Đảng bộ huyện Đăk Glei: Triển khai có hiệu quả nghị quyết phát triển nông nghiệp

5

baokontum.com.vn

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt Nghị quyết 05-NQ/TU), ngày 27/4/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Glei ban hành Chương trình số 59-CTr/HU để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU.

Đến nay, toàn huyện có 16 hợp tác xã được thành lập với 180 thành viên tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 109 tổ hợp tác với 1.694 thành viên đang hoạt động có hiệu quả, trong đó tham gia hoạt động trong lĩnh vực dược liệu có 60 tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh, 14 tổ hợp tác trồng sâm dây. Tổng diện tích cây dược liệu hiện có trên địa bàn huyện ước đạt 967,5 ha, đạt 103,76% kế hoạch; trong đó sâm Ngọc Linh có 41,2ha (trồng mới 7,8ha) đạt 107% kế hoạch; sâm dây có 926,3ha, đạt 103,65% kế hoạch giao.

Lãnh đạo huyện Đăk Glei thăm vùng sản xuất lúa nước. Ảnh: DĐN

 

Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện cũng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi như thường xuyên sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; kiểm soát đầu vào các loại con giống nhập vào địa bàn huyện để phòng ngừa mầm bệnh có hại cho vật nuôi. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, huyện đã từng bước hình thành các trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung. Huyện thành lập 19 tổ hợp tác chăn nuôi với 214 thành viên tham gia (nuôi bò sinh sản, bò thịt, heo thịt…) với tổng đàn gia súc trên địa bàn ước đạt 31.506 con, đạt 100% so với kế hoạch (đàn trâu 3.976 con, đàn bò 12.515 con, đàn heo 15.015 con).

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện chủ yếu chỉ phát triển chăn nuôi thủ công, chưa đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc lựa chọn con giống trong nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn huyện đã nâng cao sản lượng thủy sản. Tính đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản có 40ha, đạt 100 % kế hoạch.

Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, Đảng bộ huyện xác định các vùng trọng tâm quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung tại các xã phía Bắc huyện để quy hoạch phát triển 1 vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, cây mắc ca, cây ăn quả; đồng thời, định hướng các xã phía Nam phát triển một số loại cây, con giống phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương như mì, cà phê vối, cao su.

164707L%C3%A3nh%20%C4%91%E1%BA%A1o%20Huy%E1%BB%87n%20%E1%BB%A7y%20%C4%90%C4%83k%20Glei%20ki%E1%BB%83m%20tra%20v%C3%B9ng%20tr%E1%BB%93ng%20c%C3%A2y%20d%C6%B0%E1%BB%A3c%20li%E1%BB%87u

Lãnh đạo Huyện ủy Đăk Glei kiểm tra vùng trồng cây dược liệu. Ảnh: D.Đ.N

 

Đồng chí Thái Văn Tưởng- Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Công tác khuyến nông, khuyến lâm ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng được Đảng bộ huyện hết sức quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, việc đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân đã giúp người dân tiếp cận được phương thức sản xuất mới, xây dựng, triển khai các mô hình sản xuất bước đầu đã cho kết quả khả quan. Đồng thời, huyện cũng tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đầu bờ các loại cây trồng, vật nuôi như sâm dây, lúa nước, cà phê vối, cà phê xứ lạnh, cây mắc ca, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh xảy ra trên các loại cây trồng.

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, có quy mô, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn huyện xây dựng ít nhất 1 vùng chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm có quy mô lớn. Đồng thời tăng cường triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện đạt trên 15% diện tích các loại cây trồng được xác định hàng hóa đi vào chiều sâu, có liên kết sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, phối hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, triển khai các giải pháp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, phấn đấu đến năm 2025, huyện xây dựng ít nhất 1 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Qua 2 năm triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn huyện đã thực sự đi vào đời sống; từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, qua đó khắc phục một phần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, năng suất và hiệu quả thấp; người dân đã chú trọng áp dụng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; một số sản phẩm đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.  

Dương Đức Nhuận


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/dang-bo-huyen-dak-glei-trien-khai-co-hieu-qua-nghi-quyet-phat-trien-nong-nghiep-42472.html