baokontum.com.vn
Đối thoại doanh nghiệp – một hoạt động không mới nhưng luôn thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của các tổ chức, cá nhân. Bởi từ đây, các doanh nghiệp được nói lên khúc mắc, tâm tư cũng như nguyện vọng của mình và lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Với phương châm “sự thành công của doanh nghiệp trên địa bàn là thành công của tỉnh”, các cấp, ngành, địa phương luôn theo sát và đồng hành cùng doanh nghiệp. Với tinh thần ấy, ngày 16/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp tỉnh Kon Tum lần thứ nhất năm 2024 thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia.
Cũng như nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại trước đây, trong không khí cởi mở, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị với tỉnh các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Trên tinh thần lắng nghe và đồng hành, ngay tại Hội nghị, những nội dung, ý kiến, trao đổi, đề xuất của các doanh nghiệp trong phạm vi, thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh đã được các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và sở, ngành liên quan trả lời, làm rõ.
Có thể nói, các cấp, ngành đang thực sự vào cuộc quyết liệt để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2024. Ảnh: TH
Không chỉ tới Hội nghị này, trong suốt thời gian qua, hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành quan tâm. Minh chứng rõ ràng nhất cho thông điệp đồng hành, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp là việc UBND tỉnh duy trì tổ chức chương trình đối thoại doanh nghiệp 2 lần/năm, “Cà phê doanh nghiệp – doanh nhân” hàng tháng và nhiều buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng đã được UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố giải quyết ngay trong quá trình thực thi công vụ, giải quyết các thủ tục hành chính.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Những động thái này đã thể hiện thiện chí, sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, đã tác động tích cực đến niềm tin của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 190 doanh nghiệp thành lập mới; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên gần 4.400 doanh nghiệp; thu hút được 8 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế và 4 dự án trong địa bàn Khu kinh tế Cửa khẩu và các khu công nghiệp tỉnh Kon Tum.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Kon Tum, hiện dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 15.050 tỷ đồng, chiếm 32,0% tổng dư nợ toàn tỉnh.
Không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ giải quyết khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các hoạt động trao đổi cũng là dịp để chính quyền nhìn lại quá trình điều hành kinh tế – xã hội, đánh giá chất lượng tham mưu của các cơ quan chuyên môn, từ góc nhìn, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
UBND tỉnh duy trì tổ chức Chương trình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân. Ảnh: TH
Có thể thấy, tỉnh ta đã rất nỗ lực trong công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại.
Điều này được phản ánh qua xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Theo đó, mặc dù PCI của tỉnh có tăng nhẹ về điểm số (0,71 điểm) so với năm 2022, nhưng về thứ hạng lại tụt tới 9 bậc.
PCI phản ánh mức độ hài lòng và ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương. Việc PCI không duy trì được “phong độ” phần nào cho thấy, bên cạnh những vướng mắc thuộc về chính phủ, các bộ ngành trung ương, nằm ngoài phạm vi của tỉnh thì vẫn còn những trở ngại thuộc về các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh chưa đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền tỉnh.
Doanh nghiệp làm ăn thuận lợi sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển. Vì vậy, việc tích cực lắng nghe, đồng hành, gỡ khó cho doanh nghiệp sẽ góp phần tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư cũng như khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tích cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thùy Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/lang-nghe-chia-se-va-dong-hanh-42551.html