Tầm nhìn và khát vọng

17

baokontum.com.vn

12/02/2024 07:54

Ngay những ngày đầu năm mới, một tin vui đã đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum: Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Đường lớn đã mở trong ngày xuân tươi đẹp.

Tầm nhìn chiến lược

Ngày 31/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1756/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Sở KH&ĐT, đây là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao, trách nhiệm, tầm nhìn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; sự tâm huyết và trí tuệ của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh cũng như các sở, ban, ngành và đội ngũ chuyên gia tư vấn, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong những năm triển khai nhiệm vụ xây dựng quy hoạch.

Theo đó, Quy hoạch đưa ra các đột phá về không gian lãnh thổ với định hướng phát triển 3 trung tâm đô thị: Đô thị trung tâm (thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi – Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng đen gắn với Khu du lịch Măng Đen).

094952Lu%C3%B4n%20n%E1%BB%97%20l%E1%BB%B1c%20v%C3%AC%20m%E1%BB%99t%20Kon%20Tum%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20nhanh,%20m%E1%BA%A1nh%20v%C3%A0%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng.%20%E1%BA%A2nh%20Nguy%E1%BB%85n%20Ban

Luôn nỗ lực vì một Kon Tum phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Phát triển 3 hành lang kinh tế – kỹ thuật – đô thị, gồm: Hành lang Quốc lộ 14 và cao tốc Bắc – Nam; hành lang Quốc lộ 24 và cao tốc Kon Tum – Quảng Ngãi; hành lang Quốc lộ 40B.

Phát triển 3 trung tâm động lực tăng trưởng, gồm: Thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đi cùng đó là 3 kịch bản phát triển; 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, của vùng.

Quá trình lập quy hoạch nhận được sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương cũng như sự tham vấn, thẩm định của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh giáp ranh.

Theo đó, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch (Quyết định 510/QĐ-TTg ngày 13/4/2020), Tỉnh ủy – HĐND-UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các bước thực hiện.

Quan điểm xuyên suốt là Quy hoạch phải đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển trên địa bàn.

Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn tỉnh hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai.

Tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Ban chỉ đạo lập quy hoạch đã ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng ngành, địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai, tổ chức xây dựng báo cáo chuyên đề để tích hợp vào Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch tỉnh.

Nhiều cuộc họp, buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn được UBND tỉnh tổ chức nhằm lấy ý kiến, góp phần hoàn thiện Quy hoạch tỉnh theo hướng tiếp cận một cách hệ thống, đa chiều và mang tính chiến lược dựa trên sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, ngày 16/8/2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo góp ý Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã góp ý, phân tích những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh và các hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua. Đồng thời đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển lâu dài nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục những điểm nghẽn, hạn chế, góp phần hoàn thiện các nội dung trong Quy hoạch tỉnh.

Ngày 10/10/2023, tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá dự thảo Quy hoạch tỉnh Kon Tum được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, thể hiện sự cầu thị trong quá trình xây dựng. Nội dung đã nêu rõ quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển; đề ra các khâu đột phá để phát triển trong thời kỳ quy hoạch; nội dung quy hoạch cơ bản bám sát chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Khát vọng vươn tới

Sau hơn 3 năm triển khai (kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch), Quy hoạch tỉnh thực hiện đúng thời gian, đạt chất lượng. Quy hoạch có ý nghĩa chiến lược, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững cho tỉnh; mở ra triển vọng hợp tác và đầu tư với doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế.

Quy hoạch đã đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong Luật Quy hoạch; đảm bảo tính bền vững và dài hạn, khả thi và thích ứng, kế thừa và tính mở, tính thị trường, liên kết không gian và thời gian, tính phòng ngừa và công khai, minh bạch.

Đặc biệt, Quy hoạch được đánh giá vừa mang bản sắc riêng, sự khác biệt và nổi trội, từ đó khẳng định vị trí, vai trò và tiềm năng phát triển của Kon Tum trong một chỉnh thể phát triển của vùng Tây Nguyên, của đất nước và khu vực Tam giác phát triển CLV.

Quy hoạch đã thể hiện rõ khát vọng vươn lên trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

095019%C4%90%C3%B4%20th%E1%BB%8B%20trung%20t%C3%A2m%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91%20Kon%20Tum

Đô thị trung tâm thành phố Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Xây dựng tỉnh Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen.

Đồng thời là địa phương có kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN.

Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là quan tâm hàng đầu.

Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tỉnh đã đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển trở thành một trong những trung tâm động lực của Vùng.

Đường lớn đã mở, nhiệm vụ của chúng ta là thống nhất cao về nhận thức, hành động để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

Vì một Kon Tum phát triển nhanh, mạnh và bền vững!

Tú Quyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tam-nhin-va-khat-vong-36833.html