Trải qua hàng ngàn năm lịch sử gắn bó với thiên nhiên, núi rừng, người Xơ-đăng thường chọn những nơi có sông suối hữu tình, những cánh rừng già nguyên sinh chở che để lập làng và Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cũng là ngôi làng như thế. Điều khiến ngôi làng nhỏ này trở nên đặc biệt là người dân có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, gìn giữ môi trường sống sạch sẽ và giữ rừng để làm du lịch.
Từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đi về phía Tây Bắc tầm 40km theo tỉnh lộ 676 đến cầu Măng Bút, sau đó rẽ vào đường liên thôn 7,5km nữa là đến làng Vi Rơ Ngheo, ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng hoang sơ và tách biệt với những ngôi làng khác.
Làng Vi Rơ Ngheo nằm ở độ cao 1.250m so với mặt nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi Ngọc Măng Chu ở phía Nam, Ngọc Ki Ruông, Ngọc Chăng ở phía Tây, còn ở phía Đông và Bắc là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp bên những cánh rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn.
Vi Rơ Ngheo theo tiếng Xơ-đăng có nghĩa là một vùng đất có khí hậu lạnh, đây cũng là tên một con suối chảy qua làng. Từ xa xưa, người Xơ-đăng đến vùng đất trù phú này để sinh sống và lập làng đã sử dụng tên con suối này đặt tên cho làng của mình như là một chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng về vị trí của cộng đồng cư dân đầu tiên đến đây sinh cơ, lập nghiệp.
Suối Vi Rơ Ngheo khởi nguồn từ dãy Ngọc Kring, nơi có đỉnh cao nhất khoảng 2.025m so với mực nước biển và cách làng khoảng 5km theo đường chim bay. Dòng suối chảy uốn lượn qua những khe núi, thác ghềng và những cánh đồng ruộng bậc thang trước khi đổ về sông Đăk S’Nghé.
Chính những ngọn núi cao hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh, con suối, cánh đồng và những ngôi nhà nhỏ xinh xắn góp phần tạo cho Vi Rơ Ngheo như là một bức tranh sơn thủy, hữu tình và nên thơ đến lạ.
Cuộc sống ở ngôi làng cũng hết sức bình yên, nhẹ nhàng và thân thiện. Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ, hơn 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Xơ-đăng. Giữa làng có ngôi nhà rông bề thế, chiều cao tầm 20m, đây là nơi diễn ra các lễ hội dân gian truyền thống, nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống cồng, chiêng, trống, vũ khí… và cũng là nơi tiếp đón khánh quý đến thăm làng.
Người dân ở đây xem nhà rông như là biểu tượng về văn hóa, linh hồn của làng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng với nhau và giữa dân làng với thần linh. Xung quanh nhà rông là những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn, ven làng và trên cánh đồng có những kho lúa được người dân dựng lên để lưu giữ lúa sau mỗi mùa gặt.
Người Xơ-đăng ở đây vốn hiền lành, chất phác, cần cù lao động. Do địa hình chia cách và khó khăn nên người dân lại càng yêu thương, đùm bọc nhau trong gian khó. Gần đây, họ có ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để làm du lịch và tiến tới xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng phục vụ du khách gần xa.
Hiện tại, làng Vi Rơ Ngheo có một đội cồng chiêng và múa xoang với 32 nghệ nhân, 1 bộ cồng chiêng truyền thống và một bộ cồng chiêng cải tiến. Các nghệ nhân vẫn tập luyện và truyền nghề cho nhau qua nhiều thế hệ từ bao đời nay. Cũng như nhiều ngôi làng ở Tây Nguyên, cồng chiêng và múa xoang không thể thiếu trong các dịp lễ hội và sinh hoạt truyền thống ở đây.
Người Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ nhiều lễ hội truyền thống như lễ làm máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu, nhà rông mới, lễ gieo mạ… Ẩm thực của dân làng là các loại rau rừng và thực phẩm tự sản xuất như gà, dê, heo, lúa nếp, gạo rẫy, mì, sâm dây và các loại cá, cua, ốc tự bắt ở suối, rượu cần tự làm. Nghề truyền thống của làng là nghề đan lát từ mây tre và dệt thổ cẩm.
