Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại huyện Tu Mơ Rông

38

baokontum.com.vn

21/02/2024 17:45

Ngày 21/2, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Phạm Đình Thanh – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Theo báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông, đến hết năm 2023, toàn huyện có 29 đơn vị sự nghiệp, giảm 11 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, gồm: Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị; Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên và 24 đơn vị trường học. Trong đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị là những đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

161559Quang%20c%E1%BA%A3nh%20bu%E1%BB%95i%20l%C3%A0m%20vi%E1%BB%87c

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hữu Nam

 

Đồng thời, UBND huyện thực hiện cơ cấu lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả và đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện. Sau khi được thành lập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập đã ổn định và đi vào hoạt động; tổ chức bộ máy các đơn vị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Số lãnh đạo các đơn vị này đã giảm so với trước; đã thực hiện việc kiêm nhiệm một số chức danh cấp trưởng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp. Đội ngũ công chức, viên chức sau khi được sắp xếp, bố trí đã ổn định, tiếp cận công việc nhanh, phát huy được năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp chưa đủ mạnh; nguồn thu từ dịch vụ còn thấp; chưa có khả năng để chuyển đổi cơ chế tài chính… Đối với các đơn vị trường học, khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ quản lý tăng gấp đôi, thời gian dự giờ thăm lớp, quản lý các hoạt động ở các điểm trường giảm.

 Nguyên nhân chính là do các đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu hoặc có nguồn thu nhưng chiếm tỷ lệ nguồn thu thấp. Số thu hằng năm chủ yếu thu từ phí, lệ phí, thu từ giá dịch vụ khám, chữa bệnh, việc huy động vốn để sử dụng hoạt động dịch vụ chưa được khai thác thực hiện, ngoài số phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định, sau khi trừ chi phí phục vụ thu, số còn lại phải thực hiện trích dành nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Công tác chuyên môn giữa hai bậc học khác xa nhau nên giáo viên khó hỗ trợ nhau trong công việc cũng như học hỏi kinh nghiệm quản lý, giảng dạy. Sau khi sáp nhập, số biên chế của trường học là tổng biên chế của 2 trường học cộng lại, chỉ giảm được đầu mối cán bộ quản lý, song số lượng này không nhiều.

161634Ch%E1%BB%A7%20t%E1%BB%8Bch%20UBND%20huy%E1%BB%87n%20Tu%20M%C6%A1%20R%C3%B4ng%20V%C3%B5%20Trung%20M%E1%BA%A1nh%20ph%C3%A1t%20bi%E1%BB%83u%20gi%E1%BA%A3i%20tr%C3%ACnh

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh báo cáo giải trình. Ảnh: TL

 

Để thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND huyện Tu Mơ Rông đề nghị đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi thường xuyên, tự chủ một phần chi đầu tư, hạch toán; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học – công nghệ nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực quản trị tài chính, quản lý tài sản công của đơn vị; nghiên cứu tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp nhằm gia tăng nguồn thu cho đơn vị thông qua các hoạt động hợp pháp;  nghiên cứu, áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại vào trong các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Qua giám sát trực tiếp và nghe các ý kiến của UBND và các phòng, ban, các đơn vị sự nghiệp công lập của huyện Tu Mơ Rông; của các sở, ngành có liên quan, đồng chí Phạm Đình Thanh – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin một số vấn đề có liên quan như: chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số; chế độ y tế thôn, BHYT, phụ cấp đặc biệt… Đồng thời, đồng chí ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của UBND huyện, các đơn vị liên quan của huyện trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua đó, đồng chí đề nghị UBND huyện nghiên cứu, đề xuất cơ quan thẩm quyền ban hành quy định về chế độ đặc thù đối với những địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Tu Mơ Rông trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tài Lương                                                                                  


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-dbqh-tinh-giam-sat-hoat-dong-cua-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-tai-huyen-tu-mo-rong-37455.html