Ổn định khu dân cư để phát triển rau, hoa xứ lạnh gắn với du lịch sinh thái ở huyện Kon Plông

499

 

27 1 2015 1 1 dulich

Gia đình chị Hương sản xuất nấm

 

Gia đình chị Trương Thị Hương ở huyện Đạ H’oai, tỉnh Lâm Đồng là một trong số hộ đầu tiên có mặt tại thôn Tu Rằng ngay từ những ngày đầu khu dân cư mới được thành lập năm 2012. Tham gia Hợp tác xã trồng nấm, song khi mô hình hợp tác không còn được duy trì vì nhiều lý do khác nhau, gia đình chị vẫn kiên trì bám nghề. Đầu tư chủ yếu hai loại (nấm bào ngư và nấm mèo), mỗi năm 4 lứa nấm chính và các lứa nấm gối đầu, mỗi lứa khoảng 10.000 bịch nấm, thu nhập ổn định giúp gia đình từng bước ổn định cuộc sống. Chị Hương chia sẻ : Ở đây lạnh, nhưng làm nấm theo quy trình kỹ thuật, thấy hầu hết các loại nấm đều sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tiêu  thụ ở Măng Đen không nhiều, nên gia đình tìm mối, bán chủ yếu ở thành phố Kon Tum. Trừ chi phí, thu nhập hàng tháng cũng ổn định để tiếp tục đầu tư sản xuất.

 

Đến định cư tại khu vực dân cư mới vào đầu năm 2013, hiện tại, gia đình chị Trần Thị Trúc Phương đã làm được nhà gỗ khang trang, sản xuất ổn định trên 1.000 m2 đất vườn trồng các loại rau, củ, quả xứ lạnh. Chỉ với khoảng 1 sào dâu Tây, gia đình chị đã có thu nhập đều đặn với mức giá trung bình 70.000đ/ kg. Chị Phương chia sẻ: Bình thường, mỗi ngày thu 20-30 kg quả dâu chín thì tiêu thụ hết. Những lúc thu rộ, bán tươi không hết, cũng chẳng sợ hư, sợ ế. Em lấy làm rượu, là mứt, gửi các cửa hàng, khách sạn ở Măng Đen bán cho khách du lịch, cũng được…

 

Nằm trong dự án quy hoạch vùng rau hoa xứ lạnh và cây trồng gắn với du lịch sinh thái huyện Kon Plông, đến nay, 37 hộ dân đã được tiếp nhận vào khu dân cư mới thôn Tu Rằng. Thuộc diện “thu hút” nên bà con chỉ được đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, còn lại, tự đầu tư làm nhà ở và chủ động sản xuất, sinh hoạt. Đến nay, khu vực quy hoạch đã được huyện Kon Plông đầu tư mở tuyến đường chính và hoàn chỉnh lắp đặt hệ thống lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Ông Đặng Thanh Nam- Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay: Song song với đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, đối với 37 hộ dân đón nhận vào khu dân cư mới, huyện đã  cấp cho mỗi hộ 1 hecta đất sản xuất gắn với thổ cư như cam kết. Tuy hệ thống cấp nước chưa được đầu tư, song ban đầu, một số hộ dân đã chủ động nguồn nước, nhanh chóng đi vào sản xuất. Sản phẩm rau, hoa xứ lạnh được sản xuất không chỉ tiêu thụ tại địa bàn huyện mà còn được cung ứng ở thành phố Kon Tum và một số vùng lân cận.

 

27 1 2015 1 2 dulich

Trồng rau, quả xứ lạnh ở khu dân cư mới Tu Rằng

  

Đến nay, hầu hết bà con ở khu dân cư mới đã làm nhà ở và phát dọn, chuẩn bị đất sản xuất. Tuy vậy, do hệ thống cấp nước chưa được lắp đặt, nên nhiều hộ vẫn chưa thể tập trung trồng trọt. Trường hợp bà Trần Thị Sợi từ An Phú, Sa Đéc, An Giang đến định cư ở thôn Tu Rằng, nhưng do chưa có nước sản xuất, bà tạm thời làm lao động hợp đồng tại HTX Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen. Trên cơ sở tập trung thi công, đến cuối tháng 1/2015, hệ thống cấp nước mới được đầu tư hoàn chỉnh. “ Có nước, tôi sẽ về làm vườn tại khu dân cư mới. Mong muốn của mọi người ở đây là sẽ tạo ra vùng rau hoa trù phú như ở Đà Lạt, ở Sa đéc…”- Bà Sợi tin tưởng.

 

Cơ bản và lâu dài, đảm bảo cung ứng điện và cấp nước mới giúp các hộ định cư thực sự ổn định và phát triển sản xuất. Vì vậy, được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chắc chắn, khu dân cư mới thôn Tu Rằng sẽ tạo bước chuyển biến mới trong năm 2015, góp phần thúc đẩy dự án rau hoa xứ lạnh Măng Đen phát triển theo yêu cầu, mục tiêu đề ra./.

 

Bài, ảnh: Thanh Như

Đi đến nguồn bài viết