Hiệu quả từ một Dự án

10

baokontum.com.vn

Vừa qua, Dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” (gọi tắt là Dự án) đã hỗ trợ kinh phí để các hợp tác xã (HTX) ở vùng sâu vùng xa của tỉnh mua sắm các trang thiết vị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời, nhằm góp phần để các HTX phát huy tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh.

Dự án do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức thực hiện.

Thay vì cách làm truyền thống là hỗ trợ tới từng hộ dân, Dự án chuyển hướng hỗ trợ trực tiếp cho các HTX nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất với giá trị 1 tỷ đồng/1 HTX và thời hạn trả nguồn vốn vay từ 5-10 năm. Từ nguồn vốn vay này, các HTX có kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư nông nghiệp cần thiết, phục vụ cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao.

Năm 2024, trên toàn quốc có 69 HTX điển hình được Dự án hỗ trợ, trong đó, tỉnh Kon Tum có 2 HTX.

Ông Nguyễn Bá Trực- Giám đốc HTX Nông nghiệp- Dịch vụ Minh Quân, trụ sở tại xã Văn Lem (huyện Đăk Tô), 1 trong 2 HTX được Dự án hỗ trợ chia sẻ, hiện nay, HTX có 7 thành viên và 380 hộ dân (có 267 hộ đồng bào DTTS) sinh sống chủ yếu ở huyện Đăk Tô đang hợp tác liên kết sản xuất vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu và cây gia vị quy mô 150ha.

155645H%E1%BB%87%20th%E1%BB%91ng%20c%C3%B4%20%C4%91%E1%BA%B7c%20ch%C3%A2n%20kh%C3%B4ng%20dung%20t%C3%ADch%20200%20l%C3%ADt%20m%C3%A0%20HTX%20N%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20D%E1%BB%8Bch%20v%E1%BB%A5%20Minh%20Qu%C3%A2n%20mua%20s%E1%BA%AFm%20t%E1%BB%AB%20ngu%E1%BB%93n%20v%E1%BB%91n%20vay%20%C6%B0u%20%C4%91%C3%A3i%20c%E1%BB%A7a%20D%E1%BB%B1%20%C3%A1n

Hệ thống cô đặc chân không dung tích 200 lít của HTX Nông nghiệp- Dịch vụ Minh Quân. Ảnh: Đ.T

 

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của đầu tư mua sắm, lắp đặt 1 kho đông trị giá 702 triệu đồng, 1 hệ thống cô đặc chân không dung tích 200 lít trị giá 259,2 triệu đồng, 1 máy phân tích độ ẩm và 1 băng tải 18,45 triệu đồng.

“Những trang thiết bị, máy móc được hỗ trợ từ nguồn vốn của Dự án rất cần thiết đối với HTX chúng tôi. Đây đều là các trang thiết bị, máy móc hiện đại, giúp HTX chủ động trong khâu chế biến và bảo quản nông sản, đáp ứng tốt các đơn hàng thu mua nông sản từ đơn vị đối tác, tạo cơ sở để tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu và giúp các thành viên, người lao động tiếp cận, làm chủ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiến tiến”- ông Trực cho hay.

Theo ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc tham gia của doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ các HTX ở vùng sâu vùng xa mở rộng, phát triển quy mô sản xuất là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Thông qua Dự án, các hộ nghèo dễ dàng được tiếp thu kiến thức kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, các HTX được hỗ trợ phát triển ổn định, bền vững. Qua thực tế triển khai Dự án trên toàn quốc, đến nay, đã có HTX phát triển nhanh, tăng doanh thu và tiến hành thanh toán toàn bộ nguồn vốn vay ưu đãi mà Dự án hỗ trợ.

Người lao động tiếp cận, làm chủ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Ảnh: ĐT

 

Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở đã đề nghị các HTX của tỉnh được Dự án hỗ trợ sử dụng các trang thiết bị, máy móc, vật tư và cây giống hiệu quả, theo đúng mục tiêu của Dự án. Qua đó, giúp tăng lợi nhuận cho HTX, giúp các hộ nông dân nghèo, có hộ dân có hoàn cảnh khó khăn có thêm việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các HTX lên kế hoạch chi tiết việc thu hồi vốn vay để hoàn trả Quỹ Thiện Tâm trong 5 năm và 10 năm tới theo quy định. Đồng thời, đề nghị Quỹ Thiện Tâm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đối với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

Đức Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-mot-du-an-42304.html