Đức Huỳnh bỏ việc, sau đó dành ra một tháng lương và 23 ngày để đi xuyên Việt, thực hiện ước mơ từ thời còn đi học.
Khi còn nhỏ, Nguyễn Đức Huỳnh (23 tuổi, Đồng Nai) nghĩ rằng Việt Nam có duy nhất bãi biển Vũng Tàu. Sau này khi đi học, tiếp xúc môn địa lý, anh mới hiểu rằng trên bản đồ còn nhiều bãi biển khác. Từ đó, Huỳnh luôn nhen nhóm nguyện vọng khám phá khắp Việt Nam. Điều đó đã trở thành hiện thực khi Huỳnh thực hiện chuyến xuyên Việt trong mùa hè vừa rồi, sau khi dốc hết can đảm để nghỉ công việc lương 10 triệu đồng một tháng, đem lại cho mình thu nhập chính.
Huỳnh chụp tại Bình Thuận, một trong những điểm đến đầu tiên của hành trình xuyên Việt.
Trước đây Huỳnh là nhân viên ngành nội thất. Anh quyết định nghỉ việc vì muốn có thời gian đi xuyên Việt, sau đó chuyển sang làm quay và dựng phim. Khi ra quyết định này, anh lo lắng về tương lai, tự hỏi bản thân rất nhiều lần giữa hai suy nghĩ: “Tiếp tục làm việc lương 10 triệu đồng mà không thực sự yêu thích” hay “Xuyên Việt một mình xong thì về nộp CV cho việc yêu thích nhưng lương thấp hơn”. Cuối cùng, anh vẫn chọn nghỉ việc để làm việc mình thích, chấp nhận bỏ đi cuộc sống đang ổn định để đẩy bản thân vào thử thách mới, song có thời gian để thực hiện ước mơ từ thời đi học. “Mình may mắn khi bố mẹ tôn trọng quyết định này”, Huỳnh chia sẻ về sự ủng hộ của gia đình.
Hành trình diễn ra trong 23 ngày, chặng đầu tiên từ Đồng Nai đến Bình Thuận, 90 km với nhiều hecta đất trồng thanh long. Từ một cậu bé chỉ biết duy nhất biển Vũng Tàu, Huỳnh thấy mở mang tầm mắt dần khi đi qua vịnh Vĩnh Hy ở Ninh Thuận. Những ngày đầu chưa quen với thời tiết nóng của miền Trung, nhiều lúc Huỳnh thấy khá choáng và mất sức do sốc nhiệt.
Anh tiếp tục tới Khánh Hoà và Phú Yên, Quảng Ngãi, vượt đèo Cả, một trong những cung đèo dài nhất Việt Nam. Đến Hội An (Quảng Nam), chàng trai lần đầu thử quán Mót vì đã xem review trên mạng, ăn thử món cao lầu nhưng không hợp khẩu vị. Đến Đà Nẵng, anh mong chờ xem cầu Rồng phun lửa nhưng trời mưa, và mọi người đi đông quá nên với bản tính của một người hướng nội, Huỳnh quyết định chạy xe lại về Hội An để nghỉ ngơi, sáng hôm sau quay lại đi bán đảo Sơn Trà.
Huỳnh thích cảm giác một mình chạy xe trên đường vắng, được bao bọc bởi thiên nhiên.
Vượt đèo Hải Vân để tới Huế, khí hậu và cảnh quan bắt đầu thay đổi. Anh bất ngờ trước nét đẹp cổ kính của cố đô, sau đó tới Quảng Trị và viếng thăm Thánh địa La Vang. Tại Quảng Trị, chàng trai yêu lịch sử cũng tới cầu Hiền Lương để tự mình cảm nhận những gì học trong sách vở. Tới Quảng Bình, lần đầu nghe giọng nói của người dân nơi đây, Huỳnh thấy có gì đó rất đặc trưng, thật thà, chất phác khiến anh ấn tượng hơn các vùng khác và nhớ tới giờ.
Giống các chàng trai khác, mê đá bóng, Huỳnh tới Nghệ An để thăm câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An mà mình luôn theo dõi, rồi tới Cửa Lò, sau đó về Thanh Hoá để nghỉ ngơi. Đến Ninh Bình, anh choáng ngợp trước vẻ đẹp của Hang Múa và các núi đá vôi. Lần đầu tới chùa Bái Đính, anh bất ngờ bởi quy mô rộng lớn.
Ninh Bình cũng là nơi anh ấn tượng nhất Việt Nam. “Mình bị nhịp sống ở đây lôi cuốn. Khung cảnh đẹp nên thơ, đặc biệt khi nhìn từ đỉnh núi. Thấy rõ những ngôi nhà và con người bé tẹo đang làm việc dưới cánh đồng bao la mà mỗi khi được nghe kể lại mình vẫn luôn hình dung được trong đầu. Người dân thì thân thiện, nở nụ cười trên môi ngay cả khi làm việc cực nhọc”, anh mô tả.
