Thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc

19

www.nguoiduatin.vn

Sau chuyến làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) với Bộ Nông nghiệp, Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thêm hai loại trái cây của Việt Nam là bơ và chanh leo sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư sẽ được ký giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian tới.

Trao đổi với Dân Việt sau chuyến làm việc với Bộ Nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung Quốc đồng ý sẽ mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, đặc biệt là xem xét mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam.

Hiện, Việt Nam có 13 loại trái cây, nông sản được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng, chanh dây, thạch đen, khoai lang.

Nhưng đến nay, Việt Nam mới có 6 loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư sang Trung Quốc gồm: Măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.

Kinh tế - Thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc
Ảnh minh họa.

Việc có thêm 2 loại trái cây bơ và chanh leo được ký Nghị định thư sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây sang thị trường tỷ dân này.

Được biết, tháng 7/2022, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc. Ngày 27/11/2022, lô hàng chanh leo đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với khối lượng 18,4 tấn đã được vận chuyển đến khu chợ biên giới Pò Chài để tiến hành kiểm nghiệm, kiểm dịch. Sau khi đạt yêu cầu, lô hàng đã được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy để đưa vào chế biến.

Đây là lô hàng chanh leo đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận việc thí điểm nhập khẩu chanh leo Việt Nam qua địa bàn Quảng Tây.

Để bảo đảm việc nhập khẩu và chế biến chanh leo Việt Nam ngay tại khu vực chợ biên giới, cơ quan chức năng Trung Quốc đã xây dựng phương án giám sát, quản lý chuyên biệt cho việc thông quan chanh leo, để bảo đảm các thủ tục được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cây chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 9.500 ha với sản lượng 300.000-400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.

Ngoài ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ chanh leo cũng được người tiêu dùng các thị trường ưa chuộng. Châu Âu đang là đối tác lớn nhất nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.

Từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong những năm qua, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin, đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc.

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8.200 ha, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn. Đây cũng là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh leo lớn nhất cả nước.

Đối với quả bơ, tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đăk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Kể từ đầu năm 2022, bơ Việt Nam cũng đã bắt đầu được xuất khẩu sang Australia. Đăk Nông được coi là “thủ phủ bơ” với diện tích gần 2.600 ha, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha.

Kinh tế - Thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc (Hình 2).

Nghị định thư mới ký kết đã “mở cửa” cho dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa: Báo Giao Thông.

Theo Công Thương, trước đó, tháng 10/2023, quả dưa hấu tươi của Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với kim ngạch năm 2023 đạt 3,64 tỷ USD, tăng tới 139,5% so với năm 2022 và chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh sau khi có Nghị định thư với thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ về kết quả chuyến làm việc của đoàn công tác thuộc Bộ NNPTNT tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, sau khi làm việc với chợ đầu mối ở Quảng Đông, đoàn công tác nhận thấy các sản phẩm trái cây của Việt Nam đang có lợi thế ở thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng, phía bạn đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, phía bạn cảnh báo rằng nếu chúng ta không chú trọng vào chất lượng hàng hóa và mẫu mã sẽ đánh mất tiềm năng. Vì sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.

“Phía bạn than phiền với chúng tôi rằng nhiều sản phẩm không để rõ ngày sản xuất. Thứ hai là một số lô hàng sầu riêng không đảm bảo chất lượng”, ông Trần Thanh Nam chia sẻ và đề nghị tất cả những hộ nông dân, doanh nghiệp đang trồng, xuất khẩu sầu riêng cần chú ý đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa khi xuất sang Trung Quốc, để có chỗ đứng bền vững ở thị trường này.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng quốc gia này thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán.

Theo báo Đầu tư, phía Malaysia cũng đang chuẩn bị các bước để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Thời điểm bắt đầu xuất khẩu sẽ trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 31/5/2024. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia ký thỏa thuận 6 điểm về xuất khẩu sầu riêng tươi của Malaysia sang Trung Quốc vào tháng 10/2023.

Minh Hoa (t/h)


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/them-co-hoi-gia-tang-kim-ngach-xuat-khau-trai-cay-vao-trung-quoc-a647723.html