Chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ trọn đời cống hiến cho dân tộc và giai cấp công nhân

7

laodong.vn

Phan Xuân Quang – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam   –   Thứ năm, 08/08/2024 12:15 (GMT+7)

Dù chỉ 35 tuổi (10.8.1914 – 10.8.1949), 15 năm tham gia cách mạng (1935 – 1949), chí sĩ yêu nước Huỳnh Ngọc Huệ, Phó Bí thư Liên khu ủy 5, sáng lập viên và Phó Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu không một phút ngơi nghỉ cho quyền lợi của dân tộc và giai cấp công nhân, như lời điếu văn của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại lễ truy điệu ông, tổ chức tại chiến khu Việt Bắc vào ngày 15.6.1949.

Hòa mình trong đấu tranh

Hoàn thành chương trình tiểu học, cậu thiếu niên Huỳnh Ngọc Huệ rời quê hương Mỹ Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thi vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế). Tại đây, ông có dịp hiểu hơn cuộc sống và hòa mình trong môi trường làm việc của công nhân; từng bước trở thành hạt nhân của phong trào cách mạng ở trường và của TP.Huế.

Chân dung chí sĩ yêu nước Huỳnh Ngọc Huệ (Chân dung chí sĩ yêu nước Huỳnh Ngọc Huệ (1914 – 1949), người đã cống hiến trọn đời cho dân tộc và giai cấp công nhân. Ảnh tư liệu

Từ năm 1936, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được kết nạp vào Đảng và được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ, Ủy viên Thành ủy Thanh niên Huế. Với tư cách thành viên Ban lãnh đạo nghiệp đoàn Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, ông đã liên hệ được với nhiều cơ sở ở bên ngoài như nhà đèn, công chánh… để hỗ trợ nhau trong quá trình tập hợp học sinh, công nhân và tổ chức đấu tranh.

Từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1945, ông bị thực dân Pháp bắt giam 5 lần, bị giam và đày đi nhiều nhà lao, trại an trí. Trong đó, năm 1942 sau khi vượt ngục Đăk Glei, ông về Đà Nẵng tìm cách liên lạc lại với các cơ sở bí mật của công nhân hỏa xa, và một lần nữa ông bị bắt tại đây.

Mộ phần chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ hiện ở thôn Xuân Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh Thanh Phương Mộ phần chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ hiện ở thôn Xuân Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh Thanh Phương

Lúc Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được tổ chức giải thoát khỏi nhà lao Đà Nẵng. Mới ra tù, nhưng trước trách nhiệm với phong trào cách mạng, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã nắm lại tất cả cơ sở trong công nhân ở Đà Nẵng và Huế.

Trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cùng với tập thể Thành ủy, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đưa ra nhiều chủ trương, nhất là trong việc tập hợp, xây dựng các tổ chức của giai cấp công nhân trong thành phố. Hầu hết nhà máy, công sở quan trọng như nhà đèn, hỏa xa, công chánh, cảng… đều có cơ sở cách mạng, mà nòng cốt là công nhân cứu quốc.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ còn dày công xây dựng khoảng 500 tự vệ cứu quốc được vũ trang bằng các loại vũ khí thô sơ, và chính lực lượng công nhân cứu quốc này đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, ở Đà Nẵng.

Xây dựng tổ chức Công đoàn

Tháng 9.1945, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại. Với kinh nghiệm hoạt động trong phong trào công nhân, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, được phân phụ trách công tác công vận và trực tiếp làm thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ, Chủ nhiệm kiêm thư ký tòa soạn tờ “Tay thợ”; tháng 1.1946, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I.

Trên cương vị thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ, tháng 6.1946, ông ra Hà Nội, tham gia sáng lập và được cử làm Phó Tổng Thư ký Tổng LĐLĐ Việt Nam phụ trách Trung Bộ, sau đó được cử tham gia Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới.

Ông rất chăm lo phát triển hội viên công nhân cứu quốc, thành lập Hội Công nhân cứu quốc ở các địa phương, nhất là ở những nơi có đông công nhân, thợ thủ công… Quan điểm của ông là xây dựng tổ chức Công nhân cứu quốc phải gắn liền với xây dựng đội ngũ công nhân; đội ngũ công nhân đông, mạnh mới có tổ chức Công nhân cứu quốc mạnh.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi viếng mộ chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ. Ảnh Thanh PhươngLãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi viếng mộ chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ. Ảnh: Thanh Phương

Tháng 8.1946, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trực tiếp chỉ đạo Hội Công nhân cứu quốc tỉnh Quảng Nam tổ chức đại hội. Tại đại hội này, Hội Công nhân cứu quốc đổi tên thành Liên hiệp Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới và đã chỉ đạo thành lập các công ngành ở Quảng Nam và phát triển mạnh như hỏa xa, xe hơi, thuyền tải, công chức… Ông cũng chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng kết nạp vào hội không đúng đối tượng, coi trọng số lượng mà xem nhẹ chất lượng.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, tuy đảm nhận thêm nhiệm vụ Chính ủy Mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng ông vẫn dành thời gian cho hoạt động công đoàn. Ông đã thường xuyên trao đổi với Liên hiệp Công đoàn các tỉnh về tình hình công nhân trong kháng chiến và bàn chủ trương củng cố, đẩy mạnh phong trào công đoàn, nhất là công đoàn trong các công binh xưởng để làm nòng cốt trong các phong trào thi đua. Đây cũng là thời gian, Huỳnh Ngọc Huệ quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, bởi theo ông cán bộ là yếu tố đầu tiên để tập hợp công nhân và xây dựng Công đoàn vững mạnh.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ chủ trương mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn bằng nhiều hình thức như mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác. Ông cũng quan tâm nơi đặt cơ quan làm việc của tổ chức Công đoàn.

