Hỗ trợ xã Mường Hoong và Ngọc Linh phát triển KT-XH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

18

baokontum.com.vn

22/03/2024 11:41

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận 1770-KL/TU ngày 20/3/2024 thống nhất chủ trương ban hành Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa xã Mường Hoong và Ngọc Linh sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, tiến đến đạt chuẩn nông thôn mới.

110619Nh%E1%BB%AFng%20c%C3%A1nh%20%C4%91%E1%BB%93ng%20l%C3%BAa%202%20v%E1%BB%A5%20%E1%BB%9F%20M%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Hoong

Những cánh đồng lúa 2 vụ ở xã Mường Hoong. Ảnh: DN

 

Kết luận nêu rõ, thống nhất chủ trương ban hành Đề án với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, xã Mường Hoong giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 10% trở lên; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 5 triệu đồng/năm; đảm bảo 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất; phấn đấu có ít nhất 2 hợp tác xã, mỗi thôn có ít  nhất 1 tổ hợp tác; có từ 2-3 sản phẩm OCOP; hình thành địa điểm trao đổi, mua bán hàng hóa các sản phẩm đặc trưng; duy trì và mở rộng diện tích hoa màu, lúa  nước 2 vụ theo điều kiện thực tế, gắn với nâng cao năng suất, sản lượng; nghiên cứu tận dụng quỹ đất chưa khai thác và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả để mở rộng diện tích sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn  quả, mắc ca, cà phê, sâm Ngọc Linh và dược liệu khác; duy trì, tăng tỷ lệ che phủ rừng hằng năm từ 83% trở lên; tiếp tục nâng tổng đàn gia súc theo hướng hàng hóa, đảm bảo trung bình mỗi gia đình có từ 2-3 con gia súc.

Đường liên thôn được bê tông sạch sẽ ở xã Ngọc Linh. Ảnh: DN

 

Xã Ngọc Linh, giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 10% trở lên; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 5 triệu đồng/người/năm. Đảm bảo 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động  các hợp tác xã, tổ hợp tác, mỗi thôn có ít nhất 1 tổ hợp tác; thành lập và duy trì 2 tổ liên kết cánh đồng sâm và 3 tổ liên kết nuôi ong lấy mật; nghiên cứu tận dụng quỹ đất chưa khai thác và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả để  mở rộng diện tích sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, mắc ca, cà phê, sâm Ngọc Linh và dược liệu khác; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng từ  80% trở lên; duy trì và phát triển 2.942,69ha rừng đang giao khoán quản lý, bảo vệ  rừng; tiếp tục nâng tổng đàn gia súc theo hướng hàng hóa, đảm bảo trung bình mỗi gia đình có từ 2-3 con gia súc.

Đến năm 2030, xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2026-2030; đời sống của nhân dân được nâng cao về mọi mặt; bản sắc văn hóa các DTTS được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Đề án với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là hoàn thiện các quy hoạch xã trên cơ sở đáp ứng nhu cầu ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Ưu tiên quỹ đất theo hạn mức của tỉnh để bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình. Cân đối, bố trí các nguồn lực đến mức tối đa cho các xã theo quy định, nhất là các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn đầu tư theo mục tiêu của tỉnh. Tập trung đầu tư hoàn thành hệ  thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã. Xác định danh mục dự án phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào  địa bàn.

Tổ chức thực hiện tốt việc giao nhận khoán, cho thuê và phát triển kinh tế rừng, gắn với sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm hình thành sản phẩm tham gia vào chuỗi  giá trị các sản phẩm quốc gia. 

Tạo điều kiện phát triển và nâng cao năng lực của các chủ thể kinh tế tập thể trong cung ứng các sản phẩm đầu vào (như: giống, vật tư, phân bón…), sản xuất và lưu thông các sản phẩm đầu ra; thành lập thêm các hợp tác xã trồng, chế biến dược  liệu, nuôi ong rừng lấy mật. 

Nghiên cứu, hình thành một số loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở kết hợp tài nguyên du lịch cảnh quan với bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ. Rà soát, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ lưu trú và các nhu cầu thiết yếu cơ bản khác phục vụ du lịch.

Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên  địa bàn. Củng cố, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở; thực hiện đồng bộ công tác y tế dự phòng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện có hiệu quả các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững gắn với  xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và các chế độ, chính sách đối với người có công.

Tiếp tục khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS. Đầu tư, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao và thông tin truyền thông. Thường xuyên tổ chức các phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao thể chất, tinh thần cho người dân, nhất là các hoạt động mang tính cộng đồng. Xây dựng các quy ước, hương ước, thiết chế văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.

Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy vai trò của  công an xã chính quy trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa  bàn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, không để các “tà đạo”, “đạo lạ” xâm nhập vào địa bàn.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của xã đạt chuẩn theo quy định. Thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ, có  năng lực về xã để giữ các chức danh chủ chốt… Đồng thời, chú trọng tuyển chọn, đào tạo cán bộ trẻ dự nguồn bổ sung cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn sâu cho trước mắt và lâu dài.

Dương Nương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/ho-tro-xa-muong-hoong-va-ngoc-linh-phat-trien-kt-xh-den-nam-2025-dinh-huong-den-nam-2030-39933.html