm tra toàn diện, mà trách nhiệm của 5 sát hạch viên trường này – có tên trong biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe ôtô ngày 28.2.2017 đối với anh Trần Văn N – cũng phải được làm rõ.
Không phải tự nhiên mà thi sát hạch lái xe ôtô ngày càng khó, càng nhiều nội dung và dài về thời gian. Và thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đề xuất bỏ phần thi mô phỏng trong sát hạch lái xe ôtô đang rất khó khiến nhiều người bỏ cuộc, tuy nhiên trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Cường – Cục trưởng Cục Đường bộ cho biết sẽ tiếp tục giữ phần thi mô phỏng trong sát hạch lái xe ô tô và chỉ kiểm tra để sửa đổi giảm độ khó.
Trong rất nhiều các loại bằng cấp mà mỗi một con người phải có để “lận lưng” kiếm sống, thì giấy phép lái xe ôtô là một trong những tấm bằng đòi hỏi chủ nhân phải học thật, thi thật, thi đỗ thật. Vì sau tấm bằng này là việc liên quan đến mạng sống của rất nhiều người.
Nên học giả, thi giả, cấp bằng lái xe ôtô giả với bất kỳ hình thức nào cũng là đồng nghĩa với việc gián tiếp tiếp tay cho tội ác!
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mu-chu-van-duoc-cap-bang-lai-xe-oto-chuyen-that-nhu-dua-1290590.ldo