Thuyền độc mộc là một trong những loại phương tiện dùng để đi lại trên sông và đánh bắt thủy sản từ lâu đời của của đồng bào các DTTS khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Tuy nhiên, vẻ độc đáo gắn liền với đời sống, bản sắc văn hóa của loại phương tiện này không phải ai cũng biết, còn với những người tâm huyết thì lại đau đau với nỗi lo mai một…
Thuyền độc mộc ở Kon Tum – Ảnh minh họa |
Độc đáo thuyền độc mộc
Đúng như tên gọi của nó, thuyền độc mộc được làm từ một cây gỗ lớn, qua bàn tay gia công khéo léo của những người thợ nó trở thành loại phương tiện dùng để lưu thông và đánh bắt cá của người dân các làng đồng bào DTTS sống ven sông. Không ai biết, thuyền độc mộc có từ khi nào, nhưng nó đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân địa phương.
Già làng A Wer (làng Kon Rờ Bàng I, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) kể rằng: Ngày trước khi hệ thống đường xá, cầu treo chưa phát triển, các loại phương tiện chuyên chở hàng hóa cũng ít nên thuyền độc mộc đóng một vai trò rất quan trọng để chở người, nông sản qua sông, cũng như dùng để đánh bắt cá trên các dòng sông. Thuyền độc mộc trong tiếng Ba Na gọi là Flũng, chỉ có loại thuyền này mới có thể đi được trên các dòng sông ở miền núi thường hẹp và dốc, nhiều gềnh, đáy có nhiều đá, chịu được sức va đập mạnh. Gỗ được dùng làm thuyền thường là các loại Sa Ché (Sao xanh), gỗ lim, gỗ Breng, nhưng tốt nhất là được loại gỗ Hơmal vì loại cây này khi còn tươi gỗ khá mềm và dễ đẽo, nhưng khi khô lại rất dai và chắc, chịu nước tốt nên làm thuyền rất bền.
Ngày xưa, để đẽo được một chiếc thuyền độc mộc, phải có một nhóm thợ từ 5 – 7 người là các thanh niên có sức khỏe, có tay nghề lặn lội vào tận rừng sâu, tìm các cây gỗ lớn có tuổi đời 30 – 40 năm, chiều dài cả chục mét, thân cây to cỡ vài người ôm để đốn hạ. Sau khi tìm được cây gỗ ưng ý, người thợ mới dùng các loại rìu, đục để khoét lòng thuyền cho sâu, đẽo mũi thuyền cho thon gọn, bào nhẵn cả mặt trong lẫn mặt ngoài, tất cả các công đoạn phải mất vài tuần mới hoàn thành. Để tạo ra một chiếc thuyền độc mộc đi lại trên sông đòi hỏi người thợ đẽo thuyền phải rất tỉ mỉ, tinh tường và biết tính toán đảm bảo con thuyền phải cân đối từ phần thân thuyền đến mũi thuyền, hai bên mạn thuyền, đáy thuyền để khi xuống nước không bị nghiêng, lật. Mỗi con thuyền cũng chính là một công trình, một tác phẩm nghệ thuật mà mỗi người thợ là một nghệ sĩ đã dồn nhiều tâm huyết và cả thổi hồn đam mê vào đó. Sau khi chiếc thuyền được hoàn thành và hạ thủy, chủ nhà phải làm một cái lễ tạ ơn, trong đó bắt buộc phải có 1 con gà và 1 ghè rượu để cúng Giàng, khi cúng dùng tiết của con gà, một chút rượu tưới lên thuyền để tạ ơn Giàng và cầu mong cho chiếc thuyền được bền, vượt qua mọi sóng to, nước lớn và hôm đó cũng là ngày để trả công cho những người thợ đã tạo ra con thuyền …
Trước đây, theo quan niệm của người dân các làng đồng bào DTTS, nhà nào có con thuyền lớn chứng tỏ gia đình đó khá giả, có của ăn, của để; nhà nghèo hơn thì chỉ đẽo được thuyền nhỏ. Việc chèo thuyền độc mộc cũng không hề đơn giản, người lái phải vững tay chèo nhất là khi đi trên các đoạn sông có dòng nước chảy mạnh, xoáy, nhiều gềnh đá, rất dễ bị lật. Vì thế, ngày trước, trong gia đình, chỉ có chủ nhà và con trai cả là những người có sức khỏe, có kinh nghiệm đi sông nước mới được chèo thuyền. Thông thường, điều khiển một chiếc thuyền độc mộc có 2 người, người trước dùng tay chèo để lái cho thuyền đi đúng hướng và người sau dùng cây sào bằng thân lồ ô để đẩy thuyền đi nhanh hơn.