Điều đặc biệt chỉ có ở Vi Rơ Ngheo mà các làng khác không có, đó là gần như nhà nào cũng trồng phong lan. Các loại phong lan ở đây chủ yếu được người dân mang về từ những cánh rừng ở xa và được trồng trong những bọng cây đặt xung quanh nhà, hàng rào hay trước cổng. Khí hậu mát mẻ cộng với ẩm độ cao quanh năm là điều kiện tự nhiên tuyệt vời cho các loại phong lan phát triển. Lan ở đây có nhiều loại, nhưng chủ yếu là loại địa lan kiếm hồng và cọp vàng. Thời gian nở hoa kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau mới tàn.
Bên cạnh đó, trên các dãy núi quanh Vi Rơ Ngheo đều có những rừng hoa đỗ quyên cổ thụ, cao vút, khoe sắc đúng vào dịp Tết Nguyên đán cũng trùng với dịp hoa địa lan nở nên làm cho khu rừng càng rực rỡ và sống động hơn.
Một trong những rừng đỗ quyên đẹp là ở núi Ngọc Ki Ruông, cách trung tâm làng chỉ tầm 10 phút đi bộ. Đây là khu rừng được người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt, không ai được lấy phong lan hay bất cứ cây gì từ khu rừng này. Họ cứ để cây tự nhiên lớn và tự nhiên ra hoa như vậy từ bao đời nay. Ngoài ra, trong khu rừng này còn có rất nhiều những cây thông năm lá cổ thụ, tán rừng lá kim đan xen với rừng nhiệt đới cùng với những loài phong lan, địa lan, dương sỉ… tạo nên sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng nơi đây.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người làng rất có ý thức giữ gìn môi trường sống xung quanh. Ở các ngã ba, ngã tư trong làng đều có sọt đựng rác được làm từ những cây lồ ô lớn, người dân ở đây không xả rác ra rừng, ra sông suối, ra đường. Nhà nào cũng có nơi để rác sinh hoạt hàng ngày.
Họ trồng những cây, hoa bản địa được lấy từ rừng để tạo không gian xanh cho ngôi làng. Cũng thật bất ngờ khi được biết người dân ở đây không bao giờ bẫy thú rừng hay dùng kích điện, phương pháp đánh bắt cá có tính hủy diệt mà chỉ dùng các cụng cụ truyền thống như lưới, cần câu, đơm, vợt …
Với phong cảnh đẹp và phong tục văn hóa đặc biệt, nên làng Vi Rơ Ngheo được UBND huyện Kon Plông đưa vào kế hoạch phát triển xây dựng thành làng văn hóa – du lịch cộng đồng với định hướng phát triển nhiều loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa bản địa… để bảo tồn, phát huy những vốn quý của đồng bào dân tộc Xơ-đăng ở đây, đồng thời mở ra một hướng đi mới để phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, được biết việc phát triển du lịch cộng đồng ở Vi Rơ Ngheo đã được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ của xã. Xã cũng đã xây dựng các kế hoạch, phương án thực hiện phát triển du lịch ở đây. Trong thời qua, chính quyền xã cũng đã vận động người dân thực hiện lối sống văn minh, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, trồng cây xanh, khuyến khích các hộ dân tham gia làm homestay, phục vụ hoạt động lưu trú, sửa chữa giao thông nội thôn, gìn giữ và phát huy những ngành nghề, phong tục văn hóa truyền thống, trồng lại rừng ở những nơi đã bị phá trước đây…
Đồng thời, xã cũng đã đề xuất UBND huyện, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, hệ thống nước sạch, điện chiếu sáng, sân thể thao, tập huấn nhân sự làm du lịch…, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với du lịch, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết công tác xây dựng, phát triển du lịch tại làng Vi Rơ Ngheo đã được huyện phối hợp với xã Đăk Tăng triển khai từ năm 2020. Đến nay, các hạng mục giao thông, địa điểm tham quan dã ngoại, cơ sở lưu trú, phục vụ ẩm thực, đội nghệ nhân cồng chiêng… cũng đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ các hoạt động du lịch tại làng. Sắp tới UBND huyện sẽ hoàn tất thủ tục, đề xuất với UBND tỉnh công nhận Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các hoạt động, phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Ban
https://www.sgtiepthi.vn/phat-trien-du-lich-xanh-tu-van-hoa-ban-dia-tai-lang-vi-ro-ngheo-kon-tum/