“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

8

cand.com.vn

Người dân luôn biết ơn vị lãnh tụ gần gũi

Khác với thường ngày, sáng nay (25/7), nhiều bà con dân tộc thiểu số ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) lên rẫy, vào rừng muộn hơn, bởi từ sáng sớm, nhà nào cũng bật ti vi để xem chương trình truyền hình trực tiếp Lễ viếng  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều già làng, người cao tuổi và cả những nông dân chưa một lần được gặp Tổng Bí thư cũng nghẹn ngào trước sự ra đi của bác.

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi từng bệnh nhân điều trị tại Trạm Y tế xã Hồng Hạ. Ảnh; Tư liệu

Bà Ra Pat Thầy (trú thôn Pa Ring – Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới), người dân tộc Cơ tu nhớ lại, hơn 10 năm trước, khi đến thăm khám tại Trạm Y tế xã Hồng Hạ, bà vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Đến bắt tay, tặng quà cho chúng tôi, Tổng Bí thư động viên chúng tôi phải chăm lo giữ gìn sức khỏe, có sức khỏe mới lao động được… Giọng nói của bác Trọng rất hiền lành, nhẹ nhàng, tôi không bao giờ quên”, bà Ra Pat Thầy nhớ lại.

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà cho Trạm Y tế xã Hồng Hạ, huyện A Lưới trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế vào năm 2014.

Ông Rapar Phơn, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Hồng Hạ (hiện là cán bộ điều dưỡng của Trạm) thì không quên kỷ niệm lần được gặp gỡ, chuyện trò thân mật cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Hôm đó, khi xe chở bác Trọng vừa dừng lại trước trạm, tôi chạy ra, giơ hai tay bắt tay, chào bác. Lúc này, tôi được đi cạnh bác từ ngoài cổng vào đến tiền sảnh của trạm. Trên đường đi, bác hỏi tôi quê ở đâu? Tôi đáp lại: “Dạ, cháu là người đồng bào, quê ở đây luôn ạ”. Nghe vậy, bác cười vui lắm và bảo: “Thế là tốt rồi”. Ý của bác là tôi ở tại địa phương nên có thời gian, có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cho bà con miền núi được chu đáo hơn”, ông Rapar Phơn kể

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Bà Ra Pat Thầy (bên phải) rất đau buồn, thương tiếc khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

 Lần đó, Tổng Bí thư dặn đi dặn lại, cán bộ, nhân viên Trạm phải luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, phải cố gắng để giảm bớt nỗi khổ, khó khăn cho bà con đồng bào. “Nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, thời gian qua, tập thể Trạm đã nỗ lực cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân, cấp cứu kịp thời cho nhiều bệnh nhân vượt qua nguy kịch, chung tay đẩy lùi các loại dịch bệnh… Sức khỏe bà con ở đây ngày càng được nâng lên. Mấy ngày qua, khi nghe tin bác Trọng từ trần, chúng tôi đau buồn như vừa mất đi người thân trong gia đình”, ông Rapar Phơn bày tỏ thêm.

Cũng ngay trong ngày thứ nhất của Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 25/7, PV Báo CAND đã tìm về vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và các xã ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế để ghi nhận những tình cảm của người dân địa phương dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cũng cần thông tin thêm rằng, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương  có nhiều đầm phá rất đặc thù. Thực hiện nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, đầm phá quốc gia. Đặc biệt, ngay sau phiên làm việc của Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên tinh thần Nghị quyết này, đến nay tỉnh đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Ngư dân vùng phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) bày tỏ sự tiếc thương khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Trò chuyện với nhiều người dân chuyên sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào sự kính trọng, cũng như sự tiếc thương khi Tổng Bí thư qua đời.

Ông Trần Tiến (ở tổ dân phố Hải Thành, phường Thuận An, TP Huế), làm nghề buôn bán hải sản ven phá Tam Giang chia sẻ, qua theo dõi tin tức thời sự trên báo, đài ông nhận thấy, Tổng Bí thư luôn dành tình cảm, căn dặn lãnh đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng miền núi, vùng ven biển và đầm phá. “Đề án Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ra đời là một minh chứng về sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đề án này chắc chắn sẽ giúp đời sống của người dân vùng ven đầm phá như chúng tôi ngày càng được nâng cao”, ông Tiến nói.

Cũng sinh sống ven đầm phá Tam Giang, bồi hồi, thương tiếc khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Nguyễn Thị Mai (ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bày tỏ, những ngày qua, qua dõi theo tin tức thời sự và nhận thấy Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo tài ba. “Khi bác ấy từ trần, không chỉ để lại niềm thương đối với đất nước, nhân dân ta mà của cả bạn bè, nhiều quốc gia trên thế giới”, bà Mai nghẹn ngào. 

