Trái cây Pi-lêo và gia vị trong ẩm thực của người Xê Đăng

683

Ẩm thực trong đời sống của người đồng bào dân tộc Kon Tum rất đa dạng và phong phú. Ngoài thịt nướng, cơm lam ra,.. thì gia vị cho bữa ăn cũng khá quan trọng và độc đáo. Ngày trước, khi các buôn làng còn thiếu thốn về muối, họ có thể dùng rễ Tranh để có vị mặn, gốc cây Đót có thể làm vị ngọt, măng làm đồ muối chua, ớt cay giúp họ ăn ngon hơn, v.v.. Còn khi lên nương rẫy họ dùng một loại trái cây (người Xê Đăng gọi là Pi-lêo, còn người Bahnar gọi là play-chơ-mây) theo họ nó giúp giải khát và tránh mệt mỏi. Một lần đi công tác tại xã Đắk Long – huyện Kon Plông tôi cũng đã được thưởng thức hương vị rất lạ của loại trái này.

8.1.2015.1%20ttdl Trái cây Pi-lêo

 

Trái cây Pi-lêo có vị chua nhẹ khi cắn vào, sau đó nhai thì có vị chát và nuốt vào ta cảm thấy vị ngọt mát, trái có mùi thơm đặc trưng kéo dài hàng giờ lưu trong cổ sau khi ăn. Loại cây này cũng rất độc đáo ở chỗ chỉ ra trái vào mùa khô, khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 trong năm, những con vật thông minh (đười ươi, khỉ, heo rừng,…) và cả những loài thú lớn như nai, mang.. thường hay ăn trái cây này, giúp chúng đỡ khát dưới cái nắng gay gắt của Tây Nguyên. Bởi vậy có một số cây lâu năm, con người thường tìm thấy răng nanh của heo rừng bị gãy và găm vào thân cây, vì chúng thường hay húc vào thân cây để trái rơi xuống.

 

Trước kia, khi đi săn họ không có lưới như bây giờ, chỉ dùng những vũ khí thô sơ tự tạo, nên việc đi săn chủ yếu là tìm vết và lần theo con thú. Quan niệm của những người đồng bào dân tộc khi đi săn, nếu gặp được cây Pi-lêo trong rừng thì đó là dấu hiệu của sự may mắn và xác xuất gặp được thú lớn rất cao. Bởi vì con thú chắc chắn sẽ tìm đến để ăn trái cây này, nên họ chỉ cần dừng chân gần thân cây này đặt bẫy hoặc họ cũng sẽ theo dấu chân và phân của con vật để lần ra nơi ẩn trốn của chúng. Có thể vì như vậy nên khi săn được một con thú vào mùa này, khi mổ ra ta dễ dàng thấy trái Pi-lêo vẫn còn nằm trong dạ dày của động vật. Và họ không đổ đi mà thường để nguyên dạ dày của con vật nấu lên, sau đó nêm muối, bột ngọt cho vừa miệng là có thể ăn ngay, món đặc biệt này còn gọi là “đắng”. Thợ săn nào mà có món đặc trưng này thì đó là một điều hãnh diện, chỉ có khách quý mới được đem ra mời, tuy rằng ăn món “đắng” này không dễ chút nào, nó có thể ám vào mũi thực khách cả tuần liền mà vẫn không hết mùi.

 

8.1.2015.2%20ttdl Hạt tiêu rừng

 

Người dân địa phương thường mang theo trái cây Pi-lêo khi đi làm trên nương rẫy và dùng như để giải khát. Trước khi uống nước, họ thường nhai một trái, nước sẽ có vị ngọt nhẹ, vị và hương thơm của nó có thể kéo dài hàng giờ liền trong cổ, nó như đang đánh lừa vị giác của con người, ăn trái cây vào rồi thì ta uống nước lúc nào cũng cảm thấy ngọt và mát.

 

Sản vật núi rừng vùng cực Bắc Tây Nguyên luôn đem lại muôn vàn sự mới mẻ, con người cũng đã tận dụng rất tài tình những gì thiên nhiên ban tặng, đâu đó nơi đây vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều điều thú vị mà đến cả cá nhân tôi sống và làm việc lâu năm ở Kon Tum lúc nào cũng cảm thấy lạ lẫm.

 

Thế Phiệt

Đi đến nguồn bài viết