Từ “Lễ hội Pháo hoa quốc tế” đến thương hiệu du lịch địa phương

447

Những năm gần đây, khi nhắc đến thành phố xinh đẹp bên sông Hàn, người ta nhắc đến cầu xoay sông Hàn, Bà Nà Hills, phố cổ Hội An,… và không thể không nhắc đến Lễ hội Pháo hoa quốc tế (Danang International Fireworks Competition-DIFC) được tổ chức vào khoảng cuối tháng 4 hàng năm. Năm nay, với chủ đề “Tình yêu sông Hàn”, một lần nữa Lễ hội pháo hoa quốc tế chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của mình, trở thành thương hiệu du lịch độc đáo, ấn tượng làm nên tên tuổi cho thành phố bên sông Hàn. Từ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc, Đà Nẵng đặt ra cho nhiều địa phương câu hỏi“Làm thế nào để xây dựng thương hiệu du lịch thành công?”. Và câu hỏi đó chỉ được trả lời khí mọi việc xuất phát từ khâu chuẩn bị nhân lực, cho đến kế hoạch, tổ chức và truyền thông. 

9.5.2 Lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng

 

Thương hiệu là chìa khóa vàng cho du lịch

 

Với những đặc trưng vốn có của mình, Thành phố Đà Nẵng nhanh chóng phát huy sức hấp dẫn về du lịch biển, sinh thái, văn hóa,…và ngày càng được biết đến như là một đô thị trẻ năng động, sáng tạo, hiếu khách. Những năm gần đây, du khách tìm đến Đà Nẵng nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhờ Lễ hội pháo hoa quốc tế. Khởi đầu vào năm 2008, Lễ hội pháo hoa quốc tế lấy chủ đề là Vũ điệu Tiên Sa, rồi Âm vang sông Hàn – năm 2009, Huyền thoại sông Hàn – năm 2010, Lung linh sông Hàn – năm 2011, Sắc màu Đà Nẵng – năm 2012. Năm 2013, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng với chủ đề “Tình yêu sông Hàn” đã quy tụ 5 đội: Ý, Nhật Bản, Nga, Mỹ và Việt Nam cống hiến cho khán giả những màn pháo hoa tuyệt đẹp từ các thiết bị và công nghệ hiện đại nhất thế giới.Mặc dù những ngày Lễ hội đã qua song thành phố bên sông Hàn vẫn còn dư âm phảng phất không khí tưng bừng, náo nhiệt như chính nhịp sống nơi đây, và du khách vẫn còn nhắc nhiều đến sự kiện này. Từ việc tổ chức thành công Lễ hội Pháo hoa Quốc tế 6 năm liên tiếp, buộc chúng ta phải công nhận sự kiện này là một thương hiệu du lịch có sức hút rất lớn, gây dựng hình ảnh Đà Nẵng thân thiện, năng động trong mắt khách du lịch. Lễ hội pháo hoa quốc tế đã trở thành “thương hiệu du lịch”, là một điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

 

Hiểu một cách đơn giản thì thương hiệu du lịch giúp du khách nhận ra những đặc điểm nổi bật khi xác định đi du lịch tại một địa phương, khiến du khách lựa chọn nhanh chóng và phù hợp với nhu cầu của mình. Thương hiệu giúp quá trình quản lý du lịch thêm gắn kết chặt chẽ dựa trên hệ thống đánh giá và cảm nhận của khách hàng, đồng thời là phương tiện định hướng hành vi của các nhà kinh doanh du lịch. Một thương du lịch được ví như chiếc chìa khóa nhằm cung cấp các thông tin chủ yếu cho biết nơi đó, địa điểm đó nổi bật như thế nào? Đồng thời, khi thương hiệu được xây dựng đúng đắn sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm thực tế của du khách. Theo các nhà nghiên cứu về du lịch thì: “Một điểm thu hút khách du lịch là một nơi cần được quan tâm, nơi khách du lịch đến để tham quan, thông thường là các triển lãm văn hóa giá trị vốn có của nó, mang ý nghĩa lịch sử, hoặc được xây dựng trên vẻ đẹp tự nhiên hoặc có các cơ hội vui chơi giải trí”.

