Sắc màu những “đốm lửa” tháng mười

607

 

16.10.2

 

Hoa không có vẻ yếu đuối như hoa Phượng, không gợi vẻ mong manh như hoa Bằng Lăng, cũng không rơi rụng tơi tả trên lối đi như hoa Muồng Hoàng Yến mà căng tràn sức sống như cô gái tuổi hai mươi. Người đi ngoài đường thỉnh thoảng thắc mắc, loài hoa nào mà đẹp thế nhỉ? Và nó xuất hiện ở phố núi Kon Tum tự bao giờ? Sau này tôi mới biết đó chính là cây Hồng Kỳ. Người ta gọi tên nó như thế vì nhìn hoa của nó lúc nào cũng thẳng đứng ngước lên bầu trời, những cánh hoa phất phơ trước gió như những lá cờ đỏ thắm tung bay kiêu hãnh. Hoa còn có tên khác là Sò Đo Cam, Chuông Đỏ, Hoàng Đế, Đỉnh Phượng Hoàng,… Mỗi cái tên đều gợi vẻ cao sang, kiêu hãnh như chính những cánh hoa này. Tôi thích cái tên hoa Chuông Đỏ, bởi ngắm từng bông hoa đang chúm chím nở, cũng giống như chiếc chuông tí hon, rất đáng yêu.

 

16.10.3 

 

Hoa Chuông Đỏ có nguồn gốc ở rừng mưa ẩm nhiệt đới miền Tây Châu Phi, hoa dạng như hoa Tu-lip nên có tên tiếng Anh là African tulip-tree (cây hoa tu-lip Châu Phi), tràng hoa dạng chuông nên tên khoa học của nó là Spathodea campanulata (campanulata có nghĩa là dạng cái chuông). Tìm hiểu về hoa Chuông Đỏ, tôi biết loài hoa này đã được để ý và trồng làm cây cảnh từ đầu thế kỷ 20 ở phương Tây, sau đó phát triển dần ở nhiều nước Châu Á và Thái Bình Dương nhưng mãi đến năm 1998 mới được nhập về Việt Nam, và đầu tiên trồng là ở Đà Lạt. Mùa hoa kéo dài khá lâu, từ tháng 10 cho đến tháng 2, tháng 3 năm sau, hoa đẹp mà lại lâu tàn, và không dễ rụng. Ngoài việc tạo bóng, tôn tạo cảnh quan, nhiều bộ phận của cây còn có khả năng trị bệnh. Ở quê hương Tây Phi của mình, hoa Chuông Đỏ được sử dụng trong nền y học truyền thống từ lâu với tác dụng riêng biệt: vỏ cây chữa lành vết thương và vết bỏng, lá được xem là chất kháng khuẩn phổ rộng, kể cả chống bệnh sốt rét, gỗ của cây được dùng làm bột giấy.

 

 16.10.4

 

Khi những bông hoa Chuông Đỏ đầu tiên xuất hiện trong thành phố, tôi không mấy thiện cảm. Có lẽ bởi tôi đã trót lòng yêu hoa Muồng Hoàng Yến kiêu sa, hoa Bằng Lăng dịu dàng, hoa Đỗ Mai duyên dáng và trong kí ức bé thơ của tôi, chỉ những màu hoa đấy mới tạo nên hình ảnh của phố núi mờ sương thơ mộng. Rồi những mùa thu đến và những mùa thu đi qua, hoa Chuông Đỏ thầm lặng cháy hết mình, tỏa ra cái sức sống bền bỉ dai dẳng qua nhiều tháng năm, đến lúc hoa Chuông đỏ lọt vào kí ức. Để rồi khi nhìn lại người ta nhận ra Chuông Đỏ đã nằm trong một phần kí ức đẹp tuyệt mỗi sớm mùa thu. Khi đông sang, cảnh vật xơ xác, người ta lại nhung nhớ luyến tiếc, thẫn thờ trước hàng cây nay đã phủ xanh lá cành. 

 

 16.10.5

 

Ai đó đi ngang đường, cũng dễ bị cuốn hút mắt nhìn vào những chùm hoa Chuông đỏ rực rỡ, như muốn thiêu đốt cả một mùa thu ảm đạm, xanh xao, úa tàn. Và rồi từ đây, trong kí ức lớp học trò Kon Tum, ngoài sự rực rỡ của hoa Phượng, vẻ đáng yêu của Muồng Hoàng yến, vẻ mong manh của Bằng Lăng, còn có sự kiêu hãnh của Hồng Kỳ. Mỗi màu thu qua đi, những đốm lửa cam ấy lại cháy bùng lên, gợi bao kỉ niệm…

 

Hà Oanh

Đi đến nguồn bài viết