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Ngày 25/7, tại Tổ đình Từ Đàm (phường Trường An, TP Huế), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ở vùng ven biển ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), sáng 25/7, qua chương trình truyền hình trực tiếp Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều bà con ngư dân bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước  sự ra đi của ông. Ngư dân Trần Văn Chiến (ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết, do công việc mưu sinh, thường xuyên đi biển, bám biển dài ngày để đánh bắt hải sản nên các tin tức thời sự, ông đều nghe qua đài hoặc các kênh phát thanh. “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời để cán bộ, đảng viên và người dân như chúng tôi học tập noi theo. Chúng tôi càng ý thức sâu sắc phải luôn ra sức lao động, sản xuất để  đóng góp vào sự phát triển của quê hương”, ông Chiến bùi ngùi chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch tỉnh nhà, trong đó chú trọng đến kinh tế biển, vùng đầm phá để nâng cao đời sống của người dân nên những năm qua, vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp. Nhờ vậy nên tình hình kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Còn với khu vực miền núi của tỉnh, mới đây, huyện A Lưới cũng vừa ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Tất cả những nỗ lực, kết quả quả đó góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…

Quảng Nam sẽ phát triển như kỳ vọng của Tổng Bí thư

Đó là khẳng định của đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi trao đổi với PV Báo CAND ngay trong ngày thứ nhất của Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Đồng chí Lê Văn Dũng (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương thăm, làm việc tại huyện Hiệp Đức vào tháng 1/2012.

Nhớ lại những kỷ niệm, đồng chí Lê Văn Dũng chia sẻ, hơn 12 năm trước, vào một ngày trung tuần tháng Giêng năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Nam, trong đó có về huyện Hiệp Đức.

“Lúc bấy giờ tôi vừa được phân công làm Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức. Cảm xúc của tôi khi lần đầu gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lãnh đạo cao nhất của Đảng, song rất gần gũi, giản dị đã truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi. Lúc đó tôi còn nhớ, Tổng Bí thư đã xuống xã Sông Trà gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng,… với thái độ gần gũi, giống như người đã thân thuộc với nhau từ lâu rồi vậy”, đồng chí Lê Văn Dũng nhớ lại.

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết vào sổ lưu niệm tại Khu di tích căn cứ Khu ủy V.

Về thăm huyện Hiệp Đức lần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm Khu di tích căn cứ Khu ủy V – một địa danh lịch sử của Quảng Nam trung dũng, kiên cường trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thăm hỏi tình hình đời sống nhân dân trong huyện, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, thăm hỏi đời sống công nhân Công ty Cao su Quảng Nam, động viên và tặng quà Tết cho nhiều người cao tuổi của địa phương.

Viết vào sổ lưu niệm tại Khu di tích căn cứ Khu ủy V, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung luôn giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo khu di tích lịch sử này, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng chí Lê Văn Dũng kể thêm, tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Nam ngày 14/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Luôn theo dõi tình hình, phân tích tiềm năng và định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Nam, tôi thấy tương lai của tỉnh tươi sáng lắm. “Chắc chắn thắng lợi” là lời chúc của tôi mùa xuân này dành cho lãnh đạo, cán bộ, các tầng lớp nhân dân Quảng Nam”.

Mãi khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

“Khúc ruột” miền Trung đoàn kết một lòng, dồn sức hiện thực hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Đồng chí Lê Văn Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vào tháng 1/2012 (Ảnh tư liệu của CTV)

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, khi mới tái lập tỉnh (1997), Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, 60% ngân sách hằng năm phụ thuộc từ nguồn trợ giúp của Trung ương. Nhưng đến 2017, tức là 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, tỉnh tự cân đối ngân sách, có điều tiết về ngân sách Trung ương. Hiện nay, đang phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước…

“Với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm mới, tầm nhìn mới chắc chắn sẽ giúp tỉnh Quảng Nam tháo gỡ những khó khăn, mở ra một thời kỳ phát triển nhanh, bền vững”, đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Từng được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) trong chương trình chuyến thăm, khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh từ một số tỉnh phía Bắc vào miền Trung đến hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Kon Tum vào các ngày 8, 9/1 và 10/1/2007, đúng vào dịp cả nước chuẩn bị đón mừng năm mới, ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XI, nhớ lại: Lần đó đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Đồn Biên phòng 637 (đóng tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới). Những dòng chữ lưu niệm của đồng chí  Nguyễn Phú Trọng tại sổ vàng truyền thống giờ là tài sản vô giá của Đồn Biên phòng 637 nói riêng và Bộ đội biên phòng tỉnh nói chung.

Sau khi rời Đồn biên phòng 637, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác đi quanh co trong rừng già theo chân núi dãy Bạch Mã để đến Đông Giang, Thạnh Mỹ (Quảng Nam) và tiếp tục qua Khâm Đức, vượt đèo Lò Xo đầy hiểm trở để đến địa phận tỉnh Kon Tum khi trời đã tối sẫm…

“Mấy hôm nay, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần do lâm trọng bệnh, những ký ức về chuyến đi 17 năm trước bỗng hiện về trong tôi với tâm trạng đau buồn sâu sắc. Đặc biệt, tôi mãi mãi không quên những ấn tượng mà bác Trọng để lại qua chuyến tôi được đi cùng để khảo sát tuyến đường Trường Sơn hùng vĩ. Chuyến đi thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc của một trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đối với một công trình có ý nghĩa sống còn đối với Tổ quốc…”, ông Nguyễn Văn Mễ bộc bạch.


Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/doi-song/khuc-ruot-mien-trung-doan-ket-mot-long-don-suc-hien-thuc-hoa-can-dan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-i738483/