Những lần đến công tác tại Quảng Nam, thấy cơ quan Liên hiệp Công đoàn tỉnh có lúc làm việc ở Thăng Bình, có lúc ở Quế Sơn, ông chỉ đạo phải chuyển về ở nội ô Tam Kỳ, là nơi có đông công nhân, thợ thủ công các địa phương đang tập trung sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo ông Huỳnh Ngọc Huệ, cán bộ công đoàn phải gần công nhân, có như vậy mới hiểu họ nhiều hơn và qua đó tuyên truyền, tập hợp họ vào tổ chức.

Sát sao đời sống công nhân

Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ông luôn theo dõi sát sao đời sống công nhân và dành cho họ sự quan tâm đặc biệt.

Bấy giờ trên địa bàn Liên khu 5 mở nhiều công binh xưởng để sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường và công nhân phải làm việc trong điều kiện không tốt. Mặc dù bận nhiều công việc, Huỳnh Ngọc Huệ vẫn thường có mặt ở các công binh xưởng tiếp xúc với anh em công nhân.

Có lần được tin ở xưởng Cao Thắng, Tân An, huyện Quế Sơn (nay thuộc huyện Hiệp Đức) xảy ra vụ công nhân tuyệt thực, ông khóc và nói với lãnh đạo xưởng: “Các đồng chí đã giải quyết nhưng chưa thấy rõ nguyên nhân. Các đồng chí lãnh đạo đều là thợ. Nhưng khi lãnh đạo lại không sâu sát và không hiểu hết tâm tư, tình cảm, hiểu hết đời sống của người thợ mà cứ động viên chung chung, nên anh em không chịu nổi. Các đồng chí là lãnh đạo mà lại ăn cơm riêng, làm sao hiểu nổi đời sống của công nhân; hiểu nổi cảm giác khi mà trong mắm cái đầy xác dòi, cơm độn sắn khô nấu không chín. Đó là chưa kể đến cách suy nghĩ mỗi người một kiểu, rồi chủ quan nhận xét, đánh giá tốt xấu, mà không lấy kết quả sản xuất làm cơ sở”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang dâng hương trước mộ chi sĩ Huỳnh Ngọc Huệ. Ảnh Thanh PhươngỦy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang dâng hương trước mộ chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ. Ảnh Thanh Phương

Thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân quốc phòng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ nhiều lần đề xuất với Liên khu ủy cấp phát quần áo cho anh chị em nhưng vì khó khăn chung, một số người đã bàn ra. Ông kiên quyết đấu tranh cho kỳ được.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ít quan tâm đến cuộc sống riêng của mình nhưng luôn quan tâm chu đáo, tỉ mỉ đến mọi người xung quanh. Đối với những cán bộ hoạt động nơi gian khổ, ác liệt, nhất là cán bộ nữ, Huỳnh Ngọc Huệ luôn dành cho họ tình cảm và sự chăm sóc đặc biệt. Đi công tác về bao giờ ông cũng có chút quà cho anh em cơ quan, khi thì vài lon gạo nếp, lúc cặp đường tán, có khi chỉ là nắm lá chè xanh… Có lúc người thân ở vùng bị địch tạm chiếm gửi quà, ông dành đường sữa cho người ốm; vải, chăn len cho anh em khó khăn, không giữ lại cho riêng mình thứ gì cả.

Giữa lúc toàn tâm cho công việc và chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, không may, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ bị nhiễm trùng uốn ván và qua đời lúc 10h ngày 27.4.1949 (10.8.1949) trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào và giai cấp công nhân trong cả nước. Liên hiệp Công đoàn thế giới đã gửi điện chia buồn sâu sắc đến Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ông được an táng tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Tập sách “Huỳnh Ngọc Huệ - Người con ưu tú xứ Quảng” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ra mắt năm 2019. Ảnh: Lê Năng ĐôngTập sách “Huỳnh Ngọc Huệ – Người con ưu tú xứ Quảng” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ra mắt năm 2019. Ảnh: Lê Năng Đông

75 năm đã trôi qua kể từ ngày vĩnh biệt chúng ta, song những cống hiến của chí sĩ Huỳnh Ngọc Huệ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước nói chung, cho phong trào công nhân và xây dựng tổ chức Công đoàn nói riêng luôn được trân trọng, tôn vinh và ngợi ca.

Nhiều trường học, đường phố và một giải thưởng mang tên Huỳnh Ngọc Huệ dành cho những đoàn viên công đoàn tiêu biểu xuất sắc do UBND tỉnh Quảng Nam quy định và được tổ chức trao 5 năm một lần dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7) – như sự ghi công và nhắc nhở mỗi chúng ta hãy tiếp tục học tập và noi theo tấm gương Huỳnh Ngọc Huệ.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Lao động Việt Nam (10.8.1914 – 10.8.2024).


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/thoi-su/chi-si-huynh-ngoc-hue-tron-doi-cong-hien-cho-dan-toc-va-giai-cap-cong-nhan-1377504.ldo