baokontum.com.vn
01/06/2024 13:26
Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lê Văng, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, anh A Piếu luôn đi đầu trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nên nói dân nghe, làm dân tin.
Mặc dù cũng đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, nhưng tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là bắt đầu từ tháng 3 là mùa phát rẫy để trồng vụ mới của bà con, nên anh A Piếu cùng các nhóm quản lý bảo vệ rừng của thôn Lê Văng thường xuyên đi tuần tra, để kịp thời ngăn chặn việc xâm hại đến rừng.
Anh A Piếu cho biết, từ năm 2010 đến nay, bà con trong thôn không còn phá rừng làm rẫy nữa. Trước kia, do không hiểu về giá trị, lợi ích của rừng mang lại nên năm nay phát ở núi này, năm sau đi núi khác, cứ như thế rừng bị chặt phá rất nhiều.
Anh A Piếu cùng tổ quản lý bảo vệ rừng của thôn tuần tra diện tích cộng đồng thôn nhận giao khoán bảo vệ. Ảnh: D.N
“Tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động bà con chung tay quản lý bảo vệ rừng nhất là bà con sống gần rừng để hưởng lợi từ rừng. Theo đó, tôi đã thành lập các tổ, nhóm luân phiên tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Mùa nắng nóng, khô hạn (từ tháng 1- 5 hàng năm) công tác tuần tra được tăng cường hơn, mỗi tuần sẽ họp thôn 1 lần để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ, nhóm, đồng thời, chú trọng tuần tra thường xuyên vào tháng 3 và tháng 4 vì đây là thời điểm bà con phát rẫy, đốt dọn thực bì” – anh A Piếu chia sẻ.
Xã Đăk Na có trên 7.509ha rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó có gần 1.758,3ha tại các tiểu khu 203, 204, 209, 206 được giao khoán cho 130 hộ sống gần rừng của 7 thôn (Lê Văng, Kon Chai, Mô Bành 1, Đăk Riếp 1, Đăk Rê 1, Đăk Rê 2 và Kon Sang) quản lý bảo vệ.
Riêng thôn Lê Văng có 44 hộ, nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 371,14ha rừng. Gia đình anh A Piếu cũng nhận giao khoán bảo vệ 8ha rừng.
Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán, A Piếu đã tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con bằng nhiều hình thức đơn giản, dễ hiểu, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, như lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, in các tờ tuyên truyền và dán tại nhà rông, nơi nhiều người qua lại, từ đó giúp bà con hiểu được lợi ích từ rừng đối với đời sống và tự giác giữ rừng.
Đồng thời, thành lập 9 nhóm quản lý bảo vệ rừng, mỗi nhóm từ 8-9 người, có lịch phân công các nhóm đi tuần tra cụ thể theo tuần, theo tháng. Các nhóm không chỉ đi tuần tra mà còn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động bà con làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng được nhận khoán.
Anh A Dôn (thôn Lê Văng, xã Đăk Na) cho biết: Anh A Piếu rất gương mẫu, chăm chỉ, nói đi đôi với làm. A Piếu nói cho bà con hiểu rừng quan trọng thế nào đối với đời sống hiện tại và sau này nên không được chặt phá rừng, chúng tôi hiểu, nghe và làm theo. A Piếu còn vận động bà con trong thôn đi tuần tra diện tích rừng được giao khoán bảo vệ cho tốt, vừa giữ được rừng lại được nhà nước hỗ trợ tiền và gạo.
A Piếu phát dọn diện tích rừng gia đình nhận giao khoán bảo vệ. Ảnh: DN
Ông A Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na nhận xét, là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, anh A Piếu phụ trách chung các nhóm quản lý bảo vệ rừng của thôn. Sống cùng với bà con, hiểu văn hóa, phong tục, tập quán và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, anh đã có cách tuyên truyền, vận động bà con phù hợp, sát thực tế, dễ hiểu, dễ nhớ nên mang lại hiệu quả.
“Đồng chí A Piếu rất gương mẫu trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Thường xuyên cùng với các nhóm đi tuần tra bảo vệ rừng, khi phát hiện vấn đề nghi vấn có thể xâm hại đến rừng, đồng chí họp dân ngay để nhắc nhở, yêu cầu làm đúng theo quy ước của thôn trong quản lý bảo vệ rừng, rồi thông báo cho chính quyền địa phương biết để nắm bắt tình hình. Thôn Lê Văng quản lý bảo vệ rừng rất tốt, không có tình trạng phá rừng làm rẫy, rừng ở nơi đây đang dần phục hồi như trước” – ông A Dũng khẳng định.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế dưới tán rừng, anh A Piếu đã kiến nghị chính quyền địa phương cho chủ trương và hỗ trợ giống sâm Ngọc Linh và đẳng sâm để trồng dưới tán rừng. Ngoài tăng thêm thu nhập, còn giúp người dân gắn bó hơn với rừng và quyết tâm giữ rừng.
Với sự trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của bà con thôn Lê Văng, UBND xã Đăk Na cũng đã có định hướng hỗ trợ bà con phát triển kinh tế rừng, để vừa bảo vệ rừng, vừa có thêm thu nhập, giúp các hộ xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu với các loại cây chủ lực như đẳng sâm, sâm Ngọc Linh.
Sống gần gũi với bà con, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Piếu đã và đang cùng bà con thôn Lê Văng giữ cho những cánh rừng mãi xanh.
Dương Nương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/bi-thu-chi-bo-di-dau-trong-bao-ve-rung-41153.html