Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám tham gia 03 ý kiến đối với dự án Luật như sau:
Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của cảnh sát biển quy định tại các Điều 8,9,11 quy định phạm vi hoạt động của cảnh sát biển là trên vùng biển Việt Nam, như vậy là phù hợp, tức là trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt nam gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp vùng kinh tế đặc quyền, ngoài ra còn có vùng biển quốc tế. Trên vùng biển quốc tế, Cảnh sát Biển có quyền truy đuổi và thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, còn pháp luật của Việt nam không áp dụng trên vùng đó.
Mặt khác, Cảnh sát biển là cảnh sát chấp pháp, tức là thực hiện pháp luật của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam. Nhưng tại các điều này theo dự thảo luật khi thì dùng từ “trên vùng biển Việt Nam” khi thì dùng từ “trên biển”, nếu dùng từ “trên biển” thì phải bao gồm cả vùng biển quốc tế, mà trên vùng biển quốc tế Cảnh sát biển chỉ có hai nhiệm vụ là truy đuổi và nhân đạo. Vì vậy, để phù hợp, thống nhất với các quy định có liên quan đề nghị thống nhất dùng từ “trên vùng biển Việt Nam”.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 3 quy định Nhà nước xây dựng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời các nội dung khác của dự thảo luật đã xác định cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển. Trong khi đó nghị quyết, quan điểm của Đảng là xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và quan điểm này của Đảng cũng được thể chế hóa ở Điều 66 của Hiến pháp là từng bước hiện đại, trong đạo luật gốc đã thể chế hóa quan điểm này của Đảng. Mặt khác, Luật An ninh quốc gia cũng quy định xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định này để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, quan điểm của Đảng cũng như Luật An ninh quốc gia.
Thứ ba, đề nghị bổ sung “hành vi bắt giữ, hành vi môi giới hối lộ Cảnh sát biển” vào các quy định tại Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, vì trên thực tế có hiện tượng có hiện tượng các đối tượng vi phạm pháp luật bắt giữ cảnh sát biển trái phép, ngoài hành vi hối lộ còn thực hiện hành vi môi giới hối lộ Cảnh sát biển./.
Tống Quang Vinh (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)