Về “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh, đắm say với thác vờn mây trời

1239
Đến với Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), du khách sẽ được hòa mình và đắm chìm vào những thác nước vô cùng thơ mộng, hùng vỹ, đây cũng là vùng đất được du khách trong và ngoài nước biết đến là “thủ phủ” của cây sâm Ngọc Linh nổi tiếng…

 

Vùng đất của những thác nước hùng vĩ

Nói đến huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) thì nghe có vẻ xa lạ với nhiều người, nhưng khi nhắc tới “thủ phủ” sâm Ngọc Linh thì có thể gợi nhớ nhiều ký ức.

Chúng tôi đến Tu Mơ Rông với một tâm thế như thế, nhưng tất cả lại vỡ òa vì một điều khác… đó chính là phong cảnh, là đất trời nơi đây. Một vẻ đẹp hoang sơ đến huyền ảo với những đồi núi trùng trùng điệp điệp, ẩn hiển trong đó là rất nhiều thác nước vô cùng hùng vỹ.

Nằm ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, chính vì vậy, vùng đất này được trời phú cho thiên nhiên những dãy núi đồi uốn lượn, thời tiết quanh năm mát lạnh. Không những vậy, cứ mỗi sáng sớm, du khách đứng trên đỉnh đèo Măng Rơi có thể ngắm nhìn với những tầng mây trắng bồng bềnh vắt mình trên những sườn đồi, khe suối…

Về
Thác nước Siu Puông hùng vỹ. (Ảnh: Ban Nguyễn).

Đến với Tu Mơ Rông, du khách sẽ được hòa mình và đắm chìm vào những thác nước vô cùng thơ mộng, hùng vỹ, có thể kể đến như: Thác đa tầng Tea Prông (nằm giữa ranh giới xã Tê Xăng và xã Tu Mơ Rông), thác Y Hai, thác Siu Puông-Y Pia…

Đặc biệt hơn, vùng đất Tu Mơ Rông có đỉnh Ngọc Linh cao 2.500m. Là ngọn núi nằm trải dài trên dãy Trường Sơn và nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh: Kon Tum – Quảng Nam – Quảng Ngãi. Với vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí và vô cùng hiểm trở là điều kiện lý tưởng để những du khách khám phá và chinh phục đỉnh Ngọc Linh hùng vỹ.

Về
Huyện Tu Mơ Rông nổi tiếng với nhiều thác nước hoang sơ và hùng vỹ.

Có thể nói, Tu Mơ Rông là vùng đất định cư lâu đời của người dân tộc Xơ Đăng. Chính vì vậy, khi đến với Tu Mơ Rông, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, con người giàu lòng mến khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Khó ai có thể không lưu luyến khi đặt chân đến vùng đất Tu Mơ Rông và được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng, như: Thịt gà nấu sâm dây Ngọc Linh, thịt trâu gác bếp, cá suối nấu trong ống tre… Hay chẳng hạn, trong buổi chiều tối lành lạnh, màn sương bao phủ cả núi rừng, khe suối, du khách sẽ được ngà ngà trong hơi men của rượu sâm Ngọc Linh, rượu cần đồng bào Xơ Đăng.

Về
Du khách sẽ rất thích thú với những tầng mây bồng bềnh, vắt vẻo sắp các sườn đồi, khe núi.

Vùng đất của sâm Ngọc Linh

Dãy Ngọc Linh hùng vỹ, quanh năm sương mù và mưa lạnh. Nơi có độ che phủ rừng tự nhiên rất lớn của huyện Tu Mơ Rông. Chính vì vậy, đây là điều kiện tốt và vô cùng lý tưởng cho các loại dược liệu quý hiếm phát triển.

Năm 1970, dược sĩ Đào Kim Long, lúc bấy giờ là giảng viên Đại học Dược Hà Nội cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc quý cho người dân và bộ đội.

Về
Huấn luyện viên Park Hang Seo trong một lần vào tham quan khu vực trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Đến năm 1973, ông cùng đoàn đã phát hiện cây sâm đầu tiên trên đỉnh Ngọc Linh. Sau khi đưa về nghiên cứu thì thật bất ngờ, cây sâm Ngọc Linh có đến 52 hợp chất Sapoin. Tuy nhiên, đến những năm 90 của thế kỷ trước, thấy được công dụng rất lớn của sâm Ngọc Linh nên loài sâm quý này đã bị khai thác quá mức và có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thấy được tầm quan trọng, các ngành chức năng tỉnh Kon Tum bắt đầu lên phương án và cơ chế để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh quý hiếm này. Lúc bấy giờ, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô là 2 đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, nuôi cấy và phát triển loài dược liệu quý hiếm này. Đánh dấu cho sự “hồi sinh” của Sâm Ngọc Linh cho đến tận bây giờ.

