Quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

27

baokontum.com.vn

29/03/2024 13:05

Những năm qua, tỉnh ta quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi. Qua đó, bảo đảm nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Theo thống kê chỉ tính trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta thực hiện đầu tư xây dựng mới 165 công trình thủy lợi trên với tổng diện tích tưới thiết kế là 6.463,5ha. Trong đó, diện tích tưới cho lúa 2 vụ là 3.635,5ha, cây công nghiệp là 2.500ha, cây trồng khác là  328ha.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh 594 công trình thủy lợi, trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh được giao quản lý, khai thác, vận hành 178 công trình gồm 73 hồ chứa, 98 đập dâng và 7 trạm bơm điện; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn chịu trách nhiệm quản lý, khai thác 424 công trình.

Công trình thủy lợi hồ chứa Đăk Car và đập Đăk Sia II, huyện Sa Thầy đang được gấp rút triển khai xây dựng. Ảnh: T.H

 

Hệ thống công trình thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong việc dự trữ, cung cấp nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc mở rộng diện tích gieo trồng, đa dạng các loại cây trồng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương luôn chú trọng triển khai các giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi.

Trên địa bàn huyện Đăk Hà có 66 công trình đập, hồ chứa nước, trong đó, có 34 công trình do địa phương quản lý và 32 công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, phục vụ nhu cầu tưới cho khoảng 5.700 cây trồng.

Hàng năm, từ nguồn dịch vụ công ích thủy lợi được phân bổ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà phối hợp với các địa phương của huyện và đơn vị quản lý tổ chức sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình. Đồng thời, xây dựng kế hoạch dự trữ, điều tiết nguồn nước, đảm bảo không để rò rỉ, lãng phí nước tưới, vận động người dân có diện tích gieo trồng được cung cấp nước tưới tham gia vào công tác vận hành và chung tay bảo vệ các công trình thủy lợi.

Thành phố Kon Tum hiện có 34 công trình thủy lợi gồm 9 hồ chứa, 18 đập dâng và 7 trạm bơm điện; hơn 140km kênh mương nội đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới cho hơn 1.800ha cây trồng của người dân.

Các công trình thủy lợi góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: TH

 

Để phát huy hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, hàng năm, UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn chủ động phối hợp với đơn vị thủy nông lên lịch thời vụ, xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước các hồ chứa, thực hiện tốt lịch tưới. Đồng thời, rà soát, lập phương án khắc phục kịp thời các công trình hư hỏng, xuống cấp; huy động các nguồn lực để tu bổ, sửa chữa các công trình đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 80 hồ chứa thủy lợi; mặc dù thời tiết đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, mực nước ở các hồ chứa, các công trình thủy lợi đang xuống thấp, chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế, nhưng vẫn cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ tưới vụ Đông- Xuân năm 2023-2024. Theo đó, toàn bộ diện tích cây trồng nằm trong vùng tưới của các công trình thủy lợi vẫn đủ nước tưới, phát triển tốt, chưa xảy ra khô hạn. Tình trạng thiếu nước chỉ xảy ra cục bộ ở một số vùng sản xuất nhỏ nằm ngoài khu vực tưới của công trình thủy lợi, người dân chủ yếu sử dụng nước tưới từ ao, hồ, suối nhỏ.

Không chỉ cung cấp nước tưới, hệ thống công trình thủy lợi còn góp phần cắt giảm, điều tiết lũ, tiêu thoát nước, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu, giữ ổn định diện tích gieo trồng lúa là 23.215ha, diện tích cà phê đạt khoảng 25.000 ha; đồng thời, chuyển đổi một số diện tích trồng cao su và các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở những nơi có điều kiện, phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000ha; tăng diện tích gieo trồng rau màu lên khoảng 2.850ha. Xây dựng vùng chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất, việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tối đa khả năng vận hành, cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, cùng với việc làm tốt công tác quản lý nhà nước, cần sự tham gia  tích cực của người dân trong bảo vệ, giữ gìn các công trình.

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/quan-ly-khai-thac-hieu-qua-cac-cong-trinh-thuy-loi-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-40038.html