Phố cổ Kon Tum, rằng mai có nhớ

480

Lần đầu đến với Kon Tum, tôi không khỏi ngỡ ngàng với một thành phố trên Cao Nguyên lại mang dáng dấp của một đô thị đồng bằng, nằm trong một thung lũng bằng phẳng, lại có dòng sông Đăk Bla hiền hòa uốn lượn, ôm gọn vào lòng thành phố nhỏ bé với nét đẹp dịu dàng, không xô bồ ồn ào như những trung tâm đô thị khác. Mặc dù theo xu thế phát triển của xã hội, kiến trúc nhà cửa đã thay đổi rất nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra nét hoài cổ vẫn còn phảng phất đâu đó ở một góc phố, con đường… Bị lôi cuốn bởi điều này, tôi đã lần tìm từng trang tài liệu và được biết, nơi đây sau bao thăng trầm lịch sử, từ những cuộc di dân từ nhiều miền đất khác nhau của  các dân tộc anh em đã tìm đến nơi này sinh sống. Khi người Kinh lên đây định cư, Kon Tum từ đó trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc và đã hình thành lên một khu phố cổ nhất Tây Nguyên.

3.5.22 3.5.23 Những ngôi nhà cổ bên góc đường Hồ Tùng Mậu, TP. Kon Tum.

Việc các giáo sĩ phương Tây tìm đến Làng Hồ (Kon Tum) để truyền đạo mà không chọn Đà Lạt, Ban Mê Thuột hay Pleiku là do có những lý do lịch sử của nó, dù rằng những vùng đất kia thuận lợi về nhiều mặt hơn vùng Kon Tum lúc đó: địa lý, kinh tế, văn hóa. Vì dưới triều Minh Mạng (1820 – 1840), nhà Nguyễn đã ra chỉ dụ “Bình Tây sát tả”. Để tránh bị tàn sát hoặc trục xuất. Từ năm 1846, Thầy sáu Do (sau này được tấn phong linh mục) đã vâng mạng Giám mục Stéphan Cuénot thuộc giáo phận Qui Nhơn đi về hướng Tây, chọn Kon Tum bởi lúc này là vùng hoàn toàn biệt lập, không chịu ảnh hưởng của nhà Nguyễn. 

Kon Tum lúc đó rất hoang sơ, hẻo lánh. Chỉ có người Ba Na, Xê Đăng, Ja Rai… định cư. Nguyễn Do đã chọn nơi này là nơi dừng chân, thực hiện mục đích di dân, xây dựng nền móng Ki Tô giáo lên miền rừng núi Tây Nguyên. Ông đã ghi lại trong nhật ký: “chưa có làng xóm người Kinh nào xuất hiện tại đây. Chỉ có vài nhóm người lẻ tẻ từ vùng An Lũy (sau này đổi tên thành An Khê) vượt núi mang theo muối, kim chỉ để đổi lấy da thú rừng, sa nhân…”. Những người lái buôn chỉ lưu lại đây vài ngày, đổi được hàng thì về xuôi, không dám ở lại lâu.

 

Quá trình truyền giáo ở Kon Tum của linh mục Do phát triển mạnh trong vòng 40 năm (1846 – 1885). Hầu hết các làng Ba Na dọc hai bờ sông Đăk Bla đã vào đạo như làng KonRờBàng, KonM’nai, ChưHreng …Năm 1885, để tiện việc chăm sóc giáo dân, Nguyễn Do tập hợp một số làng nhỏ dọc bờ Nam sông Đăk Bla lập làng PleiRơhai. Đây là đơn vị hành chính theo chế độ định cư đầu tiên để sau này cùng với những làng khác lập nên phố Kon Tum.

 

3.5.24 Đình làng Trung Lương cạnh đường Phan Đình Phùng, TP. Kon Tum.

 

Năm Ất Dậu (1885) khi Đồng Khánh lên ngôi vua đã kịp thời ra đạo dụ lập đạo Kon Tum với vị quản đạo đầu tiên là Tôn Thất Toại. Khi Tôn Thất Toại nhậm chức quản đạo đã chiêu mộ dân ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định lên khai hoang, lập ấp nhằm tạo thế chính trị với giáo hội Kon Tum của linh mục Nguyễn Do. Đây là cuộc di dân của người Kinh đến Kon Tum lần thứ nhất. Một số người Kinh khi đến Kon Tum đã bỏ đạo Phật theo Công giáo vì những lợi ích kinh tế, đã lập ra làng Tân Hương (còn gọi là làng Cây Mít, nay là phường Quyết thắng). Nhà thờ Tân Hương ra đời từ đó (1886).Về phía triều đình, quản đạo Tôn Thất Toại về sau đã lập ra làng Trung Lương. Ngay chính tên làng đã thể hiện ý thức chính trị của người Kinh định cư tại đây: “Trung là trung thành với vua và không theo đạo”. Hiện nay vết tích làng Trung Lương xưa kia chỉ còn lại đình Trung Lương.

