Luồn rừng sâu giải cứu hàng trăm động vật quý hiếm

29

vnexpress.net

Kon TumTrong quá trình tuần tra, lực lượng bảo vệ Vườn quốc gia Chư Mom Ray tìm, tháo gỡ hàng chục nghìn bẫy thú, giải cứu hàng trăm động vật hoang dã.

Sáng cuối tháng 5, anh Lê Văn Nghĩa, 39 tuổi, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Bar Gok, cùng 4 cán bộ khác chuẩn bị võng, chăn, nước, gạo, cá khô… cho chuyến tuần tra kéo dài ba ngày trong rừng. Quá trình tuần rừng, 5 người vừa làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, kiêm tháo bẫy, giải thoát cho động vật.

“Mùa mưa là thời điểm nhiều loài động vật trong rừng già tìm đến khu vực có nguồn nước để kiếm ăn, lợi dụng cơ hội này, kẻ xấu chọn đặt bẫy dọc các con suối”, anh Nghĩa nói, cho biết trạm được giao quản lý hơn 5.000 ha rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Một góc Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Trần Hóa

Một góc Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh: Trần Hóa

Vườn rộng hơn 56.000 ha, nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, giáp Lào và Campuchia. Đây là nơi cư trú của hơn 1.000 loài động vật, trong đó, có 112 loài quý, hiếm, đặc hữu. Ngoài hàng trăm loại gỗ quý, vườn cũng có 425 loài dược liệu có giá trị, trong đó, 18 loài nằm trong danh mục sách đỏ cây thuốc Việt Nam. Với đặc điểm đa dạng sinh học và nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN.

Khu vực tuần tra có nguy cơ bị đặt bẫy cao, nên nhóm luôn trong tâm thế cảnh giác và chú ý quan sát lối mòn và các cành cây bên đường. Theo kinh nghiệm nhiều năm của người giữ rừng, kẻ xấu thường đánh dấu vị trí đặt bẫy bằng cách chặt nhánh, thân cây. Đó là dấu hiệu nhận biết, xung quanh đó có bẫy thú.

Luồn sâu vào trong rừng chừng 3 km, nhìn thấy vết dao chặt trên thân cây còn mới, nhóm cẩn thận tìm xung quanh trong bán kính 5-10 m, phát hiện được 4 bẫy rút bằng dây phanh. Khi con vật chui qua mắc vào thòng lọng cột vào nhánh cây uốn cong, sức bật của nhánh cây sẽ siết và giữ chặt nó. Đây là loại bẫy được tìm thấy nhiều nhất trong rừng.

“Trước đây người dân thường dùng bẫy kẹp, đặt dưới đất, phủ kín lá để bắt lợn rừng, nhưng nay loại bẫy này đã ít được dùng hơn”, anh Nghĩa nói và cùng đồng nghiệp tháo hết bẫy, thu gom toàn bộ dây phanh vào balô.

Giải cứu thú rừng mắc bẫy trong vườn quốc gia

Giải cứu thú rừng mắc bẫy trong vườn quốc gia

Lực lượng giữ rừng trong lần giải cứu con khỉ đuôi lợn mắc bẫy. Video: Vườn quốc gia Chư Mom Ray

17 năm tham gia bảo vệ Vườn quốc gia Chư Mom Ray, anh Nghĩa cùng đồng nghiệp đã giải thoát cho hàng trăm thú rừng, chủ yếu là sóc và khỉ. Mới đây, trong quá trình tuần rừng, khi cách trạm khoảng 10 km, nhóm gặp một con khỉ đuôi lợn mắc bẫy, dây phanh bị siết ở chân (khoảng hai ngày). Lúc đó nó đã mệt lả, vùng vẫy yếu ớt, ánh mắt cầu cứu.

Sau khi tháo bẫy, sơ cứu vết thương, kiểm tra con khỉ còn khỏe mạnh nhóm quyết định thả nó về tự nhiên. “Tuy nhiên, nó không chạy luôn mà vẫn bám theo đoàn một đoạn, như để cảm ơn”, anh Nghĩa nhớ lại.

Anh Nguyễn Bá Nam, Trạm trưởng Bảo vệ rừng Ya Lân, đơn vị được giao quản lý trên 7.700 ha rừng của vườn quốc gia cho biết tháng 9 năm ngoái, anh cùng hai đồng nghiệp thực hiện chuyến tuần tra bảo vệ rừng. Khi đi cách trạm khoảng 13 km, nhóm bỗng nghe tiếng động lạ. Tiếp cận, họ phát hiện con lợn rừng dính bẫy. Một chân sau của nó bị sợi dây phanh giữ chặt, đầu còn lại được cố định vào gốc cây to. Xung quanh cây cối, nền đất bị xới tung. Thấy người lạ, con vật trở nên hung hăng, chực tấn công.

Sau một hồi suy tính, nhóm lùa con vật cho dây phanh quấn nhiều vòng, giúp cố định nó vào gốc cây. Khi thấy lợn rừng có dấu hiệu kiệt sức, họ bất ngờ lao vào giữ chặt, tháo bẫy, giải thoát con vật. “May con lợn không lớn lắm, nên mọi người dễ khống chế, quá trình giải cứu kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ”, anh Nam nói và cho biết gặp những loài vật lớn, nếu không cẩn thận rất dễ bị nó gây thương tích, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Lực lượng bảo vệ rừng tháo gỡ bẫy thú trong chuyến đi thực tế. Ảnh: Ngọc Oanh

Lực lượng bảo vệ rừng tháo gỡ bẫy thú trong chuyến đi thực tế. Ảnh: Ngọc Oanh

Để cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã xây dựng Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái. Ngoài tiếp nhận cứu hộ các con vật mắc bẫy, trung tâm chữa trị, chăm sóc các con vật là tang vật các vụ án, từ người dân.

Chị Trần Ánh Nguyệt, cán bộ trung tâm kể, năm 2020, đơn vị tiếp nhận một con vọoc quý hiếm khoảng 2 tháng tuổi (vọoc mẹ bị kẻ xấu bắt). Việc chăm sóc khá khó khăn vì con vật quá nhỏ, cứ 2-3 giờ các cán bộ phải thay phiên cho nó uống sữa không đường và cho ăn thêm lá cây.

“Cả trung tâm thức đêm thức hôm, chăm con vọoc như con mọn”, chị Nghĩa nói, cho biết nó được chăm sóc, tập thói quen kiếm ăn trong tự nhiên một thời gian, rồi được thả về rừng.

Để nâng cao kỹ năng chăm sóc động vật rừng, Vườn quốc gia đã tuyển dụng nhiều cán bộ chuyên ngành thú y có chuyên môn cao. 6 năm qua đơn vị này đã chăm sóc, cứu sống nhiều loài khỉ, vượn quý hiếm và nhiều loài động vật khác.

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho biết từ năm 2019 đến tháng 3 năm nay, lực lượng bảo vệ rừng của Vườn đã tháo gỡ hơn 30.800 bẫy thú các loại. Trung tâm đã cứu hộ 344 động vật. Trong đó, 181 con đủ điều kiện thả về tự nhiên, số còn lại đơn vị bàn giao cho đơn vị cứu hộ khác tiếp tục chăm sóc.

Để tăng cường giám sát, bảo vệ động vật hoang dã, năm 2023, vườn lắp đặt 100 bẫy ảnh để chụp những người xâm phạm rừng với mục đích xấu. Từ những hình ảnh này, đơn vị đã ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vào rừng đặt bẫy, săn thú.

Ngoài việc tháo, thu gom bẫy, nhân viên quản lý rừng thỉnh thoảng bắt gặp người dân mang dụng cụ bẫy vào rừng đã yêu cầu họ về trạm viết giấy cam kết không bẫy thú rừng và tịch thu dụng cụ. Nhờ đó, ý thức người dân được tăng lên. Số lượng bẫy thú và phương thức bẫy thú cũng giảm hẳn.

Trần Hóa


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/luon-rung-sau-giai-cuu-hang-tram-dong-vat-quy-hiem-4746195.html