Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác vùng DTTS

22

baokontum.com.vn

12/03/2024 06:25

Từ khi tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể, nhiều mô hình sản xuất hợp tác, liên kết sản xuất trong vùng đồng bào DTTS được thành lập. Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ người dân trong sản xuất, tăng năng suất, giá trị sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập kinh tế, đời sống ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

Thực tế cho thấy, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên, tri thức dân gian để phát triển đa dạng các loại hình sản xuất về nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thương mại, nhất là phát triển các sản phẩm có thế mạnh về du lịch gắn với bản sắc, văn hóa bản địa. Trong điều kiện ấy, sự xuất hiện của tư duy sản xuất hợp tác, liên kết trở thành “chìa khóa vạn năng” phát huy tiềm năng, thế mạnh để thay đổi tư duy, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân vùng DTTS.

Nhiều sản phẩm từ trước đến nay vốn người dân tạo ra nhằm “tự cung, tự cấp” đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày nên sản phẩm được sản xuất ra theo phương thức thủ công như: các loại cây, trái rừng; các sản phẩm nước uống, dược liệu, bánh, mứt chiết xuất từ sâm; rượu ghè, ẩm thực địa phương, thổ cẩm. Đến nay, các sản phẩm này có cơ hội nâng cao chất lượng, số lượng, được bày bán rộng rãi trên thị trường, tại các siêu thị, gian hàng OCOP, sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm đã đạt chất lượng OCOP, khẳng định được thương hiệu.

171943T%E1%BB%89nh%20ta%20quan%20t%C3%A2m%20vi%E1%BB%87c%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20khoa%20h%E1%BB%8Dc%20k%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20v%C3%A0o%20c%C3%A1c%20m%C3%B4%20h%C3%ACnh%20kinh%20t%E1%BA%BF%20h%E1%BB%A3p%20t%C3%A1c

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình kinh tế hợp tác. Ảnh: H.T

 

Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tỉnh ta đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch, kết hợp với các chỉ tiêu của 3 chương trình MTQG gồm: Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để lồng ghép và triển khai hiệu quả.

Dưới nhiều hình thức hỗ trợ, các mô hình liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về sản xuất hiệu quả và tạo được những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.

Trong môi trường lao động có tổ chức, đồng bào DTTS từng bước thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao tay nghề thông qua các yêu cầu cao hơn về chất lượng, kỹ thuật. Bên cạnh đó, với hình thức tổ chức sản xuất linh hoạt, đi từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ quản lý của những người sáng lập, từ tổ hợp tác, hợp tác xã đến liên hiệp các hợp tác xã đã tạo ra hiệu quả tối ưu, bền vững.

Có thể kể một ví dụ như Tổ hợp tác “Phụ nữ DTTS trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần nếp cẩm” của chị Y Thơi (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy). Đây là một trong những sản phẩm từ nghề truyền thống của đồng bào DTTS, dưới sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền các cấp và ngành chức năng của huyện Kon Rẫy, sản phẩm của tổ hợp tác đã phát triển hiệu quả, hiện đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chị Y Thơi- tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi tiến hành lên kế hoạch và từng bước phát triển, nhân rộng mô hình “Phụ nữ DTTS trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần nếp cẩm” nhằm duy trì, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tổ hợp tác được thành lập đã giúp chủ động về nhân lực, vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất hiệu quả; được hỗ trợ xây dựng mẫu mã sản phẩm, liên kết, quảng bá trong tiêu thụ để nâng cao giá trị, tăng thu nhập của các thành viên. Đây sẽ là tiền đề để tổ hợp tác kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô và tiến đến thành lập hợp tác xã khi đủ điều kiện.

Liên kết, hợp tác trong khâu sản xuất và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: HT

 

Toàn tỉnh hiện có 270 tổ hợp tác, 284 HTX, 1 liên hiệp HTX đang hoạt động. Các mô hình hoạt động đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 70%, còn lại là các lĩnh vực khác như: thương mại, dịch vụ, xây dựng, du lịch, nghề truyền thống.

Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP trong lĩnh vực dược liệu ra đời và tạo dựng được uy tín trên thị trường cả nước, hình thành các chuỗi liên kết với bà con người DTTS ở Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Tô dưới hình thức hợp tác xã hoặc tổ hợp tác liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần hết sức coi trọng vấn đề quy hoạch đất đai sản xuất ổn định, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững về lâu dài cho người dân trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, triển khai hiệu quả các giải pháp về quy hoạch ổn định các vùng nguyên liệu như cà phê, cây dược liệu và một số ngành hàng chủ lực của tỉnh; đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, công trình thủy lợi vào các khu sản xuất để tạo thuận lợi trong sản xuất cho người dân, vừa thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, xây dựng được đội ngũ gồm các nông dân sản xuất giỏi và lớp thanh niên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ là người DTTS; có tâm huyết, làm nòng cốt để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hợp tác, trở thành các sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng đồng bào DTTS.    

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/thuc-day-phat-trien-kinh-te-hop-tac-vung-dtts-38742.html