Ở nơi “Một tiếng gà gáy, cả ba nước đều nghe”

1156

[Tin Kon Tum] – Kon Tum vào một sáng mùa hè, nắng như rót mật trên thành phố nhỏ xinh, gió lùa trên những con đường quanh co, dồn dập dốc lên dốc xuống. Cửa ngõ của trung tâm thành phố là chiếc cầu Đăk Bla – nơi có dòng sông huyền thoại, mang sức mạnh tuôn trào ào ạt. Mùa hè, nước sông đầy ăm ắp, hai bên bờ là dải cây cối xanh rì, tràn đầy sức sống như cô gái Ba Na tuổi đôi mươi. Cách không xa sông Đăk Bla là Nhà Thờ Gỗ hơn 100 tuổi, Đại Chủng Viện uy nghi, Nhà rông KonKlor đẹp đẽ,… Mỗi nơi đều có dấu ấn riêng biệt trong lối kiến trúc, dễ khiến cho người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, trầm trồ thán phục bàn tay của những nghệ nhân tài hoa. Tuy nhiên, nếu thăm thú hết cảnh đẹp mà lại chưa lên thăm Cột mốc ba biên (Cột mốc biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia) thì chưa hiểu gì về mảnh đất Bắc Tây Nguyên.

Kết quả hình ảnh cho Cột mốc ngã ba biên giới.

Cột mốc ngã ba biên giới.

Từ trung tâm thành phố Kon Tum, mất khoảng 2 giờ ô tô để đến Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trong kí ức của nhiều người, đây là vùng đồi núi hoang vu, cư dân thưa thớt, cuộc sống đìu hiu, buồn bã. Những năm trước, ở thành phố Kon Tum muốn vào Bờ Y thì phải mất vài ngày, mùa khô đường bụi mù mịt, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, mùa mưa thì đất đai nhão nhoét, đường rất khó khăn, nhiều chỗ phải đi bộ cả đoạn dài. Bờ Y thực sự “vươn mình tỉnh giấc” vào năm 2005 – khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; gồm 6 xã và 1 khu trung tâm, diện tích quy hoạch khu đô thị 9.000ha, cảng hàng không quốc tế 1.000ha và các khu thương mại, công nghiệp, dịch vụ,…Hiện nay, Cửa khẩu Bờ Y lúc nào cũng tấp nập kẻ mua người bán mặt hàng thiết yếu, trao đổi hàng hóa, nông sản nhộn nhịp. Và nơi đây trở thành một cửa ngõ quan trọng của những tour du lịch đường bộ, liên tục xuất hiện nhiều đoàn lữ hành nối đuôi nhau trên hành trình xuyên Đông Dương và Kon Tum. Chúng ta dễ dàng bắt gặp bóng dáng những cô gái Lào, váy áo duyên dáng với tóc búi cao, nở nụi cười thân thiện, đáng yêu.

Tiếp tục đi qua những góc núi quanh co, những vòng uốn lượn tưởng như không bao giờ dứt, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm hun hút, sự mạo hiểm lại trở thành điểm cuốn hút đến không ngờ. Nếu như may mắn đi trên con đường này vào đầu mùa hè, bạn sẽ thấy đừng đàn bướm trắng nhỏ xinh, rập rờn bay lượn, thấp thoáng bao triền bông lau trắng muốt, đẹp đến ngỡ ngàng. Sau khoảng 30 phút lái xe, chúng ta mới có thể chạm chân ngọn đồi cao 1086m so với mực nước biển – nơi đặt cột mốc biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia nổi tiếng. Cột mốc được khởi công xây dựng vào cuối năm 2007, dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới, Lễ khánh thành tổ chức trọng thể vào ngày 18-1-2008, có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao ba nước. Cột mốc đứng ở tọa độ: 13041’09,08” vĩ độ Bắc, 107033’27,79” kinh độ Đông, chiều cao khoảng 2m, nặng gần 1000kg, được dựng trên một trụ đá hình tròn, chu vi chừng 1m đồng thời đặt trên 3 bệ đá cùng là 3 hình tròn đồng tâm. Nó cũng được khắc ba mặt là quốc huy và tên quốc gia bằng ngôn ngữ của nước đó, đặt giữa các tỉnh: Kon Tum (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) và Attapeu (Lào). Từ Cột mốc, phóng tầm mắt ra xung quanh, chúng ta có thể thấy: bầu trời cao xanh vời vợi, từng cụm mây trắng buốt lửng lơ; bên dưới là dãy đồi núi xanh ngắt, gối đầu lên nhau trùng trùng điệp điệp, từng dải bông lau đung đưa trong nắng vàng rực rỡ… Phong cảnh thật vùng vĩ, mà đậm chất thơ, dễ khiến cho người ta trào dâng lên tinh thần tự hào dân tộc, yêu từng tấc đất, ngọn đồi nơi biên cương. Thật đúng như lời bài hát:

“Chiều biên giới em ơi.
Có nơi nào xanh hơn.

 Như chồi non cỏ biếc.
Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta

 Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương …”

Việc Cột mốc biên giới 3 nước được dựng lên, đã mang nghĩa to lớn đối với an ninh quốc phòng, đường biên giới tiếp giáp giữa 3 tỉnh Kon Tum, Rattanakiri, Atapeu đã xác định rõ ràng trên thực địa, góp phần gìn giữ sự ổn định ở khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ. Đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y “bứt phá”, mang vai trò như vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên và một đô thị mới của Đông Dương. Bất kì ai đã từng đến thăm Cột mốc này đều sẽ có cảm tưởng: Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề tuyệt đối quan trọng, hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc, bất kì người dân Việt Nam nào.

Hà Oanh