Sắc hoa trên phố núi Kon Tum

579

[Tin Kon Tum] – Ai đã từng một lần đặt chân đến Kon Tum, khi đi xa lại nhớ về phố núi, là nhớ hương rượu cần nồng nàn, nhớ nét thổ cẩm sắc sảo, nhớ vị gỏi lá độc đáo, và người ta nhớ về… vẻ rạng rỡ, kiêu sa của hoa Muồng hoàng yến tháng Tư. Hoa chỉ nở trong vòng một tháng, nhưng cũng đủ làm no say nỗi nhớ, thỏa mãn những đôi mắt nhìn yêu thích loài hoa tuyệt đẹp này. Có thể điểm qua những con đường ngập sắc hoa vàng như: Bà Triệu, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Huệ,… Đứng trên đỉnh dốc, thả mắt nhìn xuống là 2 hàng hoa Muồng hoàng yến rực rỡ, sóng đôi nhau, như hai dải lụa đang còn vương nắng. Trước đây, Muồng hoàng yến mọc hoang rất nhiều trên những cánh rừng hoang, mỗi khi tháng Tư gõ cửa, sắc hoa vàng kiêu sa lại bừng nở, chấm phá nét rực rỡ dưới tán rừng già xanh rì, xen lẫn giữa những ngôi nhà sàn xinh đẹp. Rồi bằng vẻ đẹp của mình Muồng hoàng yến dần được hiện diện trên phố thị, tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố nhỏ xinh. Cây có tán rộng, mọc nhanh, không cao quá và có rễ ngang, bám chắc nên Muồng hoàng yến rất được quan tâm, chú ý để phát triển nhiều hơn nữa làm cây cảnh quan, cây đường phố.

Hình ảnh có liên quan

Hoàng yến có tên khoa học là: Cassia fistula, thuộc phân họ Vang của họ Đậu, còn có tên là Muồng hoàng hậu, Hoa lồng đèn, Bò cạp nước, Bò cạp vàng, Osaka, Mai dây, Cây xuân muộn, Mai nở muộn. Loài hoa này có nguồn gốc ở miền nam châu Á, từ Pakistan kéo dài về phía đông qua Ấn Độ tới Đông Nam Á và về phía nam tới Sri Lanka. Ở Việt Nam, Muồng hoàng yến  mọc trong các rừng thưa ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.  Cụm hoa lớn, nhiều hoa nhưng thưa, cánh hoa hình bầu dục mặt ngoài phủ lông mượt, với 5 cánh hoa màu vàng tươi có hình bầu dục rộng, bao phấn phủ lông tơ ngắn. Quanh năm cây rủ bóng xanh mướt, đến tháng ba hàng năm bắt đầu trút lá, còn trơ trọi lại những nhánh cây khẳng khiu. Rồi từ thân cây đâm ra những chồi hoa dài từ 20 đến 40cm xõa xuống, từ từ khoe sắc rực rỡ… Khi những cành hoa Muồng hoàng yến đầu tiên tại phố núi bung nở, bánh xe của mỗi người đi đường dường như chậm lại, chậm lại…để thỏa mắt nhìn loài hoa đẹp đẽ này. Trong đó, cũng không thiếu bóng dáng những cô cậu học trò, rủ nhau đứng dưới tán cây, chụp ảnh ghi lại những kỉ niệm sâu sắc. Tôi chẳng nhớ đã bao lần dừng xe, đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn Muồng hoàng yến đang bung nở từng chum đong đưa. Tôi chỉ nhớ rằng lần đầu tiên nhìn thấy những cánh vàng mỏng manh, kiêu sa tôi đã nguyện lòng mình trao yêu thương và nhớ nhung cho Muồng hoàng yến. Để rồi mỗi khi tháng Ba sang, mỗi khi cây trút hết toàn bộ lá xanh, trơ trọi lại cành cây gân guốc, khẳng khiu, lòng tôi lại dâng lên sự bồi hồi khó tả…Tôi ngóng chờ, đợi mong từ chùm hoa tí xíu, dài ra, lớn dần lên, và bung nở rạo rực.

Muồng hoàng yến không chỉ là loài hoa được yêu thích ở Việt Nam mà còn được xem là quốc hoa của Thái Lan và tại đây được gọi là Dok khuen hoặc Atchaphruek, với màu vàng  tượng trưng cho hoàng gia Thái. Tại Lễ hội hoa năm 2006, Royal Flora Ratchaphruek được đặt tên theo loài cây này. Còn tại Ấn Độ, Muồng hoàng yến được gọi là Kanikkonna là hoa tượng trưng cho bang Kerala tại Ấn Độ. Hoa Muồng hoàng yến có tầm quan trọng lễ nghi trong lễ hội Vishu, được đem lên thờ trong lễ hội và còn được in lên con tem 20 rupi.

Tháng Tư chạm ngõ phố núi nhỏ yêu, tôi lang thang trên dốc Bà Triệu, hẻm Nguyễn Trãi, rồi qua đường Nguyễn Huệ, sang Lê Hồng Phong…Tôi say sưa với nỗi nhớ của lòng mình, thả cho hồn miên man theo những cánh hoa Hoàng yến. Để rồi, khi mùa hoa đến độ tàn phai, cánh hoa rơi rắc vương đầy lối nhỏ, tôi nghe lòng mình vương vấn nỗi buồn man mác, tiếc nuối cái vẻ đẹp kiêu sa, mỏng manh. Tôi sẽ giữ cho riêng mình từng chùm hoa Hoàng yên tháng Tư, trong tim vẹn nguyên, yêu kiều.

Hà Oanh