        

Dưới thời của quản đạo Võ Vọng (1894), để mở rộng uy lực, quản đạo.  Ông đã cho phép ông Ngô Tư, Đặng Ngãi và hương sư Phùng Hiên lập ra làng Lương Khế. Đến năm 1914, Đình làng Lương Khế được xây dựng lên, khang trang, bề thế. Hiện nay, ngoài nơi thờ Thần làng, những người có công lập, xây dựng nên làng Lương Khế, đình còn điểm được nhân dân trong tỉnh tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm.

 

3.5.25 Đình làng Lương Khế, tọa lạc trên đường Trần phú, TP. Kon Tum.

                

Sau đó, triều đình Huế bổ nhiệm ông Võ Chuẩn làm quản đạo Kon Tum. Ông Võ Chuẩn tiếp tục đứng ra mộ dân từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đến khai phá và định cư lập nên làng Võ Lâm tại vùng đất phía Bắc thành phố Kon Tum. Và ông cũng là người có công hô hào người dân xây dựng chùa Bác Ái (1932) thờ Phật giáo theo phái “Cổ Sơn Môn”. Dân chúng qui tụ đến nơi đây ngày càng đông đã lập nên đình làng, trường học, tức đình Võ Lâm bên cạnh Chùa Bác Ái ngày nay.

 

3.5.26 Đình Võ Lâm, tọa lạc trên đường Mạc Đỉnh Chi, TP. Kon Tum.

                    

Với những làng Tân Hương, Trung Lương, Lương Khế, Võ Lâm…đã lập nên phố Kon Tum. Dù địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn nhưng bù lại thiên nhiên giàu có, những rừng gỗ nguyên sinh bạt ngàn, vô vàn sản vật quý hiếm: Sa nhân, sâm rừng, thú quý…đã thu hút người Kinh từ vùng duyên hải Miền Trung tìm đến vùng Kon Tum tụ cư làm ăn sinh sống.

 

Năm 1892, người Pháp đã thành lập Tòa Đại lý hành chính Kon Tum, đến ngày 9/2/1913 chính thức thành lập tỉnh Kon Tum.

 

Mặc dù ra đời sớm nhất Tây Nguyên (Đà Lạt được Yersin tìm ra năm 1893; Ban Mê Thuột được thành lập năm 1923; Pleiku năm 1932) nhưng Kon Tum vẫn không phát triển bằng các vùng khác bởi có dòng Đăk Bla chia cắt đôi bờ Nam – Bắc. Việc vận chuyển hàng hóa vào Phố Kon Tum phải đi bằng đò, bè nên  không dễ dàng lưu thông. Mãi đến năm 1935, một người Pháp có tên là Molini đã tiến hành xây dựng cầu bằng bê tông cốt sắt. Năm 1940 cây cầu hoàn thành, người dân gọi là cầu Molini. Đến năm 1956, Ngô Đình Diệm cho xây dựng lại cầu mới và đặt tên là cầu Đăk Bla – tên của dòng sông, cửa ngõ phía Nam vào Thành phố ngày nay.

 

Vậy có thể nói rằng, lịch sử lập phố ở Kon Tum gắn liền với thời điểm xuất hiện của cộng đồng người Kinh. Địa thế lại nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn, lại có dòng sông Đăk Bla thơ mộng như dải lụa mềm vắt qua thành phố. Vì vậy phố cổ Kon Tum mang những nét của một đô thị đồng bằng hơn là phố núi.

 

Phố Kon Tum đã và đang xây dựng đàng hoàng, khang trang, hiện đại hơn. Ngày nay đến với Kon Tum thật dễ dàng vì đường xá thuận tiện: Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh) là tuyến đường thứ hai song song với Quốc lộ 1A chạy từ Bắc đến Nam; Quốc lộ 24 nối Kon Tum với Quảng Ngãi…Nhưng đâu đó, trong lòng thành phố vẫn còn những ngôi nhà lợp ngói âm dương cổ kính rêu phong, tồn tại qua bao thế hệ, là chứng nhân lịch sử, gợi lên trong lòng người một nét gì đó rất xa – thửa con người bắt đầu lập phố.

 

Nhà Thờ Tân Hương vẫn còn đó. Chùa Tỉnh Hội (1896) đã hơn trăm năm vẫn đều đặn bước chân người dâng hương cúng Phật. Ngục Kon Tum với những tấm gương trung nghĩa mãi mãi ngân vang trong lịch sử đấu tranh hào hùng của cách mạng Việt Nam. Những làng Lương Khế, Trung Lương Võ Lâm… giờ đây chỉ còn trong ký ức các cụ già. Chúng đã thành những tên Quyết Thắng, Thắng Lợi, Thống Nhất…

 

Liệu mai này thế hệ trẻ Kon Tum, trong lúc ngược xuôi trên đường đời tấp nập. Hay đôi khi được thảnh thơi, thả bộ trên những con phố hiện đại, khang trang. Có bao giờ tự hỏi ngày ông cha đã từng lập làng dựng phố. Để bây giờ ta có phố nhỏ Kon Tum.                                                                                       

 

Bài, ảnh: Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết