“Rừng ma” đã hết mộ treo?

679

 

12012011hoai02150206421

Những ngôi mộ treo trước đây.

Trước khi lên Đăk Long để được tận mắt nhìn thấy những ngôi mộ treo, tôi đã sục vào internet để tìm hiểu các hình thức táng trên thế giới và được biết có mấy loại cơ bản: Một là chôn xuống đất hoặc dìm xuống nước để cơ thể người chết tự phân hủy. Hai là cho động vật ăn thịt. Ba là dùng lửa để hóa cơ thể người chết. Như vậy tục táng treo của người Giẻ Triêng ở Đăk Long không thuộc nhóm nào kể trên. Người chết được đặt trong quan tài chắc chắn rồi treo lên cây. Hình thức này từa tựa kiểu “huyền quan táng” (cho người chết vào quan tài gỗ rồi treo lên vách núi đá) hoặc “động táng” (cho người chết vào quan tài gỗ rồi đặt trong hang núi) của bộ tộc Dogona châu Phi hay người Bặc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Trung úy Phạm Xuân Hùng, Đội trưởng đội trinh sát Đồn Biên phòng Đăk Long phăm phăm cắt rừng dẫn tôi tới khu “rừng ma”. Hùng mới ra trường, về đồn mới được mấy năm nên cũng giống tôi, tức là chỉ nghe nói về một khu rừng có những ngôi mộ treo của người Giẻ Triêng thôi chứ chưa một lần nhìn thấy. Khu rừng toàn le rậm rịt cùng vô số muỗi vắt vo ve cũng không ngăn được quyết tâm khám phá của chúng tôi. Trước khi đến Rừng Ma, tôi và Hùng đã khẩn khoản nhờ một người đàn ông Giẻ Triêng dẫn đường, nhưng chỉ mới nghe nói đến hai tiếng “rừng ma” mặt mày người đàn ông đã tái dại. Ông lập bập nói không ra hơi: “Ôi… mình sợ lắm! Mình không dám vô đó đâu. Vô đó con ma nó bắt mình mất thôi…”. Vậy là tôi và Hùng đành phải mò mẫm. Hùng dùng hết nghiệp vụ trinh sát ra cắt hướng và phán đoán. Còn tôi dùng hết ngũ quan để mò tìm. Khu rừng ẩm ướt âm u rờn rợn có một sức cuốn hút tôi kỳ lạ. 

 

12012011hoai03150353921

 

Và ngôi mộ hiện nay.

Đêm trước, sau khi ngồi hỏi chuyện các già làng về nguồn gốc tục lệ táng treo, chúng tôi kéo đến nhà ông A Nhôm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long. Tôi thử hỏi: “Nghe nói bây giờ dân làng Vai Trang vẫn còn tục táng treo?”, ông A Nhôm trợn mắt quát lên: “Ai nói với chúng mày thế? Bỏ lâu rồi. Nhà báo hay viết bậy lắm. Không thèm nói chuyện nữa!”. Nét mặt A Nhôm phừng phừng tức giận khiến tôi phải xin lỗi mãi và giải thích rằng, tôi chỉ muốn tìm hiểu tục lệ này dưới góc độ văn hóa thôi, chứ không có ý nào khác. Cuối cùng ông A Nhôm đã nguôi giận. Ông cho biết, tục táng treo nơi đây thực ra mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn tâm linh. Từ ngôi mộ treo đầu tiên xuất phát bởi lòng tôn kính vị thủ lĩnh lập làng Vai Trang cho đến nay đã có cả hàng trăm mộ treo nhưng người chết hoàn toàn không phải là một già làng hay một nghệ nhân tài giỏi, mà đơn giản chỉ là… những người giàu! Theo lời ông A Nhôm thì chỉ có những nhà giàu mới đủ điều kiện để tổ chức táng treo cho người chết. Chỉ có những người giàu mới đủ tiền mua những cây gỗ quý to bằng cả mấy vòng ôm rồi thuê người đục đẽo chạm trổ thành hình những con thú lớn. Chỉ có những người giàu mới đủ tiền mua mấy con trâu ngả ra đãi cả làng ăn uống linh đình cả tháng trời…

Trung tá Hoàng Văn Bằng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long cũng khẳng định như thế. Anh cho biết, hơn chục năm về trước, khi những bài báo phản ánh tục lệ táng treo ở đây, Đồn Biên phòng Đăk Long đã tiến hành tìm hiểu rất kỹ chuyện này. Bởi đây là một vấn đề văn hóa hết sức nhạy cảm. Phải hiểu rõ bản chất của vấn đề mới có thể giải quyết một cách hợp tình hợp lý. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau cần phải được tôn trọng. Những ứng xử thô bạo sẽ mang lại những hậu quả khôn lường. Khu “rừng ma” của làng Vai Trang nằm ngay cạnh đường vào xã Đăk Long nên xét về góc độ vệ sinh môi trường thì tục táng treo không thể chấp nhận được. Nó sẽ là mối nguy cơ lớn cho những trận dịch kinh hoàng có thể giết chết nhiều người, thậm chí cả một làng.

 

Sau nửa ngày cắt ngang cắt dọc khoảng rừng le rậm rạp, chúng tôi đã không tìm được những chiếc quan tài treo lơ lửng nơi rừng rậm, mà chỉ gặp rải rác những đồ tùy táng như ghè, xoong, dao, nỏ… đã bị đập vỡ, bẻ cong bên cạnh dấu tích những chiếc quan tài đã không còn hình thù. Theo lời ông A Nhôm thì từ khi Bộ đội Biên phòng cùng xã Đăk Long vận động, bà con không treo quan tài trên cây nữa. Những ngôi mộ treo cũ đã theo thời gian mà mục nát. Năm ngoái cả “rừng ma” chỉ còn 11 cái quan tài treo, nhưng vụ cháy rừng vừa rồi đã thiêu hết cả.

 

Vụ cháy rừng vô tình đã tác động rất mạnh đến suy nghĩ của những người vẫn nặng lòng với tục táng treo. Bởi thế nên trong “rừng ma” bây giờ chúng tôi đã gặp những ngôi mộ mới với nấm đất vun cao, mái lợp tôn thấp thoáng dưới tán lá rừng. Cứ nhìn vào kích cỡ những ngôi nhà mồ có thể đoán được hoàn cảnh gia chủ. Phần lớn những ngôi mộ là chôn trực tiếp xuống đất như cách “địa táng” phổ biến của người Kinh. Một vài nhà khá giả thì xây mộ như một hầm ngầm bằng xi măng trong lòng đất rồi treo quan tài lửng lơ trong đó và đậy kín bằng nắp bê tông. Thi thoảng chúng tôi bắt gặp những ngôi mộ đã xây sẵn, hầm bê tông vuông vức, mái lợp tôn rất đẹp. Như vậy là tục táng treo của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum xét về mặt bản chất là vẫn tồn tại nhưng đã biến thái sang một hình thức “hợp thời” hơn.

 

Bài và ảnh: Đỗ Tiến Thụy

Theo QĐND

Đi đến nguồn bài viết