Kết quả thực hiện nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính và chuyển đổi số

0

baokontum.com.vn

Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số là quá trình đổi mới và hoàn thiện các hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu, quyền lợi của người dân và sự phát triển ổn định, bền vững về kinh tế – xã hội của địa phương.

Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số sẽ xây dựng được bộ máy hành chính minh bạch, liêm chính và hiệu quả, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao mức độ hài lòng của xã hội, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của nhiệm kỳ. Để đẩy nhanh chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bám sát tinh thần của Nghị quyết, trong những năm qua các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

 Về cải cách hành chính, tỉnh đã sớm thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh; thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch; xây dựng hệ thống thông tin điện tử và cổng dịch vụ công 3 cấp tỉnh, huyện, xã; đưa 100% thủ tục hành chính các lĩnh vực như đất đai, xây dựng… tiếp nhận, giải quyết, theo dõi thông qua hệ thống thông tin của tỉnh.

100404142842%C4%90%E1%BA%A9y%20m%E1%BA%A1nh%20h%E1%BB%97%20tr%E1%BB%A3%20doanh%20nghi%E1%BB%87p%20v%C3%A0%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20d%E1%BB%8Bch%20v%E1%BB%A5%20c%C3%B4ng%20tr%E1%BB%B1c%20tuy%E1%BA%BFn

Hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hồng Lam

 

Hiện đã có 19/19 sở, 10/10 huyện, thành phố, 142 đơn vị xã, phòng thuộc huyện triển khai sử dụng biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí và kết quả này đã nâng chỉ số thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đứng thứ hạng cao (14/63 tỉnh, thành), tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn đạt 98,15%. Bên cạnh đó, để tạo động lực cho cải cách hành chính, tỉnh còn ban hành các thể chế, chính sách mới về công vụ, công chức để khuyến khích tính năng động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ; thực hiện rà soát, sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn.

Về chuyển đổi số, thực hiện tinh thần của Nghị quyết 09-NQ/TU, 100% đơn vị, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo về chuyển đổi số và đã có hơn 100 văn bản được ban hành để phục vụ cho chuyển đổi số; mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% cơ quan đảng, nhà nước; 100% cơ quan, đơn vị các cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh đều triển khai ứng dụng chữ ký số, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 98,25%; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp cho hơn 7.000 tài khoản để trao đổi thông tin trên môi trường mạng; hệ thống hạ tầng băng rộng cáp quang đã phủ 100% trung tâm xã và gần 60% hộ gia đình; kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã cập nhật 75 bộ dự liệu thuộc 12 lĩnh vực của 31 cơ quan, đơn vị; toàn tỉnh có gần 450.000 người dùng internet, chiếm 76% tổng dân số toàn tỉnh; toàn tỉnh có hơn 31.000 địa chỉ số đáp ứng các trường thông tin cơ bản; 100% xã có diểm phục vụ bưu chính viễn thông; các sở, ban, ngành trong tỉnh đều sử dụng phần mềm chuyên ngành để theo dõi, quản lý, giám sát theo lĩnh vực, chức năng của mình; các huyện, thành phố đang triển khai xây dựng đô thị văn minh, đặc biệt là chỉ mới hai năm thực hiện Nghị quyết đã có 9/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu chuyển đổi số.

Thành công của triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cho thấy, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đã giúp các thủ tục hành chính được minh bạch hơn; tốc độ xử lý thông tin nhanh, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm bớt thủ tục rườm rà; giảm chi phí cho người dân và cả cơ quan nhà nước so với thực hiện thủ tục thủ công; tránh được phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện các giao dịch trực tiếp như trước đây. Qua đây cho thấy, khi thủ tục hành chính thông thoáng sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài, bền vững cho địa phương; còn chuyển đổi số sẽ giảm thiểu và khắc phục được những hạn chế, bất lợi về địa lý hay sự yếu kém về điều kiện của cơ sở hạ tầng.

Kết quả cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, cụ thể: năm 2020 từ nhóm xếp hạng cuối (56/63) trong bảng xếp hạng của cả nước thì đến năm 2022 tỉnh đã vươn lên xếp hạng 37/63, tăng 24 bậc so năm 2021, đứng vị trí thứ hai trong khu vực Tây Nguyên. Chỉ số cải cách thể chế 22/63; chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền xếp 32/63; chỉ số cải cách bộ máy xếp 22/63; chỉ số cải cách công vụ xếp 45/63… Cùng với đó, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh những năm gần đây đều đạt tỷ lệ hơn 7%. Và thành quả lớn hơn là tạo lập được niềm tin đối với doanh nghiệp và người dân từ đó thu hút được các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào địa phương thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế như: thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chồng chéo; nhiều dịch vụ công chất lượng còn thấp; cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4 trong tỉnh còn khó khăn; tiến độ xây dựng chính quyền số, công dân số còn chậm; kinh phí đầu tư còn hạn chế; cơ sở hạ tầng công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ; đội ngũ quản lý, vận hành, nhân viên phục vụ còn mỏng và yếu, đặc biệt ở tuyến huyện và xã.

Xuất phát từ xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 và để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục rà soát, đánh giá quy trình xử lý các thủ tục hành chính của các địa phương, các ngành, các lĩnh vực trên môi trường số để đơn giản hóa giấy tờ,thủ tục nhằm mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý hồ sơ, giảm thời gian, phiền hà cho người dân.

Quan tâm đầu tư nguồn lực, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tập trung xóa vùng lõm sóng; đẩy nhanh xây dựng đô thị thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về công nghệ thông tin cho cho đội ngũ làm nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đội ngũ ở tuyến huyện, xã; tăng nguồn nhân lực công nghệ có đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ.

Các đơn vị, địa phương phải đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng, đồng thuận của xã hội, chúng ta tin tưởng rằng các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết sẽ về đích đúng hẹn.

Nguyễn Ngọc Sơn


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/ket-qua-thuc-hien-nghi-quyet-cua-dang-ve-cai-cach-hanh-chinh-va-chuyen-doi-so-43616.html