 

Sự cần thiết xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum

 

Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi, có khu du lịch sinh thái Măng Đen – nơi được xem là Đà Lạt thứ hai, bên cạnh đó Kon Tum cũng có tầng văn hóa dày dặn được bồi đắp qua nhiều thế hế bởi các dân tộc bản địa. Với tiềm năng du lịch lớn, nếu du lịch Kon Tum không được quy hoạch, định hướng để xây dựng thương hiệu thì sẽ dẫn đến khai thác bừa bãi không đúng trọng tâm, lãng phí nguồn tài nguyên, hoặc du lịch phát triển nhỏ lẻ, chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng. Thời gian gần đây, du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế có ý nghĩa quan trọng, khai thác lợi thế tài nguyên du lịch là vấn đề đã nhận được sự đồng thuận của các cấp các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, Kon Tum đã có các chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, tạo nên được hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ, phương tiện vận tải, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

 

9.5.3 Lễ Kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum

 

Thực tế cho thấy, lượng khách quốc tế và nội địa đến Kon Tum đã không ngừng tăng nhanh, nhất là sau khi tỉnh tổ chức một loạt các chương trình lớn như: Lễ đón nhận di sản văn hóa cồng chiêng, Lễ kỹ niệm 100 năm thành lập Kon Tum, Ngày hội văn hóa các dân tộc Kon Tum… Mục đích của việc xây dựng thương hiệu du lịch là tạo trọng tâm, đưa ra hình ảnh thích hợp, tạo tính hấp dẫn, chất chứa những nội dung trung thực về du lịch địa phương. Nhắc đến Huế người ta sẽ nhớ đến Festival Huế, nhắc đến Đà Lạt là Festival hoa, Sapa là Chợ tình,… Mỗi thương hiệu du lịch đều được xây dựng dựa trên tiềm lực thực tế, thế mạnh riêng biệt của địa phương đó. Xây dựng thương hiệu du lịch không chỉ phân biệt các hướng du lịch khác nhau mà còn để phục vụ du khách với sảm phẩm du lịch tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Nên thương hiệu du lịch mạnh sẽ tạo ra một bản sắc độc đáo, ấn tượng sâu sắc cho cho địa phương và con người, dẫn đến thúc đẩy nền kinh tế.

 

Thương hiệu du lịch – ngôi nhà không thể xây một sớm một chiều…

 

Tiềm năng du lịch dồi dào đã là điều kiện cần để xây dựng thương hiệu du lịch, nhưng điều kiện đủ còn là sự hội tụ của các mặt nhân lực, chính sách, tuyên truyền… Đó là một quá trình được thực hiện đồng bộ, phối hợp nhị nhàng với nhau trong từng giai đoạn và từn mảng cụ thể để cùng đi đến cái kết là một thương hiệu được tạo dựng. Việc Kon Tum có được một thương hiệu du lịch mang tầm cỡ, không phải là chuyện dễ dàng, càng không chuyện một sớm một chiều, mà phải bắt đầu từ một kế hoạch với những bước đi chi tiết, cụ thể.

 

Trước hết, cần chuyển hướng từ phát triển du lịch Kon Tum trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh làm mục tiêu phát triển. Cái đích cuối cùng cần đạt là: Kon Tum trở thành một điểm đến hấp dẫn, dịch vụ tốt, an toàn, tin cậy, đáng để nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm. Ngoài việc chú trọng du lịch nghỉ dưỡng ở Khu du lịch Măng Đen, cần tập trung phát triển các sản phẩm mới dựa vào những thế mạnh như du lịch sinh thái ở các làng dân tộc bản địa. Cũng cần chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng vì hiện nay du khách rất mệt mỏi khi di chuyển từ trung tâm thành phố lên các bản làng xa xôi, hẻo lánh nên cần thiết xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi. Vấn đề quản lý điểm đến, thực sự an toàn, có độ tin cậy, chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chất lượng nguồn nhân lực, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề này. Một vấn đề quan trọng nữa là xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch. Chúng ta đã có Măng Đen với điều kiện khí hậu tuyệt vời hội tụ đủ những yếu tố nổi bật về sự khác biệt, giá trị cảnh quan, đa dạng sinh thái, văn hoá độc đáo, có khả năng định vị trong cảm xúc và trí nhớ của khách du lịch. Cần dựa vào đó để xây dựng và định vị thương hiệu cho du lịch với sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng, kỹ năng và có đầu tư. Về lâu dài, tỉnh cần thiết phát triển đa dạng hóa các hình thái du lịch, ngoài sản phẩm nghỉ dưỡng còn phải có du lịch sinh thái, du lịch công vụ, du lịch văn hoá, du lịch sự kiện,…

 

Một khi thương hiệu du lịch Kon Tum được xây dựng thành công sẽ tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong tỉnh, làm thay đổi diện mạo đô thị. Không những vậy, thương hiệu du lịch còn góp phần biến Kon Tum trở thành điểm hội tụ giao thoa, là nơi gặp gỡ và tổ chức nhiều sự kiện trong nước với quốc tế./.

 

Hà Oanh

Đi đến nguồn bài viết