Trồng Dâu Tây ở Kon Plông

589

 

Gia đình anh Lê Văn Tú đến định cư ở Khu dân cư mới Thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, Huyện Kon Plông vào đầu năm 2013 thì tháng 5 năm này, đã lấy giống từ Đà Lạt, trồng Dâu Tây. Đất mới khai hoang, nhưng đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc tốt nên vườn Dâu Tây cho thu hái đều đặn.. “Quả dâu được bán tươi, ngâm rượu, hay làm mứt bước đầu đều tiêu thụ được tại địa bàn.”- Vợ anh Tú  chia sẻ.

05 02 2015 1 1 dulich Dâu Tây phát triển tốt ở Măng Đen, Kon Plông

  

Đầu tư vào Măng Đen từ năm 2010, đầu năm 2014, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiện Mỹ đến từ thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng diện tích Dâu Tây. Ban đầu, chỉ nhân giống từ  Dâu Tây Đà Lạt, thấy kết quả khả quan, nên cách đây hơn 4 tháng, bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ- Giám đốc Công ty TNHH Thiện Mỹ Kon Tum  đã mạnh dạn đầu tư trồng 1000 m2 giống Dâu Tây của Nhật theo mô hình nhà lồng. Bước đầu, Dâu Tây giống Nhật đã cho lứa quả đầu tiên, được gửi bán tại một số siêu thị cao cấp của Nhật tại Tp Hồ Chí Minh với giá gấp mấy lần giống dâu bình thường.Bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ cho biết: “Gắn với đầu tư trồng dâu tây, doanh nghiệp chúng tôi đã bước đầu tổ chức cho khách du lịch tham quan mô hình này. Đến đây, du khách được trải nghiệm thực tế thăm vườn, tìm hiểu về quy trình trồng Dâu Tây sạch, được thưởng thức quả dâu miễn phí. Chỉ khi khách mua sản phẩm, chúng tôi mới tính tiền. Bước đầu, mô hình đã thu hút được khá đông du khách đến tham quan.”

 

05 02 2015 1 2 dulich

Trồng Dâu Tây trong nhà lồng hiệu quả cao

 

 Cây Dâu Tây thích hợp với khí hậu ôn đới, có nguồn gốc từ Châu Mỹ, được đưa vào canh tác ở châu Âu vào nửa cuối thế kỷ 18. Dâu Tây được người Pháp đưa tới Đà Lạt từ thập niên 40 của thế kỷ 20. Quả Dâu Tây màu đỏ, mềm, vị ngọt chua thanh, thơm mát, giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa thích. Là vùng có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, tương đồng với Đà Lạt, nên Dâu Tây đã được chọn đưa vào trồng tại Kon Plông.

 

Kết quả thử nghiệm thành công đã mở ra hướng đầu tư ổn định và lâu dài cho loại cây ăn quả đặc trưng này của xứ sở ngàn thông. Tuy vậy, trồng và chăm sóc Dâu Tây đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nhất định, nên bước đầu, ở Măng Đen, mới chỉ có Công ty Thiện Mỹ và một số hộ dân trồng với diện tích hạn hẹp. Sau thời gian khởi động, Dự án phát triển rau, hoa xứ lạnh Huyện Kon Plông hứa hẹn chuyển động tích cực trong năm 2015 sẽ là điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Đầu tư phát triển đúng hướng cây Dâu Tây tại địa bàn huyện Kon Plông không chỉ giúp tăng thu nhập cho người sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng ở vùng du lịch sinh thái Măng đen, mà còn góp phần bổ sung vào diện tích và sản lượng loại quả, ngay ở Đà Lạt là vùng có lợi thế vẫn hạn chế về diện tích và chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước vào những tháng nghịch vụ mùa mưa./.

 

Bài, ảnh:Thanh Như

Đi đến nguồn bài viết