baokontum.com.vn
26/01/2024 06:22
Thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường do hoạt động sản xuất gây ra. Qua đó, góp phần khắc phục hậu quả các sự cố về môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội.
Trong năm 2023, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT kịp thời ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của ngành TN&MT tỉnh cho thấy, có một số cơ sở sản xuất đã chủ động xây dựng phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, trong đó chú trọng đến công tác phòng ngừa sự cố nước thải. Bên cạnh đó, ngành TN&MT tỉnh phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các sự cố liên quan đến ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất gây ra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo đó, một số vụ việc gây ô nhiễm môi trường được cơ quan xử lý nghiêm có tác dụng răn đe đối với các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Xử lý chất thải rắn sinh hoạt gặp khó khăn. Ảnh: Q.Đ
Như trường hợp trang trại chăn nuôi heo của hộ kinh doanh Phạm Thị Tuyến có hành vi xây dựng không đúng, không đủ các công trình xử lý chất thải; UBND huyện Kon Rẫy xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35 triệu đồng, yêu cầu chủ hộ cam kết triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Hay vụ việc gây ô nhiễm môi trường tại trang trại nuôi heo của hộ kinh doanh Hồ Xuân Lâm, Thanh tra Sở TN&MT đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 46 triệu đồng, bắt buộc chủ hộ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Hoặc trường hợp đổ chất thải rắn thông thường của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn VINA Kon Tum được UBND xã Sa Nhơn kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7 triệu đồng; yêu cầu công ty cam kết triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Trường hợp gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy chế biến mủ cao su Duy Tân, đoàn kiểm tra liên ngành về BVMT của tỉnh tiến hành kiểm tra và lấy mẫu quan trắc môi trường. Kết quả phân tích một số chỉ tiêu bụi, khí độc tại khu dân cư và trước cổng Nhà máy cho thấy tất cả các thông số gây mùi khó chịu trong không khí (NO2 và NH3) đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh. Đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu Nhà máy có các giải pháp để giảm thiểu mùi hôi đặc trưng việc sản xuất chế biến mủ cao su.
Qua những vụ việc nêu trên cho thấy, sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương khi nhận được thông tin phản ảnh của người dân, báo chí liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường; đồng thời các vụ việc vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đều được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và yêu cầu tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm môi trường sống của người dân.
Rác thải sinh hoạt trong túi nilon vứt bừa bãi bên vệ đường. Ảnh: QĐ
Trong thời gian tới, Sở TN&MT triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thực hiện phân vùng môi trường với định hướng các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội phù hợp; thiết lập các cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây hại đến môi trường trong từng vùng, đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải; tăng cường triển khai đồng bộ các công cụ quản lý môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dựa trên việc phân loại theo tiêu chí về môi trường.
Bên cạnh đó, ngành TN&MT phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tiến hành rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải), biện pháp BVMT của các dự án đầu tư; giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm đối với các dự án đầu tư sau khi cấp giấy phép môi trường. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, tiến hành đo đạc, lấy mẫu và phân tích mẫu chất thải ra môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm của dự án; yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động xả nước thải ra môi trường tiếp nhận phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải công nghiệp tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát và quản lý theo quy định.
Sở TN&MT duy trì hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; chủ động rà soát, nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên báo chí và các kênh thông tin khác để tổ chức kiểm tra, xử lý có hiệu quả các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, ngành TN&MT kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề; yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; lập và thực hiện phương án, tổ chức tự quản và xây dựng hạ tầng BVMT ở các làng nghề; tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT; đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra đột xuất, thực hiện thanh tra thường xuyên về BVMT theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật về BVMT.
Quang Định
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-ve-moi-truong-37094.html