Cũng theo già làng A Wer từ ngày xưa để tôn vinh loại phương tiện này và tạo mỗi giao lưu, tăng tình đoàn kết; người dân các làng sống ven sông Đăk Bla (thành phố Kon Tum) đã tổ chức các hội đua thuyền. Mỗi làng sẽ chọn ra những thanh niên khỏe mạnh, giỏi chèo thuyền để thi đấu với nhau. Ngày nay, Lễ hội đua thuyền độc mộc vẫn tiếp tục được tỉnh Kon Tum tổ chức và thường diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng vừa để lưu giữ một nét đẹp truyền thống, vừa để tạo không khí tưng bừng, vui vẻ đầu xuân.
Chòng chành nỗi lo mai một
Trước đây, hầu như các gia đình sống ven sông đều có một chiếc thuyền để đi sang ruộng rẫy hoặc qua làng này, làng khác cho thuận tiện, rồi lúc nông nhàn lại tranh thủ kiếm thêm con tôm, con cá cải thiện bữa cơm gia đình. Trên địa bàn thành phố Kon Tum, hiện nay, một số làng sống bên bờ sông Đăk Bla của các xã: Đăk Rơ Wa, Ia Chim, Ngọc Bay…nhiều người dân vẫn còn sử dụng loại phương tiện này. Những bến thuyền bình yên vẫn nhộn nhịp đưa người đi làm lúc buổi sớm và đón người về lúc xế chiều với ngô, khoai, mì đầy ắp các khoang thuyền. Tuy nhiên, số lượng thuyền độc mộc bây giờ đã ít đi nhiều và hầu hết các thuyền đều đã khá cũ kỹ. Tại một số địa phương có nhiều sông ngòi như: Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Rẫy…loại phương tiện này ngày càng trở nên vắng bóng. Nhiều người già tỏ ra băn khoăn, lo lắng, lớp trẻ lớn lên liệu có còn biết đến những con thuyền độc mộc mảnh mai, duyên dáng đã gắn bó bao đời với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người đồng bào DTTS nữa không!?
Đứng trên bến thuyền độc mộc của làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), dù rất tự hào về cái bến thuyền khá lớn của làng, nhưng già A Đăng cũng không dấu nỗi buồn lo. Già A Đăng chia sẻ: So với nhiều làng đồng bào DTTS, người dân làng Kon Jơ Dri vẫn còn giữ được khá thuyền độc mộc, buổi chiều, bến thuyền của làng vẫn tấp nập đón các con thuyền về neo đậu. Nhưng so với ngày xưa thì số lượng thuyền đã giảm đi nhiều lắm rồi, cả làng giờ chỉ còn chừng 50 – 60 chiếc thôi mà đều đã đóng cách đây 4 – 5 năm cả rồi. Một số con thuyền bị hỏng, người ta phải vá lại bằng những miếng kẽm, nhiều nhà đã chuyển sang dùng loại thuyền tôn, thuyền máy, tuy có tiện lợi hơn nhưng nó khi vượt nước lớn, vượt ghềnh thì không sánh được thuyền độc mộc. Tuy nhiên, bây giờ, việc đóng thuyền độc mộc gặp rất khó khăn. Các cánh rừng với những cây gỗ lớn mấy vòng tay người ôm đâu còn nữa, nguyên liệu để làm thuyền ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, lớp người biết đóng thuyền như già thì giờ không còn đủ sức để cầm nổi chiêc rìu, chiếc rựa nữa chứ nói gì đến việc đục đẽo cả cây gỗ lớn, đám thanh niên trai tráng trong làng không đứa nào chịu học nghề này, già lo rằng cứ thế này thì thuyền độc mộc rồi đây sẽ chỉ còn là hoài niệm mất thôi.
Chia tay già A Đăng, ngoái nhìn bến đò làng Kon Jơ Dri, tôi thầm nghĩ, không biết, một ngày nào đó quay lại, liệu tôi còn được thấy những những con thuyền độc mộc nhỏ nhắn đang nằm dài trên bến chờ đợi chở người qua sông như bây giờ. Việc bảo tồn, gìn giữ loại phương tiện độc đáo gắn liền với những nét đẹp văn hóa, truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có lẽ là một bài toán không hề đơn giản với các địa phương./.
A Lê Khăm