Ngày tiếp theo, anh đi một lèo đến Quảng Ninh, tham qua cầu Bãi Cháy và thành phố Hạ Long. Các điểm tiếp theo của những ngày sau là Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Anh yêu cung đường của vùng núi Đông Bắc, cảm thấy nghẹn lòng và chạm đến tim khi nhìn người dân vẫn làm ruộng khi trời mưa lớn, hay dâng trào cảm xúc khi được tận mắt ngắm những ruộng bậc thang hùng vĩ, nín thở đi đèo Khau Cốc Chà 14 tầng… Cảm xúc vỡ oà nhất là khi tới được cực Bắc của Tổ quốc – cột cờ Lũng Cú. Huỳnh hạnh phúc khi ước mơ khám phá một dọc Việt Nam thành hiện thực.
Khoảnh khắc chạm tay vào lá cờ Lũng Cú.
Hà Giang cũng là điểm anh đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Những đồi núi xanh tưoi, hùng vĩ khiến anh rung động, đã không ít lần phải “hét lên sung sướng” khi chỉ có một mình trên đường. Anh thích nhìn trẻ con ở Hà Giang, ánh mắt trìu mến, luôn cười tươi và nói cảm ơn khi được cho quà. “Lũ trẻ hay cười khi mình cất lời chào, có lẽ do nghe giọng miền Nam thấy lạ”, anh nói.
Chuyến xuyên Việt chưa dừng lại ở đó, anh tiếp tục di chuyển về Hà Nội, ấn tượng nhất với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hồ Tây. Sau đó, lại theo cung đường về lại Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, và rẽ qua Tây Nguyên, đi Kon Tum để khám phá Măng Đen, sau đó là Pleiku, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt (Lâm Đồng). Trở về Đồng Nai, kết thúc chuyến đi.
Đi dọc Bắc – Nam, Huỳnh cảm nhận rõ sự thay đổi văn hóa. Anh thấy người Bắc tinh tế và sâu sắc trong lời nói. Anh thích giọng Bắc, “chuẩn và dễ thương”, thích tìm tòi về văn hóa miền Bắc, tìm hiểu những phong tục tập quán lâu đời. Người miền Trung thì nhẹ nhàng, lại cần cù chịu khó, hơi nóng tính và hà khắc nhưng lại rất thật thà, luôn âm thầm quan tâm người khác. “Người miền Trung có nóng tính cũng là khí hậu quá khắc nghiệt, nhưng lại không để bụng, chóng quên”, anh nhận định. Người miền Nam thì thoải mái, dễ gần và phóng khoáng. Do vị trí địa lý thuận lợi là nơi giao thoa nhiều nền kinh tế với nhau, nên văn hóa khu vực này cũng phong phú, pha trộn độc đáo.
Leo núi Chứa Chan, Đồng Nai.
Hành trình không chỉ có màu hồng. Việc di chuyển khá nhiều khiến cơ thể Huỳnh không kịp hồi thể lực, khi tới Hà Nội bị sốc nhiệt dưới nền 36 độ C. Một số khó khăn khác là bị hỏng đèn pha, leo đèo trong đêm do lạc đường ở Bình Định. Bị cận nên lúc leo đèo ở Hà Giang không nhìn thấy đường khi trời tối, lại mưa to.
Anh ước tính chuyến đi mất khoảng 10,7 triệu đồng, coi như mất một tháng lương. Anh đánh giá chi phí hợp lý và rẻ, do không mất những khoản tiền phát sinh như xì lốp xe, hay bỏ tiền mua vé đi các điểm nổi tiếng, ăn uống cũng không nhiều. Chuyến đi chủ yếu để ngắm cảnh đẹp.
Ngoài ước mơ thành hiện thực, anh cũng nhận được nhiều thứ như được tự do sống trong thế giới mà mình từng nghĩ đến, dù chẳng làm đúng những gì trong kế hoạch đã ghi chú ra. Ngoài ra, Huỳnh được kết bạn với nhiều người, tự mình ghi lại được những trải nghiệm qua hình ảnh. Hiện tại, sau chuyến xuyên Việt, Huỳnh thấy cuộc sống vui và hạnh phúc, suy nghĩ cởi mở và tự tin hơn trong giao tiếp. Trong tương lai, anh sẽ đi cả trong và ngoài Việt Nam, ngoài ra cũng làm công việc mình yêu thích dù lương có thấp hơn để vừa có tiền du lịch, vừa cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Trung NghĩaẢnh: NVCC
Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/thoat-khoi-vung-an-toan-di-xuyen-viet-23-ngay-4503994.html