Thách thức trong sản xuất nông nghiệp

7

baokontum.com.vn

26/05/2024 06:16

Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh ta ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống; trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.

Những năm gần đây, tỉnh ta chịu những tác động xấu của nhiều loại hình thiên tai như mưa bão, lũ lụt, sạt lở, nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa đá, dông lốc. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra với mật độ và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại về tính mạng con người, của cải vật chất và đang đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có 10 đợt mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, 1 trận áp thấp ảnh hưởng gián tiếp tới tỉnh gây ra mưa lớn tại nhiều địa phương. Mưa bão, lũ quét, sạt lở, ngập lụt đã làm 223,8ha lúa, 1,8ha cây lâu năm, 21,6ha hoa rau và 48,2ha cây hàng năm khác bị thiệt hại; 406 con gia súc, gia cầm bị c h ế t; 17,76 ha ao nuôi cá bị ngập, mất trắng. Toàn tỉnh có 12 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng, xói lở kênh mương.

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều tác động của thiên tai. Ảnh: T.H

 

Những tháng đầu năm 2024, nắng nóng diễn ra gay gắt và khốc liệt, trên phạm vi toàn tỉnh nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,20C so với trung bình nhiều năm. Nắng hạn kéo dài làm cho 282,32ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước tưới khiến ngành Nông nghiệp, các địa phương và người dân phải chật vật xoay xở, bỏ ra nhiều chi phí để tìm nguồn nước cứu cây trồng. Trong đó, thành phố Kon Tum có 15,65ha cây trồng bị khô hạn; huyện Đăk Hà có 146,57ha cây trồng bị khô hạn, chủ yếu là lúa nước và cây cà phê; huyện Đăk Tô có 120,10ha cây trồng các loại và 1.515 cây mắc ca bị ảnh hưởng.

Tình hình hạn hán xảy ra trên địa bàn trong những tháng vừa qua làm cho một số diện tích lúa, cây ngắn ngày đã bị mất trắng; cây dài ngày sinh trưởng và phát triển kém, ảnh hưởng tới năng suất của vụ sau và phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi.

Thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, lũ lụt, ngập úng vào mùa mưa cùng những diễn biến thất thường khác của thời tiết, không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi, mà còn làm phát sinh nhiều loại sâu, dịch bệnh khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, bất lợi và tác động không nhỏ đến đời sống người dân trên địa bàn.

Để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương áp dụng những giải pháp phát triển sản xuất theo hướng chủ động, như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu mùa vụ; tổ chức sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết để phòng tránh thiên tai, tăng hiệu quả sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng vùng, thích ứng khô hạn. Trong đó, chú trọng chuyển những diện tích trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả và diện tích trồng mì bạc màu, năng suất thấp, bị nhiễm bệnh sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây ăn quả, mắc ca, mía. Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030, tỉnh ta sẽ thực hiện chuyển đổi 2.839,8ha đất lúa bị hạn sang các loại cây trồng chịu hạn, nhu cầu sử dụng nước ít và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai. Ảnh: TH

 

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh khuyến khích, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, phát triển kinh tế vườn đồi, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động, rủi ro do thiên tai gây ra. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 16.192ha cây trồng sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đã hình thành được một số vùng chuyên canh cây cà phê vối, cây ăn quả, rau hoa có chất lượng tại một số địa phương trong tỉnh như huyện Đăk Hà, thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông.

Song song với việc triển khai những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, trước mắt, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương của tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa bão năm 2024, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành.

Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng- thủy văn tỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2024 , tỉnh ta có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, xảy ra từ 8-10 đợt mưa to và rất to kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh. Trên phạm vi toàn tỉnh có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân, giao thông và sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, ngay từ thời điểm cuối mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh để kịp thời phát hiện, tiến hành gia cố, xử lý, khắc phục các hư hỏng có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; xây dựng phương án quản lý, vận hành  hồ chứa, nhằm đảm bảo có đủ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vừa phòng, chống lũ. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các địa phương và người dân triển khai kế hoạch sản xuất theo đúng lịch thời vụ; tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình thời tiết để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.    

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/thach-thuc-trong-san-xuat-nong-nghiep-41002.html