Sức khỏe của đất

4

baokontum.com.vn

Với nhiều lợi thế, nhất là diện tích đất sản xuất lớn, nguồn lao động dồi dào, ngành Nông nghiệp được xác định là thế mạnh, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chúng ta chưa thực sự chú ý đến sức khỏe của đất.

Sức khoẻ của đất, hiểu một cách “nôm na”, bao gồm thoát nước tốt; có quần thể vi sinh vật lớn (nhưng không quá thừa); đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và nước cùng chất hữu cơ.

Theo các nhà khoa học, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng vấn đề bảo vệ, duy trì và nâng cao sức khỏe của đất vẫn đang đặt ra nhiều thách thức, nếu không muốn nói là đang suy kiệt ở mức đáng báo động.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tượng này diễn ra ở hầu hết các vùng trong cả nước. Nhưng nhanh và nặng nề nhất là các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Ở tỉnh ta, sức khỏe của đất cũng đang có những diễn biến xấu, thể hiện qua sự suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng; ô nhiễm đất; đất bị nén chặt, độ xốp giảm đi, khả năng giữ nước, thoát nước rất kém.

Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm môi trường đất do tích tụ chất độc hại, hóa chất, làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên của đất; giảm phì nhiêu, cạn kiệt chất dinh dưỡng.

Sức khỏe của đất đang diễn biết xấu do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là từ hoạt động sản xuất của con người. Ảnh: HL

 

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và các sinh vật sống khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bên cạnh những tác động từ tự nhiên, như xói mòn, lũ lụt và sự thay đổi khí hậu, thì tác động từ hoạt động sản xuất của con người là rất lớn.

Theo Báo cáo số 388/BC-UBND của UBND tỉnh (ngày 31/10/2023) về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, quá trình canh tác, cải tạo đất, hoạt động dân sinh đang để lại những cảnh báo về sức khỏe đất.

Trong đó, việc sử dụng phân bón, canh tác đất một cách bất hợp lý đang làm thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

Theo Bộ chỉ thị môi trường tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, chỉ tính giai đoạn 2016 – 2020, lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp tăng khoảng 1,5 lần, từ 200.000 tấn (năm 2016) lên 300.000 tấn (năm 2020).

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng đáng báo động. Bằng chứng là khối lượng thuốc BVTV sử dụng trong 4 năm 2016-2020 tăng khoảng 1,3 lần, từ 300 tấn (năm 2016) lên 400 tấn (năm 2020).

Lượng phân bón sử dụng không hợp lý, không đúng liều lượng sẽ gây tồn dư phân bón trong đất, gây ô nhiễm môi trường đất. Tương tự, sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, không đúng liều lượng, đúng phương pháp sẽ gây ô nhiễm không khí, nước và đất.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã xây dựng, thực thi nhiều chính sách nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Trong đó, ngày 29/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1325/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án có mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học lên trên 30%; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trên tổng số sản phẩm phân bón lên 15%.

165025C%E1%BA%A7n%20ch%C3%BA%20tr%E1%BB%8Dng%20tri%E1%BB%83n%20khai%20ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20ki%E1%BB%83m%20tra,%20%C4%91%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20s%E1%BB%A9c%20kh%E1%BB%8Fe%20%C4%91%E1%BA%A5t

Cần chú trọng triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá sức khỏe đất. Ảnh: H.L

 

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hoạt động hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ áp dụng công nghệ và liên kết sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc đánh giá về thoái hóa đất, chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất, tiềm năng đất đai, phân hạng đất đai, vốn có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe đất, chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu đồng bộ.

Trên thực tế, nhiệm vụ này mới chỉ được triển khai để phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đất đai, chưa phản ánh thực trạng chất lượng đất, sức khỏe đất để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức về sức khỏe đất chưa được quan tâm đúng mức; chưa được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng. Công tác nghiên cứu khoa học về sức khỏe đất chưa thực sự được quan tâm.

Mới đây, tại văn bản số 3367/UBND-NNTN  ngày 20/9, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành liên quan, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tăng cường các giải pháp quản lý sức khỏe đất để hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Theo đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các huyện, thành phố rà soát, triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế.

Việc cần làm hiện nay là kiểm tra “sức khỏe” của đất, đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ, cải thiện “sức khỏe” đất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy trình canh tác phù hợp với từng loại đất, từng loại cây trồng và có biện pháp cải tạo độ phì, bổ sung dinh dưỡng cho đất; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số trong quản lý đất đai, trong đó có đất nông nghiệp.

Thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn.

Quan tâm ứng dụng những mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình làm nông nghiệp.

Tất nhiên, đây là nhiệm vụ khó, cần được quan tâm triển khai liên tục trong thời gian và nguồn lực đầu tư lớn.

Vì vậy, cần khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ.

Đây sẽ là những “đầu tàu” về việc nghiên cứu theo dõi các chỉ số sức khỏe đất, đánh giá hiệu quả của các giải pháp canh tác bền vững, bao gồm việc sử dụng phân bón.

Có như vậy, đất mới khỏe, mới góp phần đưa ngành Nông nghiệp thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/suc-khoe-cua-dat-43068.html