Kon Plông: Phát triển cà phê xứ lạnh

121

baokontum.com.vn

06/04/2024 13:07

Với mục tiêu và định hướng đúng, huyện Kon Plông đang triển khai thực hiện Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2030 phát triển 2.000,22ha cà phê xứ lạnh, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cà phê theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân.

Cây cà phê xứ lạnh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Kon Plông. Nhiều hộ dân ở các xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), Măng Bút, Măng Cành, Hiếu từng được hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê trồng cà phê xứ lạnh hiệu quả, có cuộc sống ổn định và khá giả. Tuy nhiên, cũng có những hộ hết thời gian hỗ trợ từ Đề án này, không tiếp tục đầu tư chăm sóc, vườn cà phê xuống cấp.

Mới đây, có chuyến đi dọc dài từ xã Măng Bút (Kon Plông) về hướng xã Ngọc Yêu (Tu Mơ Rông), tôi thấy có những vườn cà phê xứ lạnh phát triển tốt, đang phát huy hiệu quả. Ông A Dân – Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút chia sẻ, cà phê xứ lạnh phù hợp đất đai, khí hậu địa phương; nhiều hộ gia đình trồng cà phê xứ lạnh có thu nhập 30-40 triệu đồng/năm từ cà phê.

Vườn cà phê xứ lạnh ở thị trấn Măng Đen phát triển trước đây từng sai quả. Ảnh: V.N

 

Tuy nhiên, cũng phải nói thật rằng, bên cạnh vườn cà phê xứ lạnh phát triển tốt, vẫn còn có những vườn cà phê xứ lạnh cằn cỗi do không được người dân quan tâm đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình. Đối với những vườn cà phê như thế, cần được quan tâm đầu tư phục hồi hay tái canh.

Trao đổi về phát triển cà phê xứ lạnh, ông Huỳnh Xuân Hậu – Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết, thực hiện chủ trương của UBND huyện, UBND xã đang có kế hoạch đến năm 2030 phát triển 142,7ha cà phê xứ lạnh. Đối tượng tham gia là những hộ có diện tích đất từ 0,5ha và những nhóm hộ có diện tích đất liền kề từ 3ha trở lên; có nhận thức, nhân công lao động đảm bảo và biết áp dụng cơ giới vào sản xuất. Riêng năm 2024, xã có kế hoạch trồng mới 20ha cà phê xứ lạnh.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Kon Plông về phát triển cây cà phê xứ lạnh, ngày 18/01/2024, UBND huyện có Quyết định số 49/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện giao Phòng NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện Đề án.

Thống kê trên địa bàn huyện cho thấy, tổng diện tích cà phê hiện có trên địa bàn huyện là 650,22ha, trong đó có 240,45ha cà phê theo Đề án cà phê xứ lạnh được trồng trong những năm trước; hiện có 556,27ha cho thu hoạch.  

Vườn cà phê xứ lạnh ở xã Hiếu. Ảnh: VN

 

Từ kết quả khảo sát thực tế, huyện cho thấy giống cà phê sử dụng trong sản xuất của hộ dân chủ động mua về trồng, chủ yếu là giống cà phê chè Catimor năng suất đạt không cao, khả năng kháng bệnh gỉ sắt, thán thư kém so với những giống cà phê xứ lạnh mới (TN1,TN2,THA1…) được công nhận, khuyến cáo để thay thế dần giống cà phê chè Catimor. Phần lớn diện tích cà phê chè Catimor người dân trồng phát triển tự nhiên, ít được quan tâm chăm sóc, tác động các biện pháp kỹ thuật cơ bản như bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại, vì vậy, năng suất cà phê thấp, phẩm chất khó có khả năng đáp ứng được chế biến và nhu cầu của thị trường tiêu thụ, cần được cải tạo bằng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng trong thời gian đến.

Theo ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích trồng cà phê xứ lạnh 1.318,22ha (trồng mới 668ha, tái canh 60,5ha); nâng cao năng suất trung bình giai đoạn thu hoạch tại các xã, thị trấn ở mức 17-19 tạ nhân/ha. Đồng thời, huyện thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến cà phê; xây dựng ít nhất là 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh trên địa bàn với hạt nhân là các hợp tác xã, doanh nghiệp là trụ cột; xây dựng ít nhất 5 sản phẩm OCOP đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh đã qua chế biến; ít nhất một thương hiệu cho cà phê xứ lạnh mang bản sắc và đặc trưng riêng của xứ sở Măng Đen; triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như cà phê hữu cơ; cà phê 4C và VietGAP theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển vùng sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện đạt hơn 2.000ha; ổn định năng suất ở mức 20-22 tạ nhân/ha. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; nâng cao công suất nhà máy chế biến cà phê, mở rộng quy mô sản xuất chế biến các sản phẩm từ cà phê xứ lạnh; phấn đấu 80% các hộ sản xuất cà phê trên địa bàn huyện tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã; phấn đấu đạt từ 7 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh trở lên đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh.

Với mục tiêu và hướng phát triển cây cà phê xứ lạnh đúng đắn, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị và nhân dân trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian đến, việc phát cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện sẽ góp giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS ở địa phương.      

Văn Nhiên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/kon-plong-phat-trien-ca-phe-xu-lanh-40140.html