Thác nước – điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá mảnh đất Bắc Tây Nguyên

1752

4.8.2018.dnkt1
Thác Pa Sỹ ở Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen

Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen được biết đến với truyền thuyết “bảy hồ, ba thác”. Chuyện xưa kể, từ thuở rất xa, có một vị thần tối thượng ở trên cao, trị vì cả một vùng đất trời rộng lớn. Phóng nhãn tinh nhìn xuống, thấy một nơi không gian thoáng đãng, đẹp tươi; đất đai rộng rãi, mỡ màu; Thần phái 7 người con trai cường tráng, siêng năng xuống lập làng, lập thân, nên duyên cùng 7 cô gái địa phương, rồi sinh con đẻ cái; gia đình vui vầy, sung túc. Thần tối thượng phong cho 7 con trai làm 7 vị Thần cai quản và 7 con dâu thì hoá thân làm “thần hộ mệnh”, chăn dắt các loài động vật như hươu, nai, heo, cá… giúp ích cho con người. Đấng tối cao cũng ban lệnh, các con trai suốt đời không được ăn thịt những con vật mà vợ mình đã được hoá thân. Một lần, nhân dịp lễ hội, vì các Thần mải vui, “quá chén” nên chỉ trừ một người, 6 thần anh em đều quên lời cấm kỵ mà  ăn luôn thịt con vật  linh thiêng vợ mình đã hoá thân. Đấng tối cao nổi trận lôi đình, làm giông tố, sấm chớp, làm thành những cột lửa dữ dội; sau này để lại trên mặt đất 7 hồ nước long lanh và 3 thác nước kỳ vĩ.

Thác Pa Sỹ, một trong 3 ngọn thác trong truyền thuyết – là điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái, văn hóa thác Pa Sỹ, thuộc địa bàn làng Tu Rằng xã Măng Cành.Pa Sỹ là tiếng được đọc chệch từ tên gốc “Pau Suh” của đồng bào Mơ Nâm, nghĩa là “3 nguồn suối chụm lại 1 dòng”. Từ điểm đầu khu du lịch sinh thái này vào thác Pa Sỹ, có hai đường. Đường chính là lối đi ngoằn nghoèo theo các bậc tam cấp bằng đá men theo vách núi. Một đường khác được mở từ điểm đầu khu du lịch ôm theo vòng đồi phía bên phải cổng chính.Hai cung đường tuy nhỏ nhưng như hai cánh tay vững chãi, ôm lấy vùng núi non hoang sơ, hiểm trở, cùng dẫn về một thung lũng nhỏ. Từ đây nhìn lên, là thác Pa sỹ ngày đêm tuôn chảy.Dòng nước trắng xóa như suối tóc của nàng tiên chưa rõ dung nhan, vóc dáng từ trên cao. Khu vực chân thác chính là điểm đến cuốn hút bao bước chân du khách tới tận nơi chiêm ngắm, thưởng lãm.

Kể từ khi được khai trương vào tháng 3/2014, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng Kon Tum đến nay, mỗi năm, thác Pa Sỹ và điểm du lịch mang tên mình đã đón hàng chục ngàn lượt du khách gần xa và đồng bào địa phương đến tham quan.Cùng với điểm nhấn thác Pa Sỹ, khu vực vườn tượng và các dịch vụ du lịch từng bước được hình thành, phát triển; góp phần tạo nên một quần thể du dịch sinh thái hấp dẫn. Không chỉ nổi tiếng với thác Pa Sỹ, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen còn được biết đến với thác Đăk Ke, nằm trong khu vực rừng nguyên sinh cách hồ Đăk Ke không xa và thác Lô Ba cách trung tâm huyện lỵ Kon Plông hơn 2,5 cây số bước đầu cũng được đầu tư hạ tầng, phục vụ du khách.

4.8.2018.dnkt2

Thác Khỉ ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Chấm phá trong bức tranh du lịch tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), nơi nổi tiếng đa dạng sinh học của tỉnh Kon Tum, có những thác nước cuốn hút giữa rừng núi hoang sơ, như thác Bảy tầng, thác Khỉ, thác Nàng tiên…Thác Khỉ ở độ cao 700m là ngọn thác được gọi thành tên bởi ngày trước, đồng bào địa phương thường bắt gặp những đàn khỉ tụ tập về uống nước, tắm rửa, vui chơi đùa giỡn… Khi Vườn Quốc gia được xây dựng thành điểm đến trong hành trình khám phá mảnh đất Bắc Tây Nguyên, thác Khỉ đã trở thành nơi dừng chân thú vị của du khách. Mùa khô, nước từ trên cao chảy xuống thành hai dòng thanh mảnh. Mùa mưa lũ, nước tràn qua những tầng đá cao thấp thành một dòng thác lớn.

Ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, có một thác nước còn ít người biết tới, nhưng rất đẹp và thơ mộng. Từ điểm đầu trên tuyến đường 677 thuộc địa bàn xã Đăk Ruồng qua xã Đăk T’Lung đến làng Kon Đó đầu xã Đăk Kôi, để vào thác, phải lội qua suối và băng qua những vùng rẫy thấp, đồi cao. Mọi người thường gọi thác này là Đăk Kôi (Nước Kôi), nhưng bà con ở đây còn gọi là Đăk Jrông, hay là nước “Truông”. Tiếng Xê đăng, “Truông” có nghĩa là “Con đường”. Sở dĩ gọi là nước “Truông” vì nhìn từ chân thác lên trên phía đỉnh, dòng nước trắng bạc dài như hình một con đường. Khảo sát sơ bộ, thác Đăk Jrông cao gần 100m, nằm giữa vùng núi non thâm u, hoang vắng, chảy qua địa hình đá tảng kết cấu phức tạp nên tạo thành cảnh quan lạ mắt, hấp dẫn. Dưới chân thác là bãi đá dài khoảng 50m được chia thành 7 bậc, mỗi bậc tạo hình như những dòng suối nhỏ.

4.8.2018.dnkt3

Thác Đăk Jrông ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy

Đường vào thác không dễ dàng nên ngày trước, chỉ có những người dân làm rẫy xa mới đến đây nghỉ chân hay tắm mát. Gần đây, nơi này đã được cán bộ, nhân dân, học sinh trên địa bàn huyện Kon Rẫy tìm đến trong những chuyến dã ngoại, tham quan nhân dịp kỷ niệm lễ, tết. Vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của Đăk Jrông thực sự để lại ấn tượng trong lòng mọi người.

 Trong chuyến “về nguồn” vào xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), thác Đăk Dơn đã thu hút sự chú ý của những vị khách từ nơi xa. Chảy từ độ cao trên 100m, Đăk Dơn không kỳ vĩ, hoành tráng, mà mang dáng vẻ hiền hòa rất riêng. Nằm gần Khu di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ tỉnh ủy Kon Tum, thác Đăk Dơn đã được ghi tên vào hành trình tham quan và trải nghiệm cùng mảnh đất, con người Măng Ri qua điểm đến lịch sử vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến và những ruộng bậc thang yên bình, vườn sâm Ngọc Linh xa hút… chỉ riêng vùng dưới chân núi Ngọc Linh mới có.

Tỉnh Kon Tum với địa hình đặc thù, điều kiện tự nhiên ưu đãi và giàu bản sắc văn hóa, truyền thống, còn những thác nước đang chờ được ghi tên vào bản đồ điểm đến trong hành trình khám phá thiên nhiên tươi đẹp, gần gũi với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; góp phần làm nên sức hấp dẫn  du lịch sinh thái trong định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương./.

                                                                                      Bài, ảnh: Nghĩa Hà

Đi đến nguồn bài viết