Trong các tỉnh ở Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được xem là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh nổi trội để phát triển du lịch. Tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững đó là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, du lịch tham quan những di tích lịch sử, thắng cảnh tự nhiên còn hoang sơ trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây… ở bắc Tây Nguyên.
Du lịch ở Măng Đen – Kon Plông
Nét khác biệt của tiềm năng, thế mạnh
Theo các chuyên gia, điểm khác biệt tạo nên tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh trước hết một phần do Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, đầu mối du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây của khu vực, nơi còn nhiều khu rừng nguyên sinh, trong đó Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với khí hậu quanh năm mát mẻ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, nơi có thành phố Kon Tum yên bình hài hòa, người dân mến khách, có dòng sông Đăk Bla chảy ngược, uốn khúc, có các công trình kiến trúc độc đáo như Nhà thờ chính tòa (nhà thờ gỗ), tòa giám mục, chùa Bác Ái, cầu treo Kon Klor, các điểm nhấn lịch sử, các làng đồng bào dân tộc còn nguyên sơ với những nghệ nhân hát kể sử thi trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Kon Tum lại có nhiều dân tộc, trong đó có những dân tộc bản địa Xê Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Mâm chân chất, mộc mạc. Mỗi dân tộc lại có một nét đặc sắc văn hóa riêng, có những lễ hội, ẩm thực độc đáo nếu được khai thác hợp lý trong không gian văn hóa cồng chiêng rất dễ thu hút và giữ chân du khách.
Điểm làm nên nét khác biệt của du lịch Kon Tum nữa là trong khung cảnh kỳ vĩ của đại ngàn, du khách có thể đua thuyền độc mộc bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, có thể thả hồn trên sông nước mênh mông của lòng hồ thủy điện Ya Ly, thưởng thức các loại cá lăng, cá anh vũ… ngon, bổ dưỡng thuộc hàng quý hiếm của dòng sông Sê San huyền thoại. Trong khung cảnh kỳ vĩ của đại ngàn, du khách thăm chiến trường xưa Đăk Tô-Tân Cảnh, tắm suối nước nóng, thưởng thức món nhộng lồ ô bổ dưỡng, uống “rượu giàng” từ cây tvea (loài cây họ dừa, thốt nốt) và tắm suối nước nóng Kon Đào, Đăk Rơ Nga để giải đi bao mệt nhọc trên chuyến lữ hành dài. Còn gì bằng sau khi thăm các thắng cảnh, du khách sẽ nghỉ tại khác sạn đầy đủ những tiện nghi bên dòng sông Đăk Bla huyền ảo, uống rượu cần, nghe cồng chiêng, nối vòng xoang… với các thiếu nữ Ba Na má hây hây hồng, nghe các cô kể chuyện tình trong các câu chuyện sử thi hùng tráng và diễm lệ…
Định hướng xây dựng thành mũi nhọn kinh tế
Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp không ống khói thành mũi nhọn kinh tế là một “câu chuyện” dài phải có sự đầu tư thỏa đáng và định hướng đúng. Điều đáng mừng trong khi tổ chức tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng chính phủ đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã quy hoạch ngã ba Đông Dương, khu vực lòng hồ thủy điện Ya Ly là điểm du lịch quốc gia, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen là khu du lịch quốc gia thuộc dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2012-2013 với tổng số vốn đầu tư 380 triệu USD. Nắm bắt thời cơ, ngành du lịch tỉnh cũng đã tiến hành lập dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020, từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác một số khu, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn đã quy hoạch. Công tác quảng bá du lịch cũng được chú trọng, góp phần giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người và kêu gọi các du khách, các nhà đầu tư đến với Kon Tum. Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 đã xác định giai đoạn 2016-2020 “Xây dựng, phát triển thêm ngành hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch (du lịch sinh thái) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm du lịch sinh thái Măng Đen trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh”.
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành du lịch Kon Tum không thể đứng ngoại cuộc, việc tái cơ cấu phát triển du lịch bền vững ở địa phương là hết sức rất cần thiết. Theo Sở VHTT&DL Kon Tum, trong giai đoạn 2014-2015, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen; hoàn thành xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2), quốc lộ 14 và 14C đoạn qua Kon Tum; xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm đáp ứng nhu cầu của du khách; xây dựng một số làng du lịch văn hóa, sinh thái, thúc đẩy du lịch cộng đồng; đầu tư các tour, tuyến, điểm du lịch hình thành các điểm nhấn du lịch. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các loại hình du lịch tiêu biểu, đặc trưng; xây dựng các tour, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật; phát triển các tour, tuyến du lịch sinh thái gắn với các cảnh quan thiên nhiên đẹp từ các sông, hồ, suối, thác, núi non hùng vĩ, đậm nét hoang sơ Vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đăk Uy, hồ thủy Ya Ly, Plei Krông; phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen cơ bản thành thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia; đẩy mạnh loại hình du lịch caravan qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Bên cạnh việc đầu tư, tỉnh có kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường liên kết với các tỉnh bạn trong và ngoài nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối Lào – Campuchia – Thái Lan – Myanma.
Với tiềm năng, thế mạnh, việc quy hoạch, xây dựng và phát triển du lịch Kon Tum thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Văn Nhiên