Lớp học đêm của thầy giáo Công an

29

antg.cand.com.vn

Trong niềm vui “vỡ lòng”

Nghe tiếng gọi í ới ngoài cửa, ông Sum (trú làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) tất bật cho sách vở “vỡ lòng” vào chiếc túi nhỏ, rồi nhanh chóng xuống bậc thang nhà sàn hòa vào nhóm người hướng về điểm trường tiểu học của xã. Không chỉ ông Sum, nhiều người khác từ phụ nữ tới thanh niên và cả những em nhỏ cũng mang theo tập vở “vỡ lòng”, bảng đen rộn rã bước về lớp học khi bóng đêm đã phủ xuống ngôi làng này.

Lớp học đêm của thầy giáo Công an -0
Trung úy Lê Tuấn Thành đứng lớp dạy chữ cho bà con.

Làng Kret Krot nằm ở phía Tây xã Hra có 183 hộ với 956 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Ba Na. Đây là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, trong khi đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào Ba Na, trình độ dân trí còn thấp, dễ bị đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng. Nhận thức được điều đó, Công an xã đã tham mưu xây dựng mô hình “Lớp học tình thương” nhằm xóa mù chữ, nâng cao nhận thức của các cháu học sinh, định hướng cho các em nhỏ trong tương lai. Mô hình được thành lập với 10 thành viên, gồm lực lượng Công an xã cùng các giáo viên thuộc các trường học đứng chân trên địa bàn tổ chức 2 buổi học mỗi tuần.

Từ cuối tháng 12/2023, lớp học tình thương xóa mù chữ được mở ra. Mỗi lớp có khoảng hơn 40 học sinh đặc biệt, với độ tuổi từ 10 cho đến 60. Do thời gian học vào ban đêm nên lớp được tổ chức vào 2 buổi tối thứ Hai và thứ Năm nhằm giúp người dân tham gia học tập thuận tiện hơn. Mỗi tuần 2 buổi, những lớp học ấy lại sáng đèn bên sườn đồi thơm mùi hoa cà phê nở trong mùa gió chướng. Với mong muốn đem cái chữ đến với người dân, những người dạy chữ ấy đã miệt mài, tận tâm triển khai công tác xóa mù chữ trên địa bàn.

Trong đêm se lạnh cuối mùa, vang lên giọng đọc chưa rõ tiếng phổ thông của nhiều người dân chưa một ngày được đến trường ở vùng đất này. Từ trước đến nay, nhiều người từ thanh niên tới các chị các mẹ hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương, cuộc sống hằng ngày gắn liền với củ sắn, củ khoai, nương ngô chứ không quen cầm bút, cầm sách. Gần 1 tháng theo học lớp này, nhiều người như ông Sum đã biết được mặt chữ, có thể ghép vần và đánh vần được các từ đơn giản, nhiều người học nhanh hơn, có thể phát âm chuẩn hơn và viết được những từ cơ bản. Chị Tươi, một phụ nữ gần 40 tuổi tham gia lớn học chia sẻ: “Từ trước đến nay mình hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương chứ không quen cầm bút, cầm sách. Nay được đi học, được viết chữ và biết cách tính toán, mình thấy nhiều điều mới lạ hơn. Hy vọng, sau khi học xong mình có thể đọc thông viết thạo và tìm hiểu thêm được nhiều điều hay nữa qua sách vở!”.

Lớp học đêm của thầy giáo Công an -0
Trung úy Lê Tuấn Thành vận động từng người đến lớp xóa mù chữ.

Những bài giảng trong đêm

Làng Kret Krot – nơi trọng điểm về an ninh – là nơi mà trình độ văn hóa còn thấp, chủ yếu là người Ba Na tỷ lệ chưa biết chữ còn cao. Chính vì điều đó, thời gian trước nhiều người dân đã thiếu hiểu biết và lầm đường lạc lối theo sự dụ dỗ của các đối tượng tà đạo Hà Mòn, gây nên những nhức nhối về an ninh tại địa phương. Với mong muốn xóa mù chữ và nâng cao trình độ văn hóa cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có những biện pháp phù hợp trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, Công an xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã tổ chức lớp học xóa mù chữ cho người dân tại đây. Nhiều người cũng mong muốn được học chữ. Vì thế, khi lớp học tình thương này được triển khai, ai nấy háo hức tham gia.

Đồng chí trung úy Lê Tuấn Thành, cán bộ Công an xã Hra, là một trong 2 cán bộ công an đứng lớp cùng một số tình nguyện viên khác đã đứng ra dạy chữ cho người dân. “Việc thành lập mô hình có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhằm chia sẻ, giúp đỡ người dân. Lớp học xóa mù chữ do Công an xã Hra tổ chức không chỉ giúp cho bà con đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn này biết đọc, biết viết mà còn giúp họ dần xóa đi mặc cảm tự ti, tự tin hơn với khát vọng vươn lên thoát nghèo, hướng đến một tương lai tươi sáng”.

Trung úy Lê Tuấn Thành chia sẻ, tất cả các công dân có nhu cầu học trên địa bàn xã Hra, hay trọng tâm là làng Kret Krot có tỷ lệ bà con mù chữ cao được tham gia miễn phí. Lớp học do đồng chí Lê Tuấn Thành, cán bộ công an xã chịu trách nhiệm dạy chính và kết hợp cùng các tình nguyện viên có nghiệp vụ về sư phạm đảm nhận. Với những học viên lần đầu tiếp cận với con chữ, việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn nên những thầy cô giáo phải dùng nhiều phương pháp dạy thực tế, gắn với cuộc sống hằng ngày. “Học sinh” ở đây đa số đều là đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều độ tuổi khác nhau, người lớn nhất cũng gần 60 tuổi, trong đó còn có nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường nhưng chưa được đi học.

“Phần lớn là lao động trụ cột trong gia đình, nên việc vận động người dân đến lớp học tập đều đặn cũng gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm của người “giáo viên” gần dân, sát dân, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã vận động được hầu hết các học viên tham gia lớp xóa mù chữ!”, Trung úy Lê Tuấn Thành chia sẻ.

Lớp học đêm của thầy giáo Công an -0
Các “học sinh” miệt mài với từng con chữ.

Trong quá trình giảng dạy, thấy nhiều người đã lớn tuổi nhưng tất cả đều có tinh thần ham học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính. Vì thế, mỗi khi đứng lớp, các thầy cô giáo hay cán bộ công an phải chọn những phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng độ tuổi; đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các phong tục lạc hậu, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định, người dân biết đọc thông viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.

Vì vậy, lớp học xóa mù chữ được mở ra với họ cũng là mở ra một tương lai mới với nhiều điều thú vị. Công việc hằng ngày của họ không chỉ cày cuốc, mà còn có những tập sách, từng con chữ. Những hình ảnh từng người đàn ông hay phụ nữ đã nhiều tuổi nắn nót tỉ mẩn tập viết từng nét chữ, đọc to rõ ràng từng thanh âm tiếng Việt như minh chứng về nỗ lực của đồng bào muốn thay đổi mình. Cùng với đó, nỗ lực hằng đêm đứng lớp của các thầy cô giáo là các cán bộ chiến sĩ công an càng chứng tỏ tình cảm sâu nặng, keo sơn nghĩa tình. Chính sự chịu khó, ham học của từng học sinh đặc biệt này đã khiến những người thầy quân hàm đỏ như Trung úy Lê Tuấn Thành được tiếp sức trên hành trình đồng hành với người dân khơi chảy suối nguồn tri thức, nâng cao dân trí, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đồng bào trên vùng bazan khó khăn này.

Được biết, trước đây, làng Kret Krot có tỉ lệ hộ nghèo khá cao nhưng đến nay, chỉ còn 23 hộ với 99 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 12,56%). Đây là con số rất đáng khích lệ với những chính sách, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vươn lên của dân làng. Giờ đây làng Kret Krot đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Năm 2022, làng đón nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Bóng ma của tà đạo đã dần biến mất khỏi nơi này khi những người như “thầy Thành” đã thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám tình hình; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chung tiếng nói với đồng bào), là “chất keo” gắn bó tình cảm giữa công an với nhân dân ngày càng thêm bền chặt.

Hành trình gieo yêu thương

Trung úy Lê Tuấn Thành hiện đang công tác tại Công an xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Từ năm 2018, Trung úy Thành đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Anh đã sáng lập, điều hành và triển khai thực hiện hiệu quả 2 dự án: “Tủ sách thắp sáng đạo đức” và “Hành trình xanh”. Đến nay, dự án “Tủ sách thắp sáng đạo đức” đã trao hơn 3.000 phần quà và 30.000 cuốn sách với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng cho các trường học, trại mồ côi, trại giam, trại cai nghiện trên khắp cả nước. Cùng với đó, dự án “Hành trình xanh” với mục đích lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường. Đến nay, dự án này đã tổ chức 5 lần dọn rác và trồng hơn 100.000 cây xanh, với tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo nên lá phổi xanh cho địa phương, chống lại các tác hại của biến đổi khí hậu gây ra.

Lớp học đêm của thầy giáo Công an -0
Nhiều người tranh thủ buổi tối đến học tại lớp tình thương do Công an xã Hra mở.

Ngoài ra, Trung úy Thành đã tham gia hiến máu 31 lần, thực hiện hoạt động sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng trên địa bàn, kết nối với Mạng lưới ung thư vú Việt Nam thực hiện chương trình “Hiến tóc vì bệnh nhân ung thư”, thu nhận hơn 300 đoạn tóc giúp các bệnh nhân ung thư tự tin vào cuộc sống, an tâm điều trị bệnh. Vừa qua, tại Lễ trao giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2023, mô hình lớp học xóa mù chữ trên Công an xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao Bằng khen và tôn vinh tại buổi lễ. Đặc biệt hơn nữa, Trung úy Thành là cá nhân duy nhất của tỉnh Gia Lai được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương “Thanh niên sống đẹp” năm 2023.

Thượng úy Gan (tên của người Ba Na) – Phó Trưởng Công an xã Hra cho biết, các lớp học tình thương không chỉ giúp cho người dân nơi đây có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống. Đặc biệt, biết được chữ sẽ giúp bà con có thêm động lực tìm hiểu và học tập, áp dụng các mô hình kinh tế vào lao động, sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để vận động, tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Nguồn bài viết:
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/lop-hoc-dem-cua-thay-giao-cong-an-i723601/