Về
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu mơ Rông (bên phải) giới thiệu sâm Ngọc Linh cho du khách.

Đến nay, diện tích sâm Ngọc Linh được trồng trên dãy Ngọc Linh được phát triển trên 1.700ha và cung cấp giống cho bà con bản địa cùng hợp tác và trồng. Chính cách làm đúng đắn và có chiến lược, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng trăm người dân bản địa Tu Mơ Rông. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.

Qua hơn 20 năm bảo tồn, phát triển vùng trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, nhiều sản phẩm chất lượng của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh lần lượt ra đời và đã đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có thể kể đến như: Rượu Sâm Ngọc Linh K5, trà lá Sâm Ngọc Linh, dịch chiết từ Sâm Ngọc Linh, nước tăng lực Sâm Ngọc Linh K5…

Những ngày đầu năm mới Quý Mão, huyện Tu Mơ Rông tổ chức Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2. Đây là hoạt động nhằm quảng bá về cây sâm Ngọc Linh và các dược liệu quý đến du khách, nhân dân và các nhà đầu tư. Qua hoạt động này, cũng là để giới thiệu hình ảnh về một vùng đất Tu Mơ Rông với cảnh quan thiên nhiên mê hoặc, bí ẩn, giàu lòng mến khách của người dân bản địa đến bạn bè trong và ngoài nước.

Về
Tu Mơ rông là vùng đất định cư lâu đời và giàu bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, đường sá đang được đầu tư mở rộng và nâng cấp để kết nối thuận lợi hơn với các vùng đồng bằng, duyên hải như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Lãnh đạo và người dân huyện Tu Mơ Rông kì vọng một ngày không xa nữa, vùng đất được xem là “thủ phủ” của “Quốc bảo Việt Nam” sẽ trở mình mạnh mẽ và “điền tên” mình lên bản đồ du lịch của khu vực Tây Nguyên.

Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, chia sẻ: “Để đưa huyện Tu Mơ Rông tiếp tục phát triển mạnh mẽ và “điền tên” mình lên bản đồ du lịch của vùng Tây Nguyên, huyện Tu Mơ Rông đã xác định quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với phát triển du lịch là trục xoay để phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Để làm được việc này, huyện đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm của cán bộ, đảng viên và người dân để thực hiện mục tiêu trên. Đồng thời, huyện đã và đang rà soát, điều chỉnh đề án phát triển du lịch, có sự tham khảo của các cơ quan quản lý du lịch, các Hiệp hội du lịch và đơn vị lữ hành thông qua Hội thảo và xúc tiến làm việc trực tiếp để hoàn thiện. Lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo tổ xúc tiến du lịch hoạt động mạnh hơn, tăng cường học tập các mô hình du lịch phù hợp với địa phương để xây dựng lối đi riêng để thu hút khách du lịch đến với huyện”.

“Trước mắt, huyện tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ và cộng đồng làm du lịch thông qua mô hình liên kết với hợp tác xã, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch với phương châm giữ gìn và phát huy bản sắc của người Xơ Đăng, phát huy loại hình du lịch trải nghiệm thiên nhiên hùng vỹ, trải nghiệm vườn dược liệu quý”, ông Mạnh bộc bạch.

Về
Tu Mơ Rông được thiên nhiên ban tặng với những đồi núi trùng trùng điệp điệp, khí hậu mát mẻ.

Với những lợi thế mà huyện Tu Mơ Rông có được thì còn đó nhiều khó khăn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành. Cụ thể, khó lớn nhất vẫn là việc quy hoạch vùng ATK khá lớn, bao trùm các xã có lợi thế về dược liệu và thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử… Qua đó, cần được các cấp, các ngành xem xét khoanh vùng để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối du lịch giữa các vùng có tiềm năng du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hoàn thiện, thu hút du khách đến và trải nghiệm chưa đồng bộ và đã xuống cấp trầm trọng, cần được nâng cấp, mở rộng.

Với tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo huyện Tu Mơ Rộng, cùng với lợi thế về điều kiện thiên nhiên ban tặng, hy vọng một ngày không xa, vùng đất được xem là “thủ phủ” của “Quốc bảo” Việt Nam sớm trở mình mạnh mẽ và “điền tên” mình lên bản đồ du lịch vùng Tây Nguyên.

Trần Nghĩa
https://laodongthudo.vn/ve-thu-phu-cua-sam-ngoc-linh-dam-say-voi-thac-von-may-troi-154417.html