laodong.vnThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
“Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra” – đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tổ chức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố.
“Chưa đạt yêu cầu đề ra” là bởi cách đây gần 1 năm, ngày 3.4.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Cùng với đó là Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỉ cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã có 2 lần hạ lãi suất, nhưng gói 120 nghìn tỉ có thể nói là vẫn chưa đâu vào đâu khi các ngân hàng mới chỉ cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỉ đồng.
Và gần như cuộc nào, các doanh nghiệp cũng đồng loạt kêu thủ tục quá rườm rà, lãi suất vẫn còn rất cao trong khi thời gian cho vay lại ngắn…
Mặt khác, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thì lâu nay nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương như Hà Nội, TPHCM… có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng đầu tư còn hạn chế. Ví như, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP Hồ Chí Minh 7 dự án với 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%…
Thậm chí, nhiều địa phương như như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng… từ năm 2021 đến nay còn không có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công.
Có thể thấy là Thủ tướng Phạm Minh Chính đang rất sốt ruột khi ông đặt ra hàng loạt câu hỏi trọng tâm. Rằng cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa? Nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu? Cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?
Thủ tướng yêu cầu: “Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, “góp gió thành bão”, đặt mình vào địa vị của người khác, “trong tôi có anh, trong anh có tôi”, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động”.
Nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội – như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, nếu các địa phương vẫn “chưa quan tâm” như lâu nay cùng với việc loạt câu hỏi, vấn đề đặt ra của Thủ tướng không sớm có câu trả lời rốt ráo thì trước mắt, mục tiêu xây dựng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 cũng khó mà hoàn thành. Và vấn đề nhà ở của chúng ta cũng khó mà thành trụ cột đúng nghĩa!
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dat-minh-vao-dia-vi-cua-nhung-nguoi-chua-co-cho-o-de-hanh-dong-1316251.ldo