baokontum.com.vn
24/03/2024 06:31
Nghị quyết 04 – NQ/HU ngày 11/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà khóa VI về lãnh đạo phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 04) được xem là đòn bẩy xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”. Đúng – trúng – thực tế, Nghị quyết được người dân hưởng ứng và tích cực triển khai. Tuy nhiên, trong hành trình đưa cà phê Đăk Hà vươn ra biển lớn vẫn còn nhiều rào cản.
Đúng – trúng – thực tế
Bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng cho biết, qua những giai đoạn khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, Công ty đã bắt đầu xuất khẩu cà phê nhân từ năm 2009. Đến nay, đơn vị đã có lượng hàng hóa xuất khẩu tại các nước châu Âu và cà phê bột tại Singapore và Trung Quốc.
Dù là đơn vị tư nhân, nhưng bà Tuyết nói rằng, Nghị quyết 04 được xem là đòn bẩy cho quá trình hoạt động của Công ty. Cà phê xuất khẩu, yêu cầu những quy định khắt khe về chất lượng và số lượng. Hiện tại, ngoài việc liên kết với 1 hợp tác xã, tổ hợp tác để cung ứng nguyên liệu chất lượng, đơn vị còn thu mua cà phê từ các hộ dân trên địa bàn.
“Khi huyện triển khai thực hiện Nghị quyết, với việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc, thu hái cà phê, huyện đã giúp người dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học, đồng thời nâng cao nhận thức trong thu hái sản phẩm khi chín. Nhờ đó, mang lại nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng đảm bảo chính là nhân tố hàng đầu để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách về đất đai, huyện đã tạo điều kiện cho công ty thuê hơn 2ha đất để làm sân phơi chất lượng cao, góp phần đảm bảo chất lượng trong sản xuất, chế biến” – bà Tuyết cho hay.
22 năm kể từ ngày thành lập, với diện tích sản xuất hơn 300ha cà phê, Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc giúp cà phê của huyện Đăk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung vươn đến tầm cao mới.
Hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 12.000ha cà phê, trong đó, có 12 cơ sở chế biến cà phê. Ảnh: BA
Với sản lượng thu hoạch từ 1.100-1.300 tấn nhân mỗi năm và 17 sản phẩm chế biến sâu, ông Nguyễn Tri Sáu – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã cho biết, việc sản phẩm cà phê Đăk Hà được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xem như là “tờ giấy khai sinh” cho sản phẩm cà phê Đăk Hà. Bởi lẽ, một sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sẽ góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Và đặc biệt, với Nghị quyết 04, khi huyện thường xuyên liên kết, phối hợp xúc tiến thương mại, đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp cũng như các hợp tác xã quảng bá sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.
Không chỉ có ảnh hưởng tích cực đến các hợp tác xã, các công ty, doanh nghiệp cà phê, Nghị quyết 04 còn là kim chỉ nam cho người dân để phát triển, góp sức khẳng định thương hiệu cà phê Đăk Hà.
Với diện tích 20ha cà phê, bằng những nỗ lực của bản thân cũng như nhờ sự trợ lực từ các cơ quan chức năng, ông Đinh Văn Sỹ, thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà đã chuyển từ việc sản xuất truyền thống sang sản xuất cà phê hữu cơ, bán hữu cơ và tìm được thị trường xuất khẩu thông qua khâu trung gian. Đặc biệt, với sự hướng dẫn kịp thời của các cơ quan chức năng, không chỉ phát triển cá nhân, ông có định hướng thành lập hợp tác xã với khoảng 30 thành viên, mở rộng diện tích lên hơn 100 ha để sản xuất cà phê chất lượng.
Ông Sỹ cho biết, như Nghị quyết đưa ra, chúng tôi hướng đến sản xuất cà phê bán hữu cơ và tiến dần lên sản xuất cà phê hữu cơ. Tất nhiên, ban đầu, mọi việc không dễ dàng. Song, tin rằng, khi được cấp ủy, chính quyền hỗ trợ, phía trước sẽ có nhiều khả quan.
Còn với Công ty Cà phê 731, Nghị quyết 04 được xem là kim chỉ nam cho các hoạt động. Triển khai thực hiện, Công ty tập trung mạnh hơn trong khâu trồng và sản xuất. Với hơn 100ha cà phê mới tái canh, Công ty áp dụng nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc.
“Trên tinh thần Nghị quyết 04, Công ty nói không với thuốc diệt cỏ, quản lý nghiêm ngặt việc hái cà phê xanh. Đặc biệt, với diện tích sắp tái canh trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục chú trọng vào nguồn giống để đảm bảo chất lượng” – ông Phạm Văn Khỏa, Phó giám đốc Công ty Cà phê 731 cho hay.
Từ so sánh thực tế, dễ nhận thấy, trước đây, khi chưa ban hành Nghị quyết 04, sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện chủ yếu xuất bán thô cho các doanh nghiệp ngoài địa bàn huyện. Một số ít doanh nghiệp trong huyện có chế biến sâu, tạo ra một số sản phẩm có giá trị cao, nhưng năng lực sản xuất nhỏ, manh mún, sản phẩm ít đa dạng, thị trường tiêu thụ hẹp chủ yếu trong nội tỉnh; một số ít sản phẩm được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, nhưng với số lượng rất hạn chế.
Ông Hà Tiến – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, Nghị quyết 04 ra đời đã mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê. Theo đó, công tác trồng mới, tái canh cà phê thực hiện theo quy trình kỹ thuật tái canh cà phê vối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc chăm sóc được thực hiện đúng quy trình; phần lớn các hộ nông dân đều sản xuất cà phê theo hướng “bền vững, sạch, an toàn” tuân thủ theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hoặc chứng nhận (4C, RSA và UTZ,…). Qua việc thực hiện Nghị quyết, hiện nay, toàn huyện có 12 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm, với nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng. Huyện cũng có 19 sản phẩm cà phê được các cấp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; trong đó có 1 sản phẩm 5 sao.
Vẫn còn những rào cản
Đúng – trúng- thực tế, Nghị quyết 04 được xem là đòn bẩy góp phần đưa cà phê Đăk Hà vươn ra biển lớn; song, trên hành trình chinh phục thị trường lớn, vẫn còn nhiều rất nhiều rào cản.
Với những quan điểm riêng, ông Nguyễn Tri Sáu – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sáu Nhung hướng đến xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến sâu ra thị trường thế giới, để khẳng định cà phê “made in Việt Nam”. Thế nhưng, hành trình đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế là một câu chuyện dài bởi Hợp tác xã vẫn còn non yếu về nhiều mặt.
Trong đó, rào cản lớn nhất chính là nguồn nhân lực. Theo ông, tinh hoa nằm ở các sản phẩm chế biến sâu. Và để đưa được sản phẩm chế biến sâu đi xuất khẩu, buộc phải có nguồn nhân lực chất lượng, có thể “phá rào”, kết nối được với các thị trường. Hiện nay, Hợp tác xã vẫn tiếp tục sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng thời, chủ động kết nối, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường ngoài nước. “Khi có cơ hội, có tiềm năng và đảm bảo đầy đủ các yếu tố mới có thể hướng đến xuất khẩu bền vững” – ông Sáu nói.
Người dân nâng cao ý thức, không thu hái cà phê khi chưa đạt độ chín. Ảnh: BA
Bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng cũng cho rằng, việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến khó hơn, cạnh tranh hơn. Với gần 15 năm xuất khẩu cà phê, cùng với những thuận lợi, bà nói, đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn.
“So với việc tiêu thụ ở thị trường nội địa, khi xuất khẩu, cần nhiều thời gian để chuẩn bị nguồn hàng. Đôi khi thiếu vốn, doanh nghiệp buộc phải chọn cách tiêu thụ nội địa. Do vậy, như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, dài hạn để có thể phát triển bền vững hơn” – bà Tuyết bày tỏ.
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, người dân cũng gặp những khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để tái canh cà phê theo yêu cầu hoặc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại. Những khó khăn đó phần nào cản trở quá trình thực hiện Nghị quyết.
Đưa cà phê Đăk Hà vươn xa là một câu chuyện dài, để có hồi kết mĩ mãn, ngoài sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự bứt phá của các doanh nghiệp, người dân, rất cần những cơ chế mở, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực và về vốn.
“Từ thực tế và lắng nghe, chúng tôi trăn trở về những khó khăn, rào cản của người dân cũng như của doanh nghiệp. Để tháo gỡ phần nào khó khăn trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn về quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và hướng dẫn doanh nghiệp gửi sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực để tạo được vị thế, thương hiệu cho các sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện” – ông Hà Tiến cho biết.
Trên bước đường ra thị trường quốc tế, cà phê Đăk Hà vẫn đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh quyết liệt. Chỉ khi những rào cản được phá vỡ, những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện mới “nở hoa, đơm quả” như mong đợi.
BÌNH AN
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/de-ca-phe-dak-ha-vuon-ra-bien-lon-39928.html