Vươn lên tầm cao mới

73

baokontum.com.vn

12/05/2024 06:44

Trong những ngày cuối tháng Tư có nhiều sự kiện thúc đẩy cảm xúc, thì sự kiện Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế diễn ra trong 2 ngày 25-26/4 với chủ đề “Ẩm thực dược liệu – Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”, thu hút 21 đội tham dự. Trước đó, tháng 12/2023, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức rất thành công Hội thi “Ẩm thực dược liệu – Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”.

Khác với lần trước, hội thi lần này mang tầm quốc tế, không chỉ có  sự tham gia của các đầu bếp đến từ  11 đội của 11 xã, hợp tác xã trên địa bàn huyện, mà còn có đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp của 10 đội khách mời đến từ một số tỉnh, thành phố trong nước và các nước Lào, Trung Quốc, Thụy Sĩ.

Với đôi bàn tay khéo léo của các đầu bếp chuyên và không chuyên, nhiều món ăn được chế biến từ sâm dây, với sâm dây đã làm đông đảo du khách đến với hội thi ngất ngây, thán phục.

Suốt cả tuần sau đó, tôi khá bận rộn với việc trả lời tin nhắn, email của bạn bè gần xa. Trong đó, số ít người tò mò vì tên gọi “Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế ”, còn phần nhiều muốn nghe giới thiệu kỹ hơn về các món ăn.

Từ xa xưa, sâm dây được đồng bào DTTS sử dụng trong các bài thuốc và chế biến thành các món ăn bổ dưỡng. Ảnh: T.H

 

Lâu nay vẫn nghe nói sâm dây Ngọc Linh thường dùng để… ngâm rượu, nấu nước uống, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết sâm dây có thể chế biến thành những món ăn ngon và bổ dưỡng như vậy- một người viết.

Nhiều người còn đề nghị tôi cung cấp thêm tư liệu về sâm dây Ngọc Linh. Và tất nhiên, tôi sẵn lòng làm việc ấy.

Tôi nói rằng, sâm dây, nhất là sâm dây mọc hoặc được trồng ở dãy núi Ngọc Linh, trong đó có Tu Mơ Rông, là loại dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa và chữa trị nhiều căn bệnh.

Rằng từ xa xưa, sâm dây đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, cũng như được chế biến, hoặc “góp mặt”, trong nhiều món ăn đặc sắc của đồng bào Xơ Đăng.

Tôi vẫn nhớ như in chuyến đi vào làng Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) cách đây gần 10 năm, tất nhiên khi ấy làng Tu Thó vẫn ở vị trí cũ. Sau ngày trèo đồi lội suối, vừa mệt vừa đói, chúng tôi được chủ nhà mời về nhà uống nước.

Đồng bào Xơ Đăng vốn hiếu khách. Thế nên pha xong ấm trà để mọi người trò chuyện, chị chủ nhà tất tả đi làm cơm đãi khách. Loáng cái, trên sàn nhà đã bày đầy món ăn, trong đó có một nồi lớn bốc khói và dậy mùi thơm, bên cạnh là một rổ lớn đựng lá sâm dây.

Gà nấu sâm dây đấy- anh chồng vồn vã giới thiệu- Đây là món ăn thường được dân làng nấu để đãi khách quý, hoặc cho người mới ốm dậy bồi bổ sức khỏe. Cũng xin được nhắc lại là hồi ấy, sâm dây chỉ để ngâm rượu, việc chế biến thành món ăn còn lạ lẫm.

Tôi thề rằng, không phải vì đói ăn gì cũng ngon, mà vì món gà nấu sâm dây ngon thật sự. Khi ăn, ta cảm nhận được ngay vị ngọt của thịt gà, hương thơm, vị ngòn ngọt pha chút chan chát rất riêng của sâm dây tạo nên hương vị không món ăn nào có được.

Ngày ấy, cả tôi và chủ nhà đều không thể hình dung được có ngày món lẩu gà nấu sâm dây lại vang danh đến vậy. Tháng 9/2023, cùng với 120 món ăn khác, Lẩu gà lá sâm của Kon Tum được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I- 2022.

163654N%C3%A2ng%20t%E1%BA%A7m%20gi%C3%A1%20tr%E1%BB%8B%20s%C3%A2m%20d%C3%A2y%20Ng%E1%BB%8Dc%20Linh%20nh%E1%BB%9D%20%E1%BA%A9m%20th%E1%BB%B1c

Nâng tầm giá trị sâm dây Ngọc Linh nhờ ẩm thực. Ảnh: TH

 

Trở lại với Hội thi ẩm thực quốc tế nói trên, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ rằng, hội thi nhằm mục đích nâng tầm, tôn vinh cây dược liệu nói chung, sâm dây nói riêng; đưa hình ảnh và những tính năng hữu ích của sâm dây Tu Mơ Rông đến gần hơn với  người dân trong nước và thế giới.

Đặc biệt, với việc công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây, huyện Tu Mơ Rông đã cho thấy bước phát triển mới của hành trình đưa sâm dây thành một đặc sản được biết đến rộng rãi.

Rõ ràng đây là hướng đi sáng tạo và đầy triển vọng. Bởi từ xưa đến nay chúng ta vẫn thường nghĩ dược liệu chỉ dùng để làm thuốc, và như vậy giá trị kinh tế đem lại còn hạn chế. Nhưng nếu được kết hợp với ẩm thực thì đem lại giá trị kinh tế  và tiềm năng phát triển là rất lớn.

Cứ nhìn nhiều địa phương khác sẽ thấy. Hiện nay có rất nhiều món ăn được phát triển từ dược liệu và có súc hút với du khách như: Bún dược liệu Hoành Bồ (Quảng Ninh), phở trà xanh Thái Nguyên, mì tam giác mạch Hà Giang, bột dinh dưỡng chùm ngây, rượu vang sim Phú Quốc, rượu vang nho Ninh Thuận.

Vậy thì việc tạo nên và quảng bá rộng rãi những món ăn được chế biến từ sâm dây, gần gũi mà không kém phần sang trọng, bình dân mà không kém phần độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng đất, con người Tu Mơ Rông là rất nên làm.

Và rất hy vọng về một tương lai gần, du khách đến Kon Tum nói chung, Tu Mơ Rông nói riêng, có thể dễ dàng thưởng thức tô phở sâm dây Ngọc Linh thơm phức hay những món ăn ngon lành từ sâm dây, thay vì phải vào nhà hàng.

Bên cạnh đó, ẩm thực dược liệu sẽ góp phần thúc đẩy du lịch mạnh mẽ. Hãy tưởng tượng, du khách được tham gia từ đầu đến cuối quá trình tìm kiếm, hái lượm, chuẩn bị nguyên liệu rồi nấu ăn, thưởng thức món ăn cùng đồng bào DTTS tại chỗ, từ đó hiểu hơn về môi trường sống, tri thức bản địa, phong tục tập quán, còn gì thú vị bằng.

Tất nhiên, phía trước là cả một hành trình dài và không dễ dàng. Nhưng với khởi đầu tốt đẹp từ hai lần tổ chức hội thi ẩm thực dược liệu, tôi tin rằng Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh ta nói chung sẽ làm được.

Và khi ấy, ẩm thực dược liệu sẽ vươn lên tầm cao mới!       

Thành Hưng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/vuon-len-tam-cao-